Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ đã thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”
Ngày 25/9, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu riêng thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, hơn mười nghị sĩ quốc hội đã phát biểu thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Hồng Kông, đồng thời lên án việc xâm phạm tự do nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Vào sáng ngày 25/9, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện đã tiến hành bỏ phiếu để thông qua 7 dự thảo nghị quyết, trong đó có 2 dự luật liên quan trực tiếp đến Hồng Kông, ngoài “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” (Hong Kong Human Rights and Democracy Act), còn có “Dự luật Bảo vệ Hồng Kông” (Protect Hong Kong Act) để lên án cảnh sát Hồng Kông đã lạm dụng vũ lực đối với người biểu tình.
Vào buổi chiều, Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện cũng đã biểu quyết bằng miệng, nhất trí thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”.
Nghị sĩ Hoa Kỳ Steve Chabot nói trong bài phát biểu: “Chúng ta đã nhìn thấy sự xói mòn đối với nhân quyền cơ bản ở Hồng Kông, phản ánh ra bản chất của ĐCSTQ.
Tại Tân Cương, Tây Tạng… chúng ta cũng có thể nhìn thấy những chuyện tương tự. Dưới sự thống trị của bọn họ thì nhân dân cơ bản sẽ không có tự do, đây là điều mà đảng cộng sản mong muốn, không chỉ là ở nơi đó [Trung Quốc], mà còn muốn những nơi khác trên thế giới đều phải chịu xiềng xích của nó. Chúng ta nhất định sẽ không để họ đạt được dã tâm đó”.
“Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ căn cứ vào tình hình kinh tế, nhân quyền và pháp trị ở Hồng Kông, mỗi năm báo cáo lên quốc hội để xem có nên giữ nguyên đãi ngộ đặc biệt đối với Hồng Kông hay không.
Ngoài ra, dự luật còn yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nên từ chối cấp visa đối với những người Hồng Kông bị bắt vì tham gia thỉnh nguyện phi bạo lực; yêu cầu tổng thống trừng phạt đối với những người Trung Quốc và Hồng Kông xâm phạm nghiêm trọng nhân quyền và phá hoại nền tự trị của Hồng Kông.
Nghị sĩ Chris Smith cho biết, dự luật này yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đối với tình trạng tự trị của Hồng Kông phải tiến hành phân tích sâu hơn, giúp đảm bảo tình huống thực tế được đánh giá chính xác, trong đó điều khoản ân xá có thể bảo đảm giúp tăng cường quyền tự trị của Hồng Kông.
“Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông” trước đây đã nhiều lần được nêu ra tại quốc hội. Lần này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, có 37 người của Hạ viện và 22 người của Thượng viện đã ký tên.
“Tình huống của Hồng Kông phát sinh biến hóa, mọi người càng ngày càng ý thức ủng hộ tự do và tự trị của Hồng Kông, thời gian đã rất cấp bách rồi”, nghị sĩ Chris Smith nói.
Dự luật này tiếp theo sẽ được tiến hành bỏ phiếu ở toàn quốc hội, sau khi tổng thống ký tên thì sẽ chính thức trở thành luật. Ông Smith nói với Thời báo Epoch Times rằng, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hứa hẹn sẽ mau chóng sắp xếp thời gian bỏ phiếu, bởi vì quốc hội sắp tới sẽ tạm ngưng họp 2 tuần, ngày bỏ phiếu cụ thể có thể vào giữa hoặc cuối tháng 10.
Hôm 26/9, trang Xinhua của Trung Quốc cho hay, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ thông qua “cái gọi là Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông năm 2019”, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói rằng “Đạo luật này hoàn toàn nhầm lẫn giữa đúng và sai, bất chấp sự thật, ủng hộ trơ tráo những kẻ bạo lực cực đoan ở Hồng Kông và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
“Tốc độ mà các dự luật đã được các ủy ban thông qua cho thấy cam kết của các nhà lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ đối với Hồng Kông và sự hỗ trợ ngày càng tăng từ các thành viên Quốc hội Mỹ ở cả hai đảng”, ông Samuel Chu, giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hồng Kông có trụ sở tại Washington, cho biết trong một thông cáo.
Minh Huy (Theo Epoch Times)