Ôn hòa – Điều khiến cuộc biểu tình Ô dù đi vào lịch sử thế giới
Cuộc biểu tình Ô dù tại Hồng Kông dù không có một nhà lãnh đạo cụ thể nào nhưng có tính tổ chức cực cao, thể hiện sự lịch thiệp, hòa bình, không có hiện tượng đập phá, hôi của, hay xả rác.
Điều này đã khiến các kênh truyền thông phương Tây kinh ngạc, những người biểu tình được đài BBC cho là “sạch sẽ quá độ”. Rõ ràng, những người biểu tình không chỉ là người có lý tưởng, họ là những người hoạt động chính trị hiểu biết, hiểu được rằng sự ôn hòa bất bạo động sẽ mang đến thắng lợi.
Cuộc biểu tình Ô dù
“Biểu tình Ô dù”, “Cách mạng Ô dù” hay “Phong trào Ô dù” là một cuộc biểu tình diễn ra tại Hồng Kông vào năm 2014. Cội nguồn của nó nằm ở việc những người bảo vệ dân chủ mong muốn rằng cuộc bầu cử thị trưởng Hồng Kông trực tiếp đầu tiên vào năm 2017 được thực sự tự do. Sau khi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đưa ra nghị quyết liên quan tới việc thay đổi hệ thống bầu cử tại Hồng Kông, cuộc biểu tình nổ ra. Những người biểu tình yêu cầu quyền dân chủ thực thụ, cụ thể là được quyền đề cử Đặc khu trưởng mà không phải thông qua quyết định của Ủy ban bầu cử.
Ban đầu người biểu tình tại Hồng Kông sử dụng chiếc dù để che mưa, nắng. Nhưng khi cảnh sát dùng đạn hơi cay, và bình xịt hơi cay, chiếc dù được dùng để bảo vệ bản thân người biểu tình. Cuộc biểu tình tại Hồng Kông từ đó còn được gọi là “Cách mạng Ô dù”. Những người phản đối đã mang theo cả đống dù, phát không, ngủ dưới đó và viết khẩu hiệu lên đó.
Bên cạnh hình tượng chiếc ô, các dải ruy băng vàng được người biểu tình cột vào hàng rào, đeo lên trên áo và trang hoàng các trang mạng xã hội tại Hồng Kông. Người biểu tình ở Hồng Kông coi dải ruy băng vàng là biểu tượng của khát vọng dân chủ. Biểu tượng ruy băng vàng đã xuất hiện 400 năm trước ở Anh Quốc từ một bài thơ, trong đó một người phụ nữ đã đeo để tưởng nhớ người chồng đi xa. Qua thời gian ruy băng vàng biểu tượng cho hy vọng, chiến thắng và tình yêu. Người biểu tình ở Hồng Kông chọn ruy băng vàng vì họ vẫn hy vọng vào chiến thắng trong một cuộc chiến không cân sức, không phải bằng bạo lực mà bằng tình yêu.
Trong khi đó, đối lập lại thiện chí của người biểu tình, một cuộc phản biểu tình đã được tổ chức, nghi ngờ có sự thúc đẩy của chính quyền Trung Quốc Đại Lục. Vào ngày 6-10-2014, đài BBC chiếu một đoạn phim của Hong Kong TV network về việc những người phản biểu tình được thuê mướn và chở tới nơi biểu tình. Nhiều người trong số này không biết là mình được trả tiền để làm gì, bị quay phim lén trên xe buýt đang nhận tiền của những người tổ chức. Báo South China Morning Post cũng tường thuật những cáo buộc là những người từ những khu nghèo khổ đã nhận tới HK$800 một ngày, qua liên lạc bằng WhatsApp, để tham dự vào phong trào phản biểu tình. Các nhóm xã hội đen đã dính líu vào những cuộc tấn công vào người biểu tình ở khu vực Vượng Giác. Cả tờ Apple Daily và tờ Taiwan Central News Agency, cũng như một số nhà lập pháp dân chủ ở Hồng Kông, đã nêu tên bộ An ninh quốc gia và bộ Công an Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công này.
Về phía chính quyền, cả các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông đều cho rằng cuộc biểu tình Ô dù là “bất hợp pháp”, và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã liên tục phát đi thông tin cho rằng cuộc biểu tình này có sự “xúi bẩy” của phương Tây.
Việc chính quyền Hồng Kông sử dụng cảnh sát để giải quyết biểu tình đã làm cho uy tín về sự trung thực và không thiên vị của lực lượng cảnh sát Hồng Kông suy giảm, đồng thời khiến họ bị chỉ trích là đã trở thành công cụ chính trị trong tay nhà cầm quyền, xóa bỏ đi ranh giới trong mô hình tam quyền phân lập, phá hủy sự thượng tôn pháp luật.
