Trung Quốc kết án nữ doanh nhân người Canada 8 năm tù, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng
Một nữ doanh nhân người Canada đã bị kết án 8 năm tù giam tại Trung Quốc chỉ vì cô là một người có tín ngưỡng.
Tôn Thiến là một nhà sáng lập, kiêm Phó chủ tịch công ty hóa sinh Leadman tại Bắc Kinh – một công ty có trị giá hàng triệu đô mà cô đồng sở hữu cùng chồng.
Tháng 2/2017, cô bị bắt giữ tại nhà riêng ở Bắc Kinh, cho đến nay vẫn đang bị giam giữ phi pháp tại Trung Quốc.
Tạ Yến Ích – một trong những luật sư cũ của Tôn Thiến cho biết, vào ngày 30/6 Tôn Thiến đã bị tòa án Bắc Kinh kết án.
“Tôn Thiến vô tội”, luật sư Tạ nói. “Ngay từ đầu, việc bắt giữ và buộc tội Tôn Thiến là bất hợp pháp”.
Ông Tạ cũng cho rằng, bản án buộc tội cô Tôn là vi phạm hiến pháp về quy định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của chính phủ Trung Quốc, rõ ràng là họ đang chà đạp lên luật pháp.
Từ khi bị bắt giữ, đã có gần 10 luật sư đứng ra bào chữa cho cô Tôn, nhưng cuối cùng tất cả họ phải từ bỏ vụ án do áp lực từ chính quyền Trung Quốc.
Cuối cùng kể từ năm 2019, cô Tôn chỉ được phép sử dụng một luật sư do chính phủ chỉ định, mà vị luật sư này nhiều nhất cũng chỉ có thể yêu cầu sự khoan hồng thay vì tranh luận để chứng minh sự vô tội của cô.
Dùng cưỡng chế để ép buộc
Theo ông Tạ, cô Tôn bị “ép buộc” phải đồng ý sử dụng một luật sư do chính phủ chỉ định. Ông nói thêm rằng, cô đã bị khủng bố tinh thần đến mức mất lý trí mà quyết định: Quyên tặng khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đô cho trại giam nơi cô đang bị giam giữ.
“Cô Tôn Thiến về cơ bản đã từ bỏ tất cả. Tuy nhiên, cô làm điều đó trong khi bị giam giữ và không được tự do. Về mặt pháp lý, điều này là không hợp lệ bởi vì đó không phải là biểu hiện tự nguyện của cô ấy”, ông Tạ nói.
Tôn Tán – em gái của Tôn Thiến chia sẻ với Epoch Times rằng, chồng của Tôn Thiến đã thông đồng với các quan chức Trung Quốc, tống giam vợ mình để anh ta có thể tiếp quản số cổ phần của vợ trong công ty.
“Anh ta đã thông đồng với một vài người thuộc văn phòng an ninh công cộng, sử dụng chính sách đàn áp Pháp Luân Công để tiến hành việc giam giữ và truy tố bất hợp pháp với chị gái tôi”, Tôn Tán nói.
Các nghị sĩ Canada và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh phải thả cô Tôn. Nghị viện châu Âu cũng yêu cầu thả cô Tôn, điều này như một phần của nghị quyết kêu gọi trừng phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông Lý Tấn – chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada cũng chính thức kêu gọi chính quyền Trung Quốc phải thả cô Tôn ngay lập tức.
“Cô Tôn đã phải chịu đựng thống khổ dưới sự kìm kẹp của ĐCSTQ trong hơn 3 năm. Cô đã bị giam giữ bất hợp pháp và bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Các báo cáo cho biết cô bị xiềng xích, còng tay vào ghế thép, bị xịt hơi cay vào mặt, bị tẩy não và khủng bố tâm lý liên tục”, ông Lý nói cô Tôn vô tội.
“Các cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã vi phạm Hiến chương Hoa Kỳ, và các công ước nhân quyền quốc tế khác. Nó cũng vi phạm hiến pháp và luật pháp của chính Trung Quốc,” ông nói.
Liên quan đến vụ án Mạnh Vãn Châu
Theo lời nhận định của ông Tạ, vụ án của cô Tôn bị kết án trong nhiều năm qua còn liên quan đến vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc tài chính công ty Huawei Technologies, Trung Quốc.
Bà Châu đã bị bắt tại Vancouver vào tháng 12/2018 theo yêu cầu dẫn độ từ Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor.
Cuối tháng 5/2020, Tòa án tối cao British Columbia đã bác bỏ một đề nghị được phóng thích của bà Mạnh.
Ngay sau đó, vào ngày 19/6, Kovrig và Spavor đã chính thức bị buộc tội gián điệp tại Trung Quốc.
Kể từ khi bắt giữ Kovrig và Spavor, Bắc Kinh thường xuyên khẳng định rằng các vụ giam giữ này không liên quan gì đến vụ bắt giữ của bà Mạnh.
Thế nhưng ngày 24/6 chính quyền Trung Quốc đã trở mặt, khi đó một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị rằng, nếu bà Mạnh được thả thì 2 công dân Canada có thể được trả tự do.
Qua đó ông Tạ cho biết, dựa vào thời điểm mà cô Tôn đột nhiên bị kết án tù trong nhiều năm nay, cũng tương tự như chiến thuật mà Trung Quốc từng làm với Kovrig và Spavor.
Trước đó, nhiều luật sư nhân quyền ở Trung Quốc cũng từng viết một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Canada – Justin Trudeau trước khi ông có một chuyến đi đến Trung Quốc vào năm 2017. Bức thư đã đề cập đến việc bắt giữ cô Tôn là bất hợp pháp, và hy vọng nhận được sự giúp đỡ của ông để cô được thả tự do.
Pháp Luân Đại Pháp hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn thiền định cổ xưa dựa trên các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, môn tập có thể giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Kể từ 20/7/1999, môn tập bị đàn áp tàn ác ở Trung Quốc do lòng đố kỵ của lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ – Giang Trạch Dân.
Vào thời điểm đó, dữ liệu của chính phủ cho biết có 70 đến 100 triệu người đang theo học Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc.
Mai Trang (Theo Epoch Times)