Bắc Kinh vừa ủng hộ vừa chuẩn bị thay thế Lâm Trịnh, không có lửa làm sao có khói?
Ngày 31/10, tờ Apple Daily của Hồng Kông đã đăng một bài bình luận, nói rằng trước phiên họp quan trọng như Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), xuất hiện tin tức Bắc Kinh có thể thay thế Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga “tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên”.
Bài báo cho rằng những tin đồn gần đây về việc “từ chức” của Lâm Trịnh Nguyệt Nga hay việc Bắc Kinh đang ấp ủ thay người là có cơ sở. Không có lửa làm sao có khói? Người như Lâm Trịnh giống như kẻ thù của nhân dân, một vị thủ lĩnh bị cô lập hoàn toàn, việc từ chức đã không còn là vấn đề nữa rồi, chỉ là khi nào nó mới xuất hiện mà thôi.
Theo báo cáo của Thời báo Tài chính (Financial Times) vào ngày 22/10, Bắc Kinh có kế hoạch thay thế Lâm Trịnh Nguyệt Nga bằng Đặc khu trưởng “lâm thời” vào tháng 3 năm sau. Những người kế nhiệm bao gồm Trần Đức Lâm – Cục trưởng Cục Quản lý Tài chính Hồng Kông, Đường Anh Niên – cựu vụ trưởng hành chính Hồng Kông. Tin tức gây nên sự chú ý của quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức đáp lại nói là “tin đồn chính trị có ý đồ xấu”. Lâm Trịnh cũng đã từng dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết kể từ tháng 6, lãnh đạo Bắc Kinh luôn ủng hộ bà “xử lý bạo lực theo luật pháp”, đồng thời cũng nói rằng bà “không bình luận các bài báo có tính chất phỏng đoán”.
Về vấn đề này, Apple Daily cho rằng, nếu để ý đến thời gian và nội dung của những tin tức trên, là biết tin tức này “tràn ngập mùi vị canh chừng và thử nghiệm”.
Bài báo phân tích rằng, bắt đầu từ ngày 28/10, ĐCSTQ tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 4). Đây là cuộc họp đầu tiên của lãnh đạo nòng cốt ĐCSTQ trong vòng một năm rưỡi trở lại đây, thảo luận về tình hình hiện tại và cách đối phó với nó, bao gồm chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và vấn đề Hồng Kông đã kéo dài 5 tháng.
Do đó, tin tức rằng Bắc Kinh có thể sẽ thay thế Lâm Trịnh “tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên”, mà là nội bộ ĐCSTQ có ít nhất một số bộ phận người hoặc bè cánh cho rằng, đối với tình hình rối loạn kéo dài ở Hồng Kông, cần áp dụng những biện pháp tích cực hơn để hóa giải bế tắc, bao gồm Lâm Trịnh, người không được ưa chuộng trong những ngày đầu và đã trở thành một “gánh nặng chính trị” ở Bắc Kinh. Điều này sẽ không chỉ giúp ĐCSTQ cắt đứt cơn bão chính trị được kích hoạt bởi “Dự luật dẫn độ“, mà còn có thể giúp phe Kiến Chế (thân Bắc Kinh) ở Hồng Kông một lần nữa giành được thế chủ động.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ trung ương của ĐCSTQ áp dụng thủ đoạn “vừa hỗ trợ vừa ấp ủ”, tức là vừa nói “toàn lực ủng hộ Trưởng Đặc khu” lại vừa ấp ủ thay thế người.
Chẳng hạn như, cựu Trưởng Đặc khu Đổng Kiến Hoa tự động từ chức vào năm 2005 với lý do “đau chân”. Nhưng chỉ ba tháng trước khi vụ việc xảy ra (tháng 12/2004), Đổng Kiến Hoa vừa mới nhận được sự khẳng định của lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm đối với công tác chính phủ đặc khu, các quan chức của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của ĐCSTQ cũng nhấn mạnh đối xử trọng hậu với ông Đổng.
Hay là cựu Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh, vì trấn áp được cuộc “Cách mạng ô dù (2014)” nên đã được lãnh đạo ĐCSTQ trích dẫn thơ Đường “tán thưởng”. Nhưng trước thềm cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu tháng 12/2016, ông Lương lại tuyên bố không liên nhiệm nữa vì lý do gia đình.
Bài báo cho rằng, những tai họa mà Lâm Trịnh phải chịu nghiêm trọng hơn so với ông Đổng và ông Lương, “chỉ có hơn chứ không kém”. Vì vậy, dù cho việc thay thế bà không thể giải quyết được tất cả các mâu thuẫn nhưng ít ra cũng có thể để cho người dân bớt tức giận, cũng có thể làm cho tình hình dịu bớt đi.
“Ứng cử viên dự bị” (Trần Đức Lâm, Đường Anh Niên) được ĐCSTQ lựa chọn để giữ chức vụ Trưởng Đặc khu tạm thời, vốn không bị hãm sâu trong cơn bão “Phong trào phản đối dự luật dẫn độ”, không có thù địch với dân chúng hay hỗ trợ cảnh sát hành ác. Để cho những người như thế làm Trưởng Đặc khu, có thể có nhiều không gian hơn để giao tiếp và đối thoại, để bù đắp cho mối quan hệ xã hội bị tê liệt.
Do đó, bài báo cho rằng, lãnh đạo Bắc Kinh luôn “coi Trưởng Đặc khu như quân cờ”, nay lại có ý nghĩ thay đổi người, điều này không ngoài dự tính, mà còn là tình thế tất nhiên. “Kế hoạch thay thế phù hợp với thời gian và nhu cầu chính trị như thế này không thể nào là sự suy đoán không có căn cứ, ngược lại nó giống như một hoạt động chính trị hơn”.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)