Không hề tác động tới nền kinh tế
Cuộc biểu tình Ô dù diễn ra chủ yếu từ tháng 9-2014 tới tháng 12-2014 đã mang lại những bất ngờ lớn đối với nhiều người. Nó không hề ảnh hưởng tới nền kinh tế Hồng Kông mà thay vào đó là những số liệu tích cực về doanh thu bán lẻ và lượng khách du lịch, đơn cử như trong tháng 10.
Doanh số bán lẻ tăng 1,4% so với năm trước theo báo cáo của Cục Thống kê và Điều tra Dân số Hồng Kông. Con số này cao hơn một chút so với ước tính trung bình là tăng 1.2% từ các chuyên gia kinh tế được Bloomberg hỏi ý kiến.
Trong khi đó, Cục Du lịch Hồng Kông cho biết doanh thu ngành du lịch trong tháng 10 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đe dọa cấm các tour du lịch trọn gói đến Hồng Kông khi các cuộc biểu tình khởi phát, nhưng lượng khách du lịch từ Đại lục tới thành phố bán tự trị này vẫn tăng 18,3% so với năm ngoái, với hơn 4 triệu du khách Trung Quốc. Lượng khách du lịch từ khu vực Bắc Á, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tăng khoảng 7,1%, trong khi đó có sự giảm nhẹ số du khách đến từ các nước Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã không vì các cuộc biểu tình mà không đến Hồng Kông nữa. Họ vẫn có niềm tin vào thị trường bất động sản của thành phố này, và có thể thấy doanh thu rất tốt ở phân khúc thị trường từ trung đến cao cấp trong khoảng thời gian các cuộc biểu tình kéo dài tháng 9 và tháng 10.
Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ, nói với tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) rằng: “Tôi không tìm thấy đủ bằng chứng cho thấy các cuộc biểu tình ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.”
Giới truyền thông ca ngợi
Báo Mỹ New York Times mô tả cuộc biểu tình ở Hong Kong dù không có một nhà lãnh đạo cụ thể nào nhưng có tính tổ chức cực cao. Người biểu tình hành xử rất lịch thiệp và hòa bình. Hoàn toàn không có hiện tượng đập phá, hôi của, xả rác… như ở nhiều nơi khác.
Trong bài viết “Những điều chỉ có thể xảy ra trong biểu tình ở Hồng Kông”, tờ BBC kể lại những trải nghiệm đáng nhớ của phóng viên trong cuộc biểu tình:
- Các sinh viên đi biểu tình vẫn chăm chỉ làm bài tập về nhà;
- Những người treo biểu ngữ cũng đồng thời treo lời xin lỗi vì đã làm phiền người khác;
- Dưới làn hơi cay, những chiếc ô vẫn giơ lên kiên trì và nhẫn chịu;
- Những người biểu tình giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm tới sức khỏe của nhau;
- Người biểu tình tuân thủ những quy định dù là nhỏ nhất, như “không dẫm lên thảm cỏ”.
- Và đặc biệt là, BBC ca ngợi những người biểu tình “sạch sẽ quá độ”.
Rõ ràng, phong trào biểu tình Ô dù không phải chỉ là những người chỉ có lý tưởng, họ là những người hoạt động chính trị hiểu biết mà còn hiểu được rằng ôn hòa bất bạo động sẽ mang đến những thắng lợi, cả hữu hình lẫn vô hình.
Bài học
Chúng ta cần hiểu nguyên nhân vì sao Mahatma Gandhi lại đi vào lịch sử như là một tâm hồn vĩ đại vì hòa bình. Đứng trước mong muốn giành độc lập cho Ấn Độ của hàng triệu người dân trước chế độ thực dân Anh quốc, ông đã dành cả đời mình để theo đuổi nguyên tắc bất bạo lực và bất kháng cự khắt khe.
Trong suốt cuộc đời, Mahatma Gandhi phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Chính vì thế, danh hiệu Mahatma Gandhi (“Tâm hồn vĩ đại” Gandhi) vẫn thường được người dân thế giới sử dụng thay vì tên thật của ông (Mohandas Gandhi).
Tương tự như vậy, cuộc biểu tình Ô dù đã đưa người Hồng Kông chân chính vào một trang sử khó quên của nhân loại. Truyền thông phương Tây đã gọi những người biểu tình trong phong trào Ô dù là những người biểu tình lịch sự nhất thế giới.
Theo Trithucvn