Cuộc đời phi thường của thai nhi 21 tuần tuổi vươn tay khỏi bụng mẹ để nắm chặt tay bác sĩ
Bức ảnh thai nhi vươn tay ra khỏi bụng mẹ và nắm chặt tay bác sĩ đã trở thành một trong những tác phẩm huyền thoại trong lịch sử. Chính bức ảnh này đã đem đến niềm tin, động lực, khiến hàng triệu người nhận ra giá trị của sự sống mà mình đang có.
Năm 1999, khi nghe bác sĩ chẩn đoán thai nhi trong bụng bị nứt đốt sống do không phát triển đầy đủ dây thần kinh, bố mẹ của đứa trẻ là Julie và Alex Armas đã rất đau lòng. Đây là đứa con đầu của họ, bác sĩ cho họ quyền lựa chọn đình chỉ thai kỳ hay giữ lại con. Nếu chấp nhận sinh con thì phải chuẩn bị tâm lý vì đứa trẻ này sẽ không có nhiều cơ hội sống sót.
Ngày trước, Julie đã từng bị sảy thai 2 lần trước khi mang thai đứa trẻ này. Chưa từng nghĩ tới việc bỏ con, cặp vợ chồng trẻ chấp nhận đánh cược với số phận và giữ lại em bé.
Ngày 19/8/1999, khi thai nhi được 21 tuần tuổi, hội đồng y khoa tại Bệnh viện Đại học Vanderbilt ở thành phố Nashville, bang Tennessee (Mỹ) đã quyết định tiến hành phẫu thuật chữa trị cho em bé ngay khi còn trong bụng mẹ.
Trong ca mổ, Michael Clancy, một nhiếp ảnh gia tự do cũng có mặt và ghi lại được những khoảnh khắc quý giá này. Trong bức ảnh, đứa trẻ yếu ớt đang cố vươn bàn tay nhỏ xíu của mình ra bên ngoài để nắm lấy ngón tay của bác sĩ Joseph Bruner, người đang chuẩn bị phẫu thuật cho em.
Bức ảnh ý nghĩa ngay khi được chia sẻ đã khiến nhiều người phải rơi nước mắt, không ai có thể giấu nổi sự xúc động khi chiêm ngưỡng khoảnh khắc đầy phi thường của một em bé đang đứng trước cửa tử nhưng vẫn khát khao mong cầu sự sống. Chính bức ảnh này đã đem đến niềm tin, động lực, khiến hàng triệu người nhận ra giá trị của sự sống mà mình đang có.
Bức ảnh sau đó được đặt tên là Bàn Tay Hy Vọng và trở thành một trong những tác phẩm huyền thoại trong lịch sử.
Cuộc phẫu thuật năm đó đã diễn ra vô cùng suôn sẻ, 4 tháng sau, vào ngày 2/12/1999, đứa trẻ trong bức ảnh đã được chào đời an toàn và được cha mẹ đặt cho cái tên là Samuel Alexander Armas.
Nói về bức ảnh này, bà Julie cho biết, với gia đình bà đó là một khoảnh khắc diệu kỳ. Bà mong rằng mọi người khi nhìn vào Samuel sẽ hiểu và trân trọng cuộc sống này hơn. Cho dù đứa con không được lành lặn thì phận làm cha mẹ, bà cùng chồng cũng sẽ gắng hết sức, giúp đứa trẻ có được cuộc đời của riêng mình.
Giờ đây, sau hơn 21 năm, Samuel đã là một chàng trai trưởng thành, luôn mang trong mình sự năng động, tươi trẻ của tuổi đôi mươi.
Dù mắc bạo bệnh từ trong bụng mẹ và chào đời với những dị tật vĩnh viễn, nhưng Samuel luôn nỗ lực, quyết tâm vượt lên số phận và đạt được nhiều thành tích đáng nể trên con đường học vấn của mình.
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại trường Trung học Alexander ở Douglasville. Samuel đã quyết định theo học ngành khoa học thể dục tại Đại học Auburn. Với thành tích xuất sắc, Samuel còn được trao tặng Học bổng Toán học Movelle Murdock.
Chàng trai với tên gọi “anh hùng nhí” năm xưa giờ đây đã là thành viên trong đội bóng rổ xe lăn Tigers. Samuel chia sẻ rằng mình có cơ duyên và đam mê với bộ môn bóng rổ này, anh còn được huấn luyện viên của trường hỗ trợ học phí trong những ngày đi học.
Hiện tại, để di chuyển được lâu hơn và quãng đường dài hơn, Samuel vẫn cần tới sự hỗ trợ của chiếc xe lăn. Mặc dù vậy, cậu bé trong bức ảnh Bàn Tay Hy Vọng nổi tiếng ngày nào đang có cuộc sống tràn đầy hạnh phúc và có ích cho xã hội. Không để bất kỳ chướng ngại vật nào có thể cản trở mình, Samuel đang từng bước chứng minh rằng mình có thể làm tất cả những gì mà bản thân mong muốn, miễn là còn được sống.
Yên Yên (t/h)