Phát hiện thành phố cổ của những người sống sót sau cuộc chiến thành Troy
Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích của một thành phố bị mất tích từ lâu mà người Hy Lạp cổ đại tin rằng do những tù nhân Trojan sau cuộc chiến thành Troy thành lập. Điều này cho thấy thành cổ Tenea tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết thực sự tồn tại.
Theo Bộ Văn hóa Hy Lạp, các nhà khảo cổ Hy Lạp đã tìm thấy vị trí của thành phố cổ Tenea, ở phía đông bắc Peloponnese, nơi mà cho đến nay chỉ được nhắc đến trong các văn kiện cổ đại.
Để khám phá tàn tích của thành phố cổ này, các nhà khảo cổ học Hy Lạp đã tập trung vào hai cuộc khai quật gần thành phố Jiliomodi, cách Corinth khoảng 20km và thủ đô Athens 95 km.
Các chuyên gia phát hiện ra các tàn dư của tường cổ, đất sét, đá cẩm thạch hoặc sàn đá, các tòa nhà, cũng như đồ gốm gia dụng, một con xúc xắc và hơn 200 đồng tiền có niên đại từ thế kỷ thứ 4 TCN đến cuối thời La Mã.
Các nhà khảo cổ cũng có một khám phá bất ngờ khi tìm thấy một lọ gốm chứa di hài của hai bào thai người giữa nền móng của một tòa nhà.
Các chuyên gia cho biết điều này khá bất thường vì người Hy Lạp cổ đại thường chôn cất người chết một cách có tổ chức trong nghĩa trang bên ngoài các bức tường thành.
Theo truyền thuyết cổ xưa, thành phố Tenea được thành lập bởi các tù nhân của cuộc chiến thành Troy dưới sự cho phép của Agamemnon, vua của Mycenae.
Nói về thành phố Tenea, sử gia Strabo cho biết:
“Tại Tenea và cũng là ở Korinthia có một ngôi đền của Apollon Teneatos; và người ta nói rằng hầu hết những người thực dân đi theo nhà lãnh đạo thực dân Archias đến Syracuse, đều xuất phát từ đó. Sau đó, Tenea thịnh vượng hơn các khu định cư khác, và cuối cùng thậm chí còn có chính phủ riêng của mình. Nhưng thành phố đã phải chứng kiến cuộc nổi loạn của người Corinth, tham gia chiến đấu cùng người Roma, và khốn đốn sau sự hủy diệt của Corinth. Có vẻ như, như Aristotle nói, cũng có một mối quan hệ giữa các dân tộc Tenedos và Tenea, thông qua Tennes, con trai của Kyknos; và sự tương đồng trong việc thờ phượng Apollon cho thấy những dấu hiệu mạnh mẽ chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa hai dân tộc”.
Nhà khảo cổ học hàng đầu Elena Korka, người đã khai quật khu vực xung quanh thành phố thần thoại này kể từ năm 2013, nói với trang Associated Press rằng nhóm của cô đã không ngừng đào bới trong các nghĩa trang giàu có xung quanh Tenea cho đến năm nay.
Korka nói với AP: “Năm nay chúng tôi đã khai quật được một phần của thành phố”.
Mặc dù chưa biết gì nhiều về thành phố này và cư dân đã từng sinh sống tại đó, các nhà khảo cổ vẫn tin rằng việc khai quật trong tương lai sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm nhiều điều.
Theo các chuyên gia khảo cổ và lịch sử, cuộc khai quật mới nhất không chỉ chứng tỏ Tenea thực sự tồn tại, mà nó còn cho thấy, thành phố này có nền kinh tế khá phát triển. Tenea được cho là vẫn tồn tại sau khi đế chế Roma xâm chiếm thành phố Corinth gần đó. Cụ thể, những tiền xu được tìm thấy có niên đại từ thời kỳ Hoàng đế Roma là Septimius Severus – người trị vì từ năm 193 – 211.
“Có vẻ như người dân ở Tenea đặc biệt giàu có”, bà Korka nói với hãng tin AP.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học cho rằng, thành phố gần như chắc chắn đã bị phá hủy bởi tộc người Visigoths, trong khoảng từ năm 396 tới 397; và bị bỏ hoang 200 năm sau trong cuộc tấn công của người Slavic.
Bảo San (t/h)