Vì sao phẫu thuật của Trung y cổ đại rất phát triển nhưng lại bị thất truyền?
Hầu hết mọi người hiện nay đều cho rằng chỉ Tây y mới có thể thực hiện phẫu thuật, Trung y làm sao phẫu thuật được? Nhưng kỳ thực, vào thời Trung Quốc cổ đại, phẫu thuật của Trung y đã rất phát triển. Có không ít ghi chép về điều này vẫn được lưu lại trong các sách cổ.
Có một cuốn sách rất nổi tiếng trong triều đại nhà Tùy tên là “Chư bệnh nguyên luận”, do thái y Sào Nguyên Phương viết. Trong đó, có đoạn tự thuật: “Có người đại trường bị đứt đoạn, nhìn thấy được cả hai đầu, vẫn có thể nhanh chóng nối lại được. Trước hết dùng dương kim khâu lại, nối liền các đoạn ruột đứt, sau đó lấy máu gà để bôi vào, đừng để khí tiết ra và dần đẩy vào trong. Tuy nhiên, những người bị đau quá nên dùng chỉ tơ để khâu, tránh tổn thương huyết mạch”.
Đoạn trên nói về trường hợp ruột bệnh nhân bị đứt rời và quá trình thầy thuốc nối lại ruột thông qua phẫu thuật. Vậy Trung y cổ đại đã sử dụng những công cụ nào để phẫu thuật và nó được dùng như thế nào? Tại sao phẫu thuật ngoại khoa của Trung y không được lưu truyền lại?
Thuốc gây mê trong phẫu thuật Trung y cổ đại
Khi nói đến phẫu thuật của Trung y cổ đại, mọi người thường nghĩ ngay đến Hoa Đà, người được công nhận là vị tổ đầu tiên của nền phẫu thuật ngoại khoa Trung y. Hoa Đà là người đã lập ra bài thuốc Ma Phí Tán, loại thuốc gây mê sớm nhất trên thế giới. Các bệnh nhân sau khi dùng Ma Phí Tán, cơ thể sẽ mất tri giác. Sau đó thầy thuốc có thể mổ bụng để loại bỏ các khối u.
Thật đáng tiếc, Ma Phí Tán sau đó đã bị thất truyền. Tuy nhiên sau Ma Phí Tán, các loại thuốc gây mê khác cũng xuất hiện.
Ví như, một y học gia về ngoại khoa thời nhà Minh là Trần Thực Công đã viết trong cuốn “Phẫu thuật chính tông” rằng, ông đã sử dụng thuốc gây mê “Hồi hương thảo tán” để phẫu thuật loại bỏ thịt thừa trong mũi. Hồi hương thảo tán là một loại thuốc gây tê cục bộ được làm từ 2 loại thảo mộc là Hồi hương thảo và gừng. Ông mô tả trong cuốn sách như sau: Đầu tiên thổi Hồi hương thảo tán vào niêm mạc mũi 2 lần, sau đó dùng một sợi tơ để quấn lấy gốc cục thịt thừa, xoắn lấy nó kéo xuống, cục thịt sẽ rơi ra.
Dao phẫu thuật thời xưa như thế nào?
Rất lâu trước Hoa Đà, đã có nhiều ghi chép về dụng cụ phẫu thuật của Trung y. “Sơn Hải Kinh” nói rằng: “Núi ở Cao Thị đầy ngọc bích, và đá có thể được sử dụng làm kim, dùng để phá vỡ nhọt độc”. Trong “Tố vấn” cũng ghi lại: “… Tất cả các bệnh về nhọt độc, dùng biếm thạch (kim bằng đá) để trị”.
Vào thời đó, người ta đã sử dụng biếm thạch để chế tạo các dụng cụ y tế khác nhau, như “biếm châm” và “biếm liêm”, chúng có các kích cỡ lớn nhỏ không tương đồng. Biếm liêm giống như một loại dao, có thể được dùng để cắt khối u và loại bỏ thịt thối rữa. Biếm liêm được khai quật tại một di chỉ thời nhà Thương ở Cao Thành, Hà Bắc, có niên đại cách đây 3.400 năm, là con dao mổ xuất hiện sớm nhất trên thế giới.
Không những vậy, bản thân biếm thạch cũng có tác dụng dưỡng sinh trị bệnh và điều hòa khí huyết, lưu thông kinh lạc. Y học hiện đại cũng đã phát hiện rằng biếm thạch chứa ít nhất 30 loại nguyên tố vi lượng có lợi cho cơ thể người.
Sau khi các loại đồ dùng bằng đồng và sắt ngày càng phổ biến, người ta bắt đầu sử dụng các kim loại này để chế tạo kim, dao và nhiều dụng cụ phẫu thuật khác.
Sau triều đại nhà Tần và nhà Hán, dụng cụ phẫu thuật tiếp tục phát triển. Các dụng cụ phẫu thuật phổ biến như nhíp và kéo đã được tìm thấy trong các di tích văn vật khai quật thời nhà Đường. Vào thời Tống, các dụng cụ phẫu thuật thường được sử dụng đã tương đối đầy đủ như kim, kéo, dao, kìm, và đục. Những điều này đều được ghi chép trong các cuốn cổ thư như “Thế y đắc hiệu phương” và ”Vĩnh loại kiềm phương”. Bên cạnh đó, một loạt dụng cụ y tế thời nhà Minh cũng đã được khai quật ở huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô. Ngoài dao lưỡi phẳng bằng sắt và đồng, kéo nhỏ và nhíp, còn có một con dao phẫu thuật hình lá liễu có một cạnh sắc rất giống dao mổ hiện đại.
