Bất lực trước dịch Vũ Hán, một bác sĩ vô Thần người Ý quyết định cầu xin Chúa che chở
Đứng trước áp lực kinh khủng từ số ca bệnh nhân đang ngày một gia tăng tại Ý, bác sĩ Julian Urban 38 tuổi đến từ Bologna đã tìm được ánh sáng hy vọng trong cơn ác mộng đen tối nhất của mình, bằng cách đặt niềm tin vào Chúa và hàng ngày cầu nguyện.
“Ngay cả trong những cơn ác mộng đen tối nhất của mình, tôi cũng không bao giờ tưởng tượng rằng tôi sẽ phải chứng kiến và trải qua những gì đang diễn ra ở Ý, ngay trong bệnh viện của chúng tôi trong 3 tuần qua”, Julian Urban nhớ lại.
Anh cảm thấy bất lực và choáng ngợp khi chứng kiến quá nhiều bệnh nhân qua đời trong đau đớn ngay trước mặt mình mỗi ngày.
Chưa kể đối với một bác sĩ, việc cứu người luôn là ưu tiên hàng đầu, nhưng trong trường hợp này, các bác sĩ lại hoàn toàn bất lực trước sự cầu cứu của bệnh nhân. Bệnh viện không còn đủ trang thiết bị cho số người bệnh sử dụng. Họ phải chủ động đánh giá nhanh cơ hội sống sót của những người bệnh trước khi đặt nội khí quản cho họ hay tiếp tục chữa trị.
“Bây giờ, dường như chúng tôi không còn là bác sĩ, mà chỉ là những người lựa chọn quyết định xem ai có thể chữa trị được và ai không thể cứu chữa được nữa để gửi trả về gia đình”, Urban tâm sự.
Đó là sự lựa đau đớn nhất đối với anh cũng như những đồng nghiệp khác. Bệnh dịch đã kéo dài trong suốt nhiều tháng qua và chúng được hình dung như một cơn ác mộng dài bất tận.
Trong nước mắt, xen lẫn sự tuyệt vọng, Julian bất giác nghĩ đến Chúa, một người mà anh chưa bao giờ tin rằng tồn tại. Sau đó, anh bắt đầu cầu nguyện:
“Xin Chúa thương xót cho chúng con! Chúng con đã đạt đến giới hạn của mình. Chúng con không thể làm gì hơn. Số người chết tăng lên mỗi ngày và chúng con đã hoàn toàn kiệt sức rồi!”
Sau lời cầu nguyện tha thiết của mình, Julian cảm thấy như mọi áp lực tinh thần ban đầu dường như nguôi ngoai phần nào, trong vô thức anh đã tin về sự tồn tại của Ngài.
“Bất chợt chúng tôi nhận ra rằng trong thời khắc nguy nan này, hãy thành tâm cầu nguyện để xin Chúa chỉ dẫn vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi rảnh rỗi, chúng tôi dành ra một vài phút cúi đầu cầu nguyện. Tôi còn nhớ cho đến tận hai tuần trước, tôi và các đồng nghiệp vẫn là những người vô thần.
Thực tế điều đó cũng bình thường thôi bởi vì chúng tôi là bác sĩ. Chúng tôi đã được nhồi nhét rất nhiều những kiến thức khoa học, mang hệ tư tưởng chủ nghĩa duy vật luôn tin rằng Thiên Chúa không hề tồn tại. Tôi cười nhạo mỗi khi bố mẹ tôi đi đến nhà thờ. Bây giờ chúng tôi lại cầu nguyện mỗi ngày xin Chúa ban cho sự bình an và sức mạnh để giúp chúng tôi có niềm tin, kiên trì chăm sóc tốt cho bệnh nhân của mình.”
Anh cũng bày tỏ sự biết ơn của mình đối với Chúa:
“Tôi biết mình chỉ là một hạt bụi nhỏ bé trong thế giới bao la rộng lớn này. Nhưng tôi muốn sử dụng hơi thở cuối cùng của mình để giúp đỡ người khác. Trong lúc bế tắc nhất, đau khổ chứng kiến cái chết của người dân nước mình, tôi hạnh phúc vì giờ đây tôi được trở về với Chúa!”
Có thể thấy Ý hiện đang là quốc gia phương Tây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch virus Vũ Hán. Chỉ tính riêng ngày 21/3, Ý đã có thêm 793 ca tử vong, và trung bình cứ 2 phút lại có một người qua đời.
Với số người chết liên tục tăng cao như thế, Chính phủ phải điều động cả quân đội để vận chuyển các thi thể. Các nhà xác, nhà hỏa thiêu phải hoạt động liên tục 24/7.
Mario Vargas Llosa, một nhà văn và nhà thơ người Peru, là người giành giải Nobel văn học năm 2010, đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Back to the Middle Ages” (tạm dịch: Trở về thời Trung Cổ).
Ông nói rằng, một con người nếu không có đức tin, sẽ luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi. Ông còn kể rằng vào thời Trung Cổ, người xưa đã tự nhốt mình sau những bức tường cao chót vót và tự bảo vệ mình trong thành trì, sử dụng những cây cầu treo để ngăn cách, nhưng họ vẫn không thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, dường như đó là sự trừng phạt của Thượng đế giáng xuống những kẻ đạo đức bại hoại. Theo quan điểm của ông, khi đối mặt với dịch bệnh, con người không còn cách nào khác là hãy cầu nguyện, ăn năn và thành tâm sám hối những tội lỗi mình đã gây ra.
An Nhiên (Theo Vision Times)