Vũ Hán: Nhiều bác sĩ khuôn mặt biến dạng vì phải đeo khẩu trang liên tục nhiều giờ
Làm việc không ngừng nghỉ, áp lực tinh thần cao, thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ, bị gia đình bệnh nhân hành hung,… là điều mà các bác sĩ Vũ Hán đang thường xuyên phải đối mặt trong trận đại dịch corona lần này.
Trong những ngày bùng phát dịch viêm phổi cấp do virus corona, hàng chục ngàn trường hợp nhiễm bệnh tại Vũ Hán đã khiến chính quyền phải gấp rút xây dựng hai bệnh viện, đồng thời điều động thêm các chuyên gia y tế đến từ khắp nơi nhằm giảm thiểu áp lực cho các cơ sở y tế và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh tại thành phố này.
Tuy nhiên với số lượng bệnh nhân ngày một tăng, bệnh viện ngày càng trở nên quá tải, các nhân viên y tế phải làm việc hết năng xuất suốt cả ngày lẫn đêm vẫn không thể giải quyết nổi số bệnh nhân dài dằng dặc. Tuy nhiên không chỉ người sống là chịu cảnh chờ đợi, nhiều thi thể người chết cũng không được kịp thời xử lý, buộc phải bọc trong một tấm vải trắng và để la liệt ngoài hành lang.
Cảnh tượng trong các bệnh viện tại Vũ Hán không khác gì ngày tận thế. Các bệnh viện đều đã cạn kiệt cả sức chứa lẫn sức người khiến nhiều bác sĩ phải bật khóc vì bất lực và mệt mỏi.
Cụ thể vào 27/1 vừa qua, một đoạn video được quay tại bệnh viện Trung Quốc cho thấy một nữ bác sĩ đang ôm ngực la khóc thảm thiết trong giờ nghỉ ngơi tại bệnh viện Vũ Hán mặc cho đồng nghiệp kế bên đang ra sức an ủi.
“Tôi không thể chịu đựng được điều này nữa”, người phụ nữ hét lên trong bất lực.
Cô cho rằng mình đã quá mệt mỏi vì liên tục nhiều ngày làm việc mà không được nghỉ ngơi, bên cạnh đó một số nhân viên y tế khác cũng gục đầu buồn bã, người thì vẫn tranh thủ ăn nốt phần cơm cho mau lẹ để nhanh chóng tiếp tục công việc.
Đồng thời trong một đoạn video khác, một bác sĩ vẫn trong bộ đồ bảo hộ đang tỏ ra mất bình tĩnh và la hét trong điện thoại yêu cầu được cung cấp thêm giường cho bệnh nhân, vì rất nhiều người bệnh đã không đủ giường, phải nằm la liệt dưới sàn bệnh viện.
“Không, tôi không cần thêm bác sĩ, tôi đã có bác sĩ, vấn đề là không còn giường nữa!”
Mặc dù phải đối mặt với một áp lực khủng khiếp như thế, họ đã cạn kiệt cả về sức lực mà tinh thần cũng luôn phải chống chọi với rất nhiều cách cư xử khác nhau của người bệnh.
Các bác sĩ luôn phải ở trong tình trạng căng thẳng và sợ hãi sẽ bị hành hung. Đã từng có một vị bác sĩ bị người nhà bệnh nhân xé toạc đồ bảo hộ ngay trong khu vực lây nhiễm.
Tại một bệnh viện khác, một người bị ho và sốt không rõ lý do đã cởi bỏ khẩu trang và cố tình ho vào các nhân viên y tế để trút giận.
“Tất cả bệnh nhân đều lo lắng cực độ. Một vài người trở nên tuyệt vọng khi phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ trong thời tiết giá lạnh.
Tôi nghe thấy một người đứng đợi trong hàng quá lâu đến nỗi nói muốn đâm chúng tôi. Tôi rất lo. Giết một vài người trong chúng tôi thì bạn đâu được khám sớm hơn, phải không?”, một vị bác sĩ giấu tên đau đớn chia sẻ.
Đây đều là những tình huống nguy hiểm không thể lường trước được mà các bác sĩ buộc phải đối mặt.
Trang thiết bị thiếu thốn, nhiều bác sĩ phải đóng bỉm, không dám ăn uống quá nhiều để tránh việc đi vệ sinh làm mất thời gian và phải gỡ bỏ đồ bảo hộ
Không chỉ làm việc suốt 20 tiếng mỗi ngày, các nhân viên y tế thậm chí còn phải mặc bỉm người lớn trong đồ bảo hộ suốt nhiều tiếng do không có thời gian đi vệ sinh kèm với trang thiết bị thiếu thốn.
Họ cho biết việc thường xuyên cởi và mặc quần áo bảo hộ sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm virus tăng lên do chính quần áo bảo hộ có thể mang tác nhân lây bệnh.
