Những tư duy ngụy biện kỳ quặc thường chỉ có ở người Việt (P.1)

05/07/22, 12:11 Góc Nhìn

“Ngụy biện” là khái niệm dùng để chỉ một loại lập luận trong giao tiếp, tưởng chừng đúng nhưng thực chất lại là sai, bề ngoài thì chặt chẽ nhưng thật ra rất phi logic, khiến người nghe lẫn lộn không phân biệt được thật giả, từ đó khóa miệng người khác, khiến nhiều người không biết phải đối đáp ra sao…

Triết gia Hy Lạp cổ Socrates là người từng bàn luận rất thấu đáo về ngụy biện. (Ảnh qua ĐKN)

Theo Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates: “Lập luận ngụy biện bề ngoài thì dường như là suy luận chính xác nhưng thực tế lại trái với quy luật khách quan, thoạt nghe thì đúng nhưng mà lại sai. Thủ đoạn này thông thường là thay đổi luận đề, bịa đặt luận cứ, dẫn chứng vòng vo, suy luận máy móc, hoặc có khi cố ý nói to và nói nhiều để lấn át lẽ phải, lấy một câu tách ra khỏi nội dung của toàn văn rồi giải thích theo ý mình,…”

Hiện nay có một thực trạng đáng buồn là rất nhiều người Việt Nam đều có tư duy ngụy biện, thậm chí đã hình thành một loại “văn hóa ngụy biện”. Vì đã trở thành tự nhiên nên cả người nói cũng không nhận ra rằng mình đang ngụy biện, còn cho rằng lập luận của bản thân “thấu tình đạt lý” nên người khác không thể đáp lại được. 

Dưới đây là một số lỗi logic “tưởng đúng mà lại sai” mà người Việt chúng ta thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đặc biệt là trong tranh luận trên môi trường mạng xã hội. 

“Làm tốt đi rồi hãy nói người khác!”

Câu nói này rất phổ biến trong giao tiếp hiện nay, khi bị người khác chỉ ra lỗi sai, nhiều người thường hay buột miệng nói: “Anh đã làm được như tôi chưa mà nói tôi?”, “Anh hãy xem lại bản thân mình có chỗ nào hơn tôi mà dám phán xét tôi?”, “Tôi có lỗi này thì anh cũng có lỗi kia, anh lấy quyền gì khuyên tôi chứ?”,…

“Anh phải làm được tốt rồi anh mới cho người khác lời khuyên!”, lập luận này dường như hợp lý, nhưng thực chất chính là ngụy biện. Con người ai không từng phạm sai lầm? Thời đi học ai chưa từng bị điểm kém? Lẽ nào vì chúng ta từng có lỗi mà khi thấy người khác làm sai chúng ta không được nhắc nhở hay sao? Lẽ nào vì chúng ta từng bị điểm kém hồi nhỏ mà bây giờ chúng ta không được dạy trẻ nhỏ học bài hay sao? Lẽ nào một đứa bé từng hái trộm trái cây của hàng xóm thì sau này không được trở thành người hùng bắt cướp hay sao? Không thể suy nghĩ như vậy được!

Xoay lại mà nói, nếu có người chỉ ra lỗi của chúng ta, chúng ta đáng lý nên phải nghĩ xem lời của họ có đúng không, chúng ta có thật có thiếu sót này hay không? Nếu là có thì chúng ta nên khắc phục và cảm ơn vì họ đã cho chúng ta lời khuyên hữu ích. Còn nếu không có, cũng nên giải thích một cách thiện ý rằng chúng ta không sai, có thể họ có hiểu lầm gì với chúng ta chăng? Đây mới là cách làm của người thông minh và có văn hóa.

Nếu làm ngược lại, họ chỉ ra lỗi của chúng ta, chúng ta cũng đi tìm lỗi của họ mà chỉ trích, vậy thì chẳng giải quyết được gì. Chúng ta không bao giờ khắc phục được nhược điểm của bản thân mà còn trở thành kẻ hẹp hòi chuyên đi soi mói sơ hở của người khác để công kích. 

Cũng như nếu có người nói với chúng ta rằng: “Nhà bạn có rác kìa!”, thay vì dọn dẹp lại cho sạch sẽ nhà mình thì chúng ta lại làm ầm lên: “Nhà anh cũng có rác mà, anh lấy tư cách gì để nói tôi, anh lo quét nhà anh đi!” Giả tỷ người kia nghe xong liền lập tức đi quét nhà, thì nhà anh ta sẽ sạch, còn nhà chúng ta vẫn tiếp tục dơ bẩn! 

Rõ ràng loại tư duy như vậy chỉ có hại chứ không có ích gì cho cuộc sống và công việc của chúng ta.

“Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?”

Đây có thể nói là một loại biến tấu của câu nói “Làm tốt đi rồi hãy nói người khác!” bên trên, cũng cùng một lối tư duy. Khi có người đưa ra ý kiến, bình luận, quan điểm của họ về các vấn đề chính trị mà họ không hài lòng, thì rất nhiều người liền sử dụng ngay câu nói này để khóa miệng người ta, phổ biến nhất là trong môi trường tranh luận trên mạng xã hội.