Trong “Ngoại khoa minh ẩn tập” được viết bởi y gia triều Thanh là Hà Cảnh Tài có mô tả ngắn gọn về một số dụng cụ phẫu thuật như dao phẫu thuật, kim tam lăng, dao lưỡi phẳng, dao lưỡi nguyệt, kéo và nhíp. Dao phẫu thuật là mỏng nhất và sắc bén nhất; Kim tam lăng được sử dụng để giải phóng máu độc ứ đọng, châm rỗng để cho nước ứ đọng lưu thông; Dao lưỡi phẳng được sử dụng để cắt da chết, dùng rất thuận tiện; Dao lưỡi nguyệt dùng để cắt thịt thối ứ đọng ở sâu; Nhíp dùng để kẹp vào một phần da, giúp việc dùng dao thuận tiện hơn.
Chỉ khâu trong phẫu thuật cổ đại
Thủ thuật khâu cũng là một phát minh quan trọng trong lịch sử phẫu thuật ngoại khoa của Trung y. “Tang bì sợi” hay sợi dâu tằm là một trong những chỉ khâu thường được sử dụng nhất. Sách “San Phồn Phương” có ghi lại phương pháp chữa người bị thương ruột lòi ra ngoài như sau: “Dùng tang bì, sợi nhỏ khâu da bụng lại, rồi dùng bột bồ hoàng bôi lên”.
Theo các thầy thuốc Trung y xưa, cách tạo ra tang bì sợi là trước tiên loại bỏ lớp vỏ cây dâu bên ngoài, sau đó chọn lấy lớp gần cành dâu và xé nó ra. Rồi lại cầm lấy, vuốt sợi từ đầu đến cuối 7 lần, để làm cho sợi mỏng mịn và mượt như tơ. Đến lúc sử dụng, chỉ cần xông trong hơi nước sôi và sợi sẽ mềm như mới. Tang bì sợi có thể được cơ thể hấp thụ, do đó không cần phải tháo sợi sau khi khâu.
Tang bì sợi tiện dụng và không dễ bị đứt đoạn. Không chỉ vậy, bản thân nó cũng là vị thuốc có tính bình hòa, có tác dụng thanh nhiệt giải độc cũng như thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Làm thế nào để khử trùng và cầm máu cho bệnh nhân?
Trong phẫu thuật ngoại khoa cổ đại, có nhiều loại thuốc dán, thuốc rửa, cũng như các loại thuốc khác như thuốc trừ thịt thối, thuốc sinh cơ, thuốc làm se da… giúp cầm máu và nhanh lành vết thương sau phẫu thuật.
Tại sao phẫu thuật của Trung y không được lưu truyền đến ngày nay?
Việc phát hiện dụng cụ, cũng như ghi chép về các phương pháp phẫu thuật và sử dụng thảo dược trong cổ thư đã đủ để giải thích mức độ phát triển của phẫu thuật ngoại khoa của Trung y thời cổ đại. Tuy nhiên đáng tiếc là rất nhiều điều tinh hoa trong đó đã không được lưu truyền. Vì vậy ngày nay rất ít người biết Trung y cũng có phẫu thuật.
Nguyên nhân một phần là do tư tưởng người ta đang dần bị Tây hóa. Phần khác liên quan đến thói quen truyền thừa của Trung y và những thay đổi trong toàn bộ hoàn cảnh xã hội.
Việc truyền thừa của Trung y cũng tương tự Đạo gia. Những thầy thuốc giỏi mặc dù thu nhận rất nhiều đồ đệ, nhưng chỉ chân truyền cho một người mà thôi. Các vị Tổ sư khi truyền lại phương dược và kinh nghiệm quý báu trong Trung y, thường muốn tìm người có đạo đức, tâm tính và ngộ tính tốt, để bảo đảm đồ đệ sau khi học thành nghề sẽ là người có cả y đức và y thuật. Có như vậy họ mới truyền lại những tinh túy trong nghề.
Trong xã hội ngày nay, giáo dục Trung y nói chung cũng đang được phương Tây hóa. Những người học Trung y cũng cần học Tây y mới được cấp bằng và chứng chỉ, từ đó mới được xã hội công nhận. Trong khi đó, một số thầy thuốc Trung y dân gian, mặc dù vẫn được kế thừa y thuật cao minh, nhưng lại không được mọi người chấp nhận vì họ không có bằng cấp học thuật hiện đại.
Ngoài ra sự hỗn loạn trong xã hội ngày nay, sự lan truyền của nhiều phương thuốc thật thật giả giả khác nhau khiến người bình thường khó mà phân biệt được, và những điều thực sự quý giá của Trung y cũng khó mà được tìm thấy và lưu giữ lại.
Tác giả: Bác sĩ Đặng Chính Lương, chủ nhiệm phòng khám Trung y Tể Đức.
Ban Mai (Theo Epoch Times)