Một bác sĩ dấu tên thổ lộ rằng công việc dồn dập nên ông phải cố gắng uống ít nước để không mất thời gian đi vệ sinh.
“Các đồng nghiệp của tôi cũng chẳng khá hơn là bao”, vị này ngao ngán.
Cũng chính việc thường xuyên phải đeo găng tay y tế, kính bảo hộ, khẩu trang và sử dụng chất khử trùng khiến khuôn mặt, tay chân của nhiều bác sĩ, y tá bị sưng tấy, rướm máu và thậm chí biến dạng.
Trong tình huống cấp bách, một bác sĩ khoa giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán ngày 30/1 phải kêu gọi cứu trợ trên mạng Weibo. Bác sĩ cho biết vật tư y tế trong bệnh viện sắp dùng hết và khẩn thiết mong cộng đồng giúp đỡ. Tuy nhiên điều khiến họ bức xúc hơn hết là mặc cho đồ bảo hộ thiếu thốn, nhưng họ vẫn không nhận được sự hỗ trợ tốt nhất nào từ chính phủ.
Một bác sĩ khác dấu tên ở Bệnh viện y dược Đồng Tế buồn bã chia sẻ, anh đã mặc duy nhất một bộ đồ bảo hộ trong cả ca trực 10 tiếng, bởi đồ bảo hộ cần phải được thay mới mỗi khi ra vào khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm.
Sau đó mặc dù chính phủ đã gửi đến thêm 10.000 đồ bảo hộ, 800.000 khẩu trang N95 và 5 triệu khẩu trang dùng 1 lần cùng 4.200 kính bảo hộ. Tuy nhiên, những thiết bị trên chất lượng đều rất tệ, một số cái còn bị hư hỏng.
“Tôi không chắc ai đã đưa những thiết bị này đến bệnh viện, nhưng cứ như thế thì chết bác sĩ chúng tôi mất.”
Thậm chí nếu quần áo bảo hộ bị hỏng, rách họ sẽ phải tự khâu lại bằng tay, do không còn dư thêm đồ bảo hộ nào.
“Chúng tôi biết bộ đồ bảo hộ mà mình mặc có thể trở thành chiếc cuối cùng trong bệnh viện, vì thế chúng tôi không cho phép mình vứt bỏ thứ gì”, một bác sĩ giấu tên khác từ một bệnh viện ở Vũ Hán cho biết.
Hiện tại các bác sĩ phải tận dụng cả kính trượt tuyết, kính bơi mà cộng đồng quyên góp. Còn có nhân viên y tế dùng bình đựng nước khoáng cắt làm đôi thay cho kính bảo hộ, cắt ga trải giường bệnh làm khẩu trang hay các túi bóng nhựa ban đầu được sử dụng để gói vật tư y tế làm đồ bảo hộ.
“Hiện tại có còn hơn không, chúng tôi chỉ có thể dùng cách này thôi”
Có thể đối mặt với cái chết bất kỳ lúc nào
Ngoài việc làm việc không ngừng nghỉ, thiếu các trang thiết bị cần thiết, hay bị chính các bệnh nhân đe dọa tấn công, các y bác sĩ còn có nguy cơ phải đối mặt với chính sự sống còn của mình khi phải làm việc liên tục trong nhiều ngày tại bệnh viện.
Vào sáng 25/1 bác sĩ Lương Vũ Đông, 62 tuổi, làm việc tại bệnh viện Hồ Bắc Tân Hoa và là một trong những người đứng ở “phòng tuyến” đầu tiên trong chiến dịch chống virus corona tại Vũ Hán. Ông đã qua đời do nhiễm virus corona trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân.
Trường hợp gần đây nhất là bác sĩ Tống Anh Kiệt, 28 tuổi, được đồng nghiệp phát hiện đã tử vong trong ký túc xá do bị ngưng tim. Anh đã phải làm việc cật lực suốt 10 ngày, 9 đêm liên tiếp, và đến đêm 3/2 vào lúc 12 giờ, anh đã quay trở lại ký túc xá để nghỉ ngơi thì tử vong.
“Tâm trạng của mọi người đang rất tệ vì bệnh viện hoạt động tối đa công suất từ đầu tháng 1. Nhiều người trong chúng tôi còn chẳng tìm lấy được một chiếc giường hẳn hoi để ngả lưng chợp mắt một chút. Nhưng chúng tôi có thể làm gì cơ chứ?
Các bác sĩ và y tá đang làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ – ngay cả ca làm việc lúc nửa đêm cũng kín bệnh nhân. Chúng tôi bị bao vây bởi những tiếng ho của người bệnh suốt đêm dài”, một bác sĩ tâm sự.
Chúc Di (t/h)