Thói quen của người ngụy biện là nói to và cưỡng từ đoạt lý để buộc người khác không thể nói tiếp được. (Ảnh qua Vietlawyer)

Trước tiên, nếu là ở trên mạng xã hội hoặc là một người mà chúng ta không quen hoặc không hiểu rõ, thì người đó đã làm gì cho đất nước hay chưa chúng ta hoàn toàn không biết được. Biết đâu người đó là một học sinh xuất sắc đã từng đem về huân chương cho nước nhà, cũng có thể là một doanh nhân thành đạt đang đóng góp to lớn cho cơ cấu kinh tế đất nước, cũng có thể là một nhà khoa học đang nghiên cứu phát minh ra những lý thuyết mới có ích cho sự phát triển của nhân loại, cũng có thể là một bác sĩ đã từng cứu sống rất nhiều người, hoặc chỉ là một người rất bình thường nhưng đã từng đi khắp nơi để cứu trợ và giúp người khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua,… chúng ta sao có thể tùy tiện nói liều rằng họ chưa làm gì cho đất nước? 

Dù thật sự họ chưa từng làm được điều gì lớn lao, thì người thân, bạn bè hoặc người quen biết của họ cũng có thể là những người đã và đang đóng góp cho đất nước, còn bản thân họ thì đã từng giúp đỡ hoặc cổ vũ tinh thần cho những người kia. Mỗi người, mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp khác nhau trong cuộc sống đều chiếm giữ một vai trò trong xã hội, chúng ta không thể nói họ vô dụng được. 

Dù là một nhà lãnh đạo tài ba cũng có thể đã từng có lúc phải ăn bánh mì lề đường, uống nước suối vỉa hè, chúng ta có thể nói rằng người bán bánh mì, bán nước suối ấy không làm được gì cho đất nước hay không? Hoàn toàn không thể nhìn nhận như vậy được!

Hơn nữa, mỗi người chúng ta đều là một công dân Việt Nam, khi thấy xuất hiện vấn đề bất ổn đối với đất nước hoặc xã hội, thì chúng ta đều có quyền và có trách nhiệm phải lên tiếng. Sao có thể nghĩ rằng “chưa làm được gì” thì không được phép nói? Chẳng phải việc lên tiếng cũng là đang làm, đang đóng góp ý kiến, đang chịu trách nhiệm với đất nước đó sao?

Đối với những góp ý hoặc phê bình của người khác, chúng ta chỉ có thể xem có hợp tình hợp lý hay không. Nếu quan điểm của họ thật sự có lợi cho mọi người, thì chúng ta nên ủng hộ, nhiều người ủng hộ thì tự nhiên sẽ tạo thành tiếng nói chung, buộc những người đương quyền phải xem xét giải quyết ý kiến của chúng ta. Còn nếu cảm thấy họ nói không đúng thì chúng ta có thể giữ im lặng hoặc đưa ra ý kiến phản biện một cách chặt chẽ logic, như vậy mọi người có thể cùng nhau thảo luận một cách ôn hòa. 

Còn ngay từ đầu đã khóa miệng không cho người khác nói bằng cách gọi họ là “anh hùng bàn phím” hay hỏi vặn họ rằng “đã làm gì cho đất nước chưa?”, thì chẳng khác nào đang tự bưng tai bịt mắt của mình, cố chấp cực đoan, không tiếp thu ý kiến mà chỉ hành xử theo tình cảm cá nhân. Nếu ai cũng mang cách nghĩ như vậy thì xã hội và đất nước sao có thể phát triển thêm được?

“Ở đâu mà không có người xấu? Nước nào mà chẳng có tham nhũng?”

Rất nhiều người Việt Nam cho rằng chính trị là vấn đề “bất khả xâm phạm”, là chuyện mà chỉ có giới quan chức và lãnh đạo mới được phép nói tới, còn người bình thường thì không thể xen vào. Hễ ai đó mà nói về chính trị, thì người khác liền không dám nghe, họ sẽ viện tới những lập luận ngụy biện để buộc người khác phải chuyển hướng vấn đề, không nói tiếp về chính trị được nữa. 

Chẳng hạn như có người bàn về tình trạng tham nhũng, thì người khác sẽ nói: “Nước nào mà chẳng có tham nhũng?”, hoặc nói về xã hội bất ổn định thì người khác sẽ nói: “Bên Mỹ, bên châu Âu cũng có ổn định đâu?” Thậm chí họ có thể đưa ra một tràng lý lẽ: “Bên Mỹ còn có khủng bố xả súng, đánh bom liều chết, quấy rối tình dục, ấu dâm trẻ em, người sử dụng ma túy tràn lan trên đường, tỷ lệ người vô gia cư cao, các tập đoàn tài phiệt độc quyền kinh tế,…”

Ngụ ý của những lời này chính là nói: “Bên Mỹ và các nước tư bản cũng có tốt đẹp gì đâu, còn tệ hơn cả Việt Nam ấy chứ!”. Nếu để ý kĩ, không khó để chúng ta nhận ra loại tư duy này cũng từ cách nghĩ “Làm tốt đi rồi hãy nói người khác!” mà ra! 

