Trung Quốc: Phát hiện thành phố cổ có niên đại 5.300 năm tuổi
Tại Song Hòe Thụ, Trung Quốc, một thành phố cổ 5.300 tuổi có tổng diện tích lên tới 1.7 triệu m2 đã được phát hiện. Các nhà khảo cổ học tin rằng, địa điểm này đã từng thuộc về những bộ lạc lớn nhất của văn hóa Ngưỡng Thiều trong giai đoạn giữa và cuối.
Văn hóa Ngưỡng Thiều là ám chỉ nền văn hóa tồn tại dọc sông Hoàng Hà trong thời kỳ đồ đá mới. Di chỉ Song Hòe Thụ nằm ở Trung Nguyên – một nơi được coi là điểm hình thành của nền văn minh Trung Quốc sơ khai.
Một thành phố cổ xưa được khai quật
“Khu định cư lớn này có nhiều lớp hào vòng và tường thành. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra hơn 1.700 ngôi mộ được sắp xếp gọn gàng thành ba khối, hệ thống vệ sinh thô sơ, nhà kho và thậm chí cả hệ thống đường xá – tất cả các dấu hiệu cho thấy thành phố 5.300 năm tuổi này được thiết kế cẩn thận”, theo All That’s Interesting.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra thứ trông giống như tàn tích của các đàn tế lễ. Những kiến trúc này được dựng lên giữa các khu dân cư của thành phố. Một bộ những bình đất sét được tìm thấy, được sắp xếp cùng nhau một cách bí ẩn theo hình ảnh chòm sao Bắc Đẩu, chỉ dấu cho thấy rằng cư dân đã có kiến thức về thiên văn học.
Người ta cũng tìm thấy một mảnh chạm khắc hình con tằm bằng ngà heo rừng, hiện vật được biết là đã trở thành bảo vật quốc gia. Mảnh chạm khắc dài 6,4 cm và rộng 0,1 cm. Đây được cho là mảnh chạm khắc lâu đời nhất về loài tằm ở Trung Quốc, do đó cho thấy rằng người dân trong vùng này có thể đã nuôi và sản xuất tơ từ hơn 5.000 năm trước.
Mặc dù là một trong những di chỉ khảo cổ học sớm nhất được phát hiện, nhưng địa điểm Song Hòe Thụ vẫn cho thấy một khu định cư đạt tiêu chuẩn cao, ngang bằng với các đặc điểm của một đô thị.
Một số chuyên gia gọi địa điểm này là “phôi thai của nền văn minh Trung Quốc sơ khai”. Có những dấu hiệu cho thấy, những người sống trong khu vực đã chuyển từ hình thức bình đẳng sơ khai sang giai đoạn mà sự phân chia của cải và giai cấp bắt đầu căng thẳng. Đây có lẽ là một dấu hiệu cho thấy xã hội đang chuyển sang một nền văn minh cổ đại sơ khai.
Những di tích lịch sử hàng đầu của Trung Quốc khác
Đội quân đất nung tại Tây An là một di chỉ lịch sử nhất định phải đến thăm ở Trung Quốc, nó có diện tích hơn 0,02 km2, và là nơi chứa khoảng 8.000 binh lính và ngựa với kích thước như thật.
Hơn 10.000 vũ khí bằng đồng cũng đã được đào thấy từ ba hầm. Địa điểm này đã trở thành bảo tàng quân sự dưới lòng đất lớn nhất thế giới và có thể trở thành “ứng cử viên sáng giá ”cho danh hiệu một trong 7 kỳ quan thế giới.
Lăng mộ này được xây dựng cách đây hơn 2.200 năm bởi khoảng 700.000 nhân công. Đây là là lăng mộ thuộc về vị hoàng đế huyền thoại Tần Thủy Hoàng. Tất cả những người lính đất nung đều quay mặt về hướng đông, hướng kẻ thù của Hoàng đế là nhà Tần trong thời gian đó.
Các hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng nổi tiếng là nơi cư ngụ của hệ thống khoảng 500 ngôi đền Phật giáo. Đồng thời cũng là những hang động đầu tiên được đào từ thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.
Các hang động này được trang trí theo phong cách Phật giáo trong suốt khoảng thời gian 1.000 năm. Hầu hết tất cả các loại hình nghệ thuật chính có thể được tìm thấy trong các hang động, bao gồm bích họa, tranh in khắc gỗ, phù điêu bằng vữa, tranh thêu, tranh lụa v.v…. Các bích họa rộng lớn bao phủ các hang động, chạy trên bề mặt lớn hơn 40 lần so với bề mặt của Nhà nguyện Sistine. Khi nhà sử học nghệ thuật Langdon Warner muốn mô tả các hang động Đôn Hoàng, ông chỉ có thể thốt lên: “Không thể nói được gì ngoài việc thở hổn hển”.
Chúc Di (Theo Vision Times)