Trữ trứng cút mùa dịch, không ngờ cả rổ trứng nở thành con
Gia đình chị Hồng “tậu” cả rổ trứng cút dự trữ cho ngày dịch nhưng ai ngờ, chưa kịp bắc bếp thì nhà lại có thêm mấy chục miệng ăn.
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành phố phải tiến hành phong tỏa, giãn cách theo chỉ thị 15,16 để phục vụ công tác chống dịch.
Trước tình hình đó, nhiều hộ dân chọn cách tích trữ thực phẩm, mua một lần dùng tận 1-2 tuần.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích nó mang lại thì cũng có không ít câu chuyện “dở khóc dở cười” từ việc “mua để dành” này như câu chuyện trứng cút để lâu quá nên nở thành con của gia đình chị Nguyễn Thúy Hồng (27 tuổi), sống trong chung cư bị phong tỏa từ ngày 21/7.
Theo báo Tiền Phong, vào sáng 1/8, chị Hồng đang nấu cơm thì nghe thấy tiếng liếp nhiếp. Ban đầu chị cứ nghĩ là chuột nhưng khi đến gần mới biết là rổ trứng cút chị mua đã nở thành con…
Sau đó, chị liền gọi ông xã và con gái ra xem. Cô bé nhìn thấy đàn chim cút thì hét lên thích thú, còn chị thì vừa vui vừa lo.
Chỉ kể lại rằng, trước hôm bị phong tỏa, chị Hồng tranh thủ đi chợ, đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng mua thực phẩm về tích trữ, trong số này có 40 quả trứng cút lộn. Bà nội trợ vốn định ăn ngay nhưng rồi quên.
Đến hôm 1/8 thì thực phẩm trong tủ lạnh đã cạn kiệt gần hết, cũng đúng vào ngày bọn cút con nở. Bao nhiêu con chim non mới nở còn chưa khô lông, ban đầu chỉ thưa lưa đôi ba trứng nhưng sau cùng gần cả rổ đầy đều “phá vỏ” thành công.
Thế là mua trứng về còn chả kịp ăn, gia đình chị Hồng đã phải tốn cơm tốn gạo nuôi thêm cả đàn chim. Con gái chị vì thèm ăn trứng nhưng gia đình không mua được, lại không chịu ăn món khác, nên cả ngày chỉ chan nước canh.
“Đã nghèo thì còn gặp eo, nuôi con không xong giờ phải nuôi cả chim”, chị Hồng tếu táo nói. Nhưng thực tế, hơn 10 ngày không được ra khỏi căn hộ 50m2 nên con gái 3 tuổi của Hồng rất cuồng chân. Cặp vợ chồng trẻ phải cùng nhau bày đủ trò chơi cho con. “Nay mất một bữa ăn nhưng có thêm niềm vui cho cả gia đình trong những ngày ở nhà chống dịch cũng đáng lắm”, chị nói.
Đây cũng không phải lần đầu dân tình được chứng kiến những câu chuyện bi hài khi tích trữ đồ ăn mùa giãn cách. Trước đó, những pha rau củ nở hoa hay mọc hẳn thành cây, vịt nở thành con trong tủ lạnh,… cũng khiến người nào người nấy há hốc mồm.
Việc hạn chế đi chợ mùa dịch là tốt nhưng qua đây, chúng ta có thể thấy mỗi người nên tiết chế, không nên trữ quá nhiều thực phẩm, cần tính toán để mua đủ lương thực trong khoảng thời gian nhất định. Việc mua nhiều không chỉ gây tốn kém mà còn khiến đồ ăn dễ hỏng hơn.
Yên Yên (t/h)