Con người đều có hai mặt Thiện ác, nếu không ức chế cái ác thì xã hội chắc chắn sẽ hỗn loạn và bất trị. (Ảnh qua crosswalk)

Người nói những lời đó cho rằng bên nước ngoài (mà trong quan niệm của họ chỉ có thể là Mỹ và các nước tư bản liên quan đến Mỹ) cũng không tốt, vậy thì cớ gì phải đòi hỏi người Việt Nam phải tốt? Lãnh đạo nước ngoài cũng không thanh liêm chính trực, vậy thì cớ sao phải kêu lãnh đạo Việt Nam đừng tham nhũng? Ở nước ngoài cũng có tệ nạn xã hội, vậy thì tại sao lại đi soi mói tệ nạn xã hội ở Việt Nam? 

Lập luận này nếu suy nghĩ lại sẽ thấy rất đáng cười! Tạm thời không tranh luận rằng “nước ngoài” kia có thật sự như vậy hay không, cứ cho là thật đi, thì cũng có quan hệ gì với chúng ta đâu? Đó chẳng phải là việc của quốc gia đó, là chuyện mà đất nước đó cần giải quyết hay sao? Nó không hề liên can tới đất nước của chúng ta, việc chúng ta cần quan tâm chính là đất nước của mình! 

Thấy đất nước mình có tham nhũng thì ra sức bài trừ, thấy đất nước mình có bất ổn thì ra sức điều chỉnh, thấy đất nước mình có xuất hiện những vấn đề bại hoại như quấy rối tình dục hoặc ấu dâm trẻ em thì cần đưa ra chính sách giải quyết, xử lý nghiêm minh mà làm gương cho người khác. 

Còn nếu cứ khăng khăng chỉ trích lỗi của những quốc gia khác, dẫu họ có giải quyết được tình hình của đất nước họ hay không thì nào có ích gì cho chính đất nước của chúng ta? Cũng giống như nhà người khác có sạch rác hay không thì cũng không ảnh hưởng tới việc nhà chúng ta đang có rác. Điều mà chúng ta cần làm chính là quét sạch nhà mình, giải quyết vấn đề của đất nước mình, chứ không phải là chỉ trích vấn đề của đất nước khác!

Hơn nữa chúng ta đều biết rằng trong bất cứ xã hội nào từ xưa tới nay, thì người tốt và người xấu vẫn luôn cùng nhau tồn tại, do đó nhất định cần biểu dương cái Thiện và ức chế cái ác, đây là điều mà nhân loại hướng tới. Nếu nói rằng “ở đâu cũng có tham nhũng, nơi nào cũng có người xấu”, thì chẳng phải đang ngấm ngầm thừa nhận việc làm của những tham quan và người xấu kia? 

Vì ở đâu cũng có nên không cần chống tham nhũng, không cần bài trừ cái ác, không cần phản đối bất công? Thấy người gặp nạn cũng bỏ mặc, thấy người bòn rút của công thì cho là chuyện đương nhiên, thấy tệ nạn xã hội cũng nghĩ là bình thường, vậy chẳng phải đang để mặc cho cái ác càng ngày càng lộng hành, xã hội càng ngày càng loạn hay sao?

Những câu nói và lập luận “ngụy biện” bên trên rất hay xuất hiện trong tranh luận giữa người Việt với nhau, bề ngoài thì dường như đúng, khiến người khác khó mà phản biện được, nhưng thực tế lại hoàn toàn sai, hơn nữa còn rất phản cảm, rất trái với đạo lý thông thường. 

Có lẽ những lời này đa phần đều xuất phát từ tâm tranh đấu, hiếu thắng, dẫn đến cưỡng từ đoạt lý, thậm chí bất chấp đúng sai của chúng ta. Nếu muốn loại bỏ đi những tư duy lệch lạc và văn hóa “kỳ quặc” này, thì cũng chỉ có thể bắt đầu bằng việc sửa lại tâm tính của chính mình, nhẫn nại và bao dung, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác hơn, dần dần giảm bớt đi thói quen thích thể hiện bản thân và không ngừng tìm kiếm khắc phục những lỗi lầm trong lời nói giao tiếp hàng ngày của mình.

(còn nữa)

Thế Di

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao con người không nhìn thấy được Thần?

Ad will display in 09 seconds

Người Việt đang khao khát điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

Ad will display in 09 seconds

Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

Ad will display in 09 seconds

Lời dặn của quỷ đói

Ad will display in 09 seconds

Những điều ít biết về Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

Ad will display in 09 seconds

Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Vì sao con người không nhìn thấy được Thần?

    Vì sao con người không nhìn thấy được Thần?

  • Người Việt đang khao khát điều gì?

    Người Việt đang khao khát điều gì?

  • Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

    Tội ác này đã gây diệt vong cả một thành phố cổ đại

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

    Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

  • Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

    Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

  • Lời dặn của quỷ đói

    Lời dặn của quỷ đói

  • Những điều ít biết về Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump

    Những điều ít biết về Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump

  • Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

    Tinh Hoa kể chuyện: Linh thể

  • Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

    Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm