Người Shipper đặc biệt: Mặc áo trắng tinh giao tro cốt giữa Sài Gòn tang thương
Tại Sài Gòn có những gia đình bất hạnh đến mức cả nhà ông bà, cha mẹ đều là nạn nhân của Covid-19. Họ đã cố gắng chống chọi với con virus đáng sợ này nhưng đến cuối cùng may mắn đã không mỉm cười, họ ra đi mãi mãi, bỏ lại căn nhà với đứa nhỏ bơ vơ, ngơ ngác nhận tro cốt của người thân…
Mới đây, bài viết của anh Nguyễn Văn Lân, làm nghề bán gas, kể về hành trình của người shipper đặc biệt mặc áo trắng tinh xuất hiện giữa Sài Gòn mùa dịch Covid-19 đã khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Người shipper ấy không giao hàng hay thực phẩm thiết yếu, anh mang người mất về với gia đình nhưng không phải trong hình hài nguyên vẹn, mà đã trở về với cát bụi, nằm yên trong những hũ sành sứ được ghi rõ họ tên.
“Ship tro cốt quanh Sài Gòn…
Gần hai chục năm kiếm ăn ở đất Sài Gòn, chưa bao giờ mình chứng kiến không khí ảm đạm, thê lương như lúc này. Khắp mọi nơi nhà nhà đóng cửa, hàng quán đóng cửa. Cả một quãng đường đi làm thường ngày mình phải mất 1h15’ lái xe, nay chỉ cần thong thả 40 phút là đến nơi.
Ơn trời, cái nghề gas tưởng như xa xôi, không duyên nợ nay lại là một trong những ngành nghề thiết yếu còn được phép ra đường.
Trưa nay đúng là rảnh thực sự. Sau khi điều phối cho các em giao hàng buổi chiều, mình lên xe về nhà. Ngang qua ngã tư Âu Cơ – Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn “Shipper” trong đồng phục trắng tinh. Phía sau là một cần xé nhựa chất 3 lớp hũ đựng tro cốt. Vội thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ! Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hũ sành lại có dán một nhãn tem ghi họ tên. Thế là tò mò, chạy theo. Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó. Thì ra em ấy đang chở 27 hũ tro cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch bệnh Covid này.
Mình rà xe lẽo đẽo bám sau. Trên một đoạn chưa đầy 2km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú mà em ấy đã giao hết một nửa. Phần lớn là dừng xe trước mỗi hẻm nhỏ bị giăng dây cách ly phong tỏa. Rất thành thạo giống y như giao một món hàng thông thường. Em ấy dừng xe, móc điện thoại gọi ai đó, chờ, khoảng 3 phút sau là có người ra ký nhận vô cái biên bản in sẵn.
Mình vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến hẻm 42 Âu Cơ, hẻm cũng bị giăng dây. Mình đứng bên này đường quan sát. Trước hẻm chỉ có một vị cựu chiến binh mang hàm thượng tá trông coi. Thấy em “Shipper” sau một hồi cố phân trần nhưng vị cứu chiến binh kia vẫn khoát tay lia lịa. Thì ra vị cứu chiến binh cũng có lý khi hai hũ cốt không có người đủ trách nhiệm nhận bởi cả gia đình trong hẻm kia đều rất hoàn cảnh.
Bất chợt từ bên trong có thằng bé tầm 10 – 12 tuổi đi cùng một bà già tiến ra đầu hẻm. Bà già vội vắn tắt giới thiệu mà nghe rùng mình: “Giờ nhà còn một mình nó ở đây thôi đó, đi cách ly hết rồi. Hôm trước hai hũ của ông bà nội nó mang về đã thờ tự được gì đâu, vẫn để tạm trong nhà. Nay tui dẫn nó ra nhận thêm hai hũ này nữa, cha mẹ nó đó, chắc mang vô tạm rồi sau dịch tính tiếp.”
Vậy là bà hàng xóm bất đắc dĩ phải thò bút ký nhận cho thằng bé. Mặt nó trông vô hồn khi hai tay xách hai hũ cốt như cách người ta bỏ trái dừa trong bao ni lông lẽo đẽo theo bà già quay trở vô.
Trời chợt đổ cơn giông, mình vội vàng giúp em “Shipper” lấy tấm áo mưa che tạm cho mười mấy hũ cốt chưa giao kịp. Liếc vội vào những cái tem dán sẵn, đã số có địa chỉ Tân Phú, Tân Bình. Núp dưới hiên nhà hút thuốc chờ mưa tạnh, em “Shipper” chợt hỏi: Anh làm nghề gì mà rảnh dữ vậy?
Mình không trả lời, chỉ thầm nghĩ, ờ anh đang rất rảnh, rảnh lắm, rảnh mới cảm nhận được một Sài Gòn đang rất buồn thương hơn lúc nào hết”, anh Lân chia sẻ.
Sau khi bài viết của anh Lân được đăng tải, nhiều người đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh.
Có lẽ mỗi chúng ta hôm nay tại đây vẫn còn có thể ăn cơm, luộc rau, nấu canh, kho thịt đã là một hạnh phúc bởi hiện nay có những gia đình vợ chồng phải xa nhau, con phải xa cha mẹ, cháu chẳng thể ở gần ông bà vì đại dịch, vì dương tính với Covid-19.
Chẳng ai trong chúng ta biết được ngày mai rồi sẽ ra sao, không ai đoán được tương lai thế nào. Liệu có còn được gặp lại nhau sau ngày Việt Nam vượt qua cơn đại dịch này. Xin cầu nguyện cho những ai đang mắc phải chủng virus trên sớm vượt qua thời gian khó khăn, trở về đoàn tụ với gia đình, sống những ngày bình yên, hạnh phúc.
Xuân Hạ (t/h)