Sinh viên Hồng Kông kêu gọi Bắc Kinh miễn nhiệm Trưởng Đặc khu Hành chính
Liên hiệp hội sinh viên dẫn đầu cuộc chiếm đóng các đường phố lớn quanh trụ sở chính phủ đã viết một bức thư gửi tới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, kêu gọi ông miễn nhiệm Trưởng Đặc khu Hành chính đồng thời trực tiếp đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.
Bức thư xoay quanh các lý luận chặt chẽ minh chứng cuộc vận động này là một phần trong hệ tư tưởng “Giấc Mơ Trung Hoa” được ông Tập Cận Bình đề xuất, chứ không phải nhằm thách thức các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Từng là thuộc địa của Anh trước năm 1997, Hồng Kông trở thành “đặc khu hành chính” của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và được hưởng nền bán dân chủ với tên gọi “một quốc gia hai chế độ”.
Các lãnh đạo sinh viên kêu gọi Chủ tịch Tập nên bãi nhiệm ông Lương và cho phép người dân Hồng Kông được hưởng toàn quyền nền dân chủ, đúng như chủ trương và tinh thần của ông khi lên nắm quyền. Bức thư có đoạn giãi bày: “Giấc mơ Trung Hoa mà ông hi vọng chính là ước mơ của người dân, giấc mơ ấy cần được gắn liền và thực hiện theo nguyện vọng của người dân cũng như mang lại lợi ích lâu dài cho nhân dân.”
Ngoài ra, bức thư còn nhấn mạnh, “Cho tới hôm nay, người dân Hương Cảng đã thể hiện rõ ước mơ của mình trong 30 năm tới, đó là cơ chế bầu cử ‘phổ thông đầu phiếu’ và xây dựng hệ thống dân chủ vững chắc để mang lại quyền bình đẳng và phúc lợi cho người dân Hồng Kông qua các thế hệ”.
Các sinh viên cố gắng giải thích thông qua cách lí luận của Đảng để nêu yêu cầu ‘phổ thông đầu phiếu’ và giải thích những việc họ đang làm không gây nguy hại gì cho Bắc Kinh. Trong lá thư, các lãnh đạo sinh viên cũng đề xuất lên ông Tập Cận Bình một giải pháp hợp lý, đó là miễn nhiệm vị Trưởng Đặc khu Hành chính Lương Chấn Anh không được người dân tín nhiệm và đáp ứng nguyện vọng của sinh viên mà không hề tỏ ra yếu kém về chính trị.
Hàng loạt quyết định trong ba tuần gần đây của chính quyền đã khiến sinh viên và người Hồng Kông bất mãn, đặc biệt là tuyên bố mới nhất của Tổng Thư ký Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chánh văn phòng đặc khu về việc hủy đàm phán với các lãnh đạo sinh viên. Bà Lâm tuyên bố chính quyền sẽ không đối thoại chừng nào những người biểu tình còn kêu gọi chiếm đóng đường phố ở Hồng Kông.
Về phía người biểu tình, các sinh viên quả quyết, đây sẽ là lần thỏa thuận duy nhất của họ. Một số nhà quan sát chính trị Trung Quốc cho biết, ông Lương có quan hệ với các nhân vật chủ chốt trong bè phái của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông Giang từng là người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1989-2002 và vẫn có ảnh hưởng lớn tới chính quyền Bắc Kinh trong thập kỷ sau đó. Hiện tại, ông đang bị phong bế sau cuộc đấu đá chính trị với tân Chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền từ cuối năm 2012.
Chủ tịch Tập đã loại bỏ nhiều nhân vật quan trọng trong bộ máy chính trị của ông Giang, bao gồm cả cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang và nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu. Mặc dù những người này đều đã về hưu khi bị thanh trừ, nhưng đa số các quan chức cao cấp Trung Quốc vẫn có thể gây ảnh hưởng vượt xa quyền hành của họ.
Thông qua cách tu từ quen thuộc trong giới chính trị Trung Quốc, lá thư chỉ rõ, chính quyền đặc khu báo cáo sai lệch tình hình của Hồng Kông lên chính quyền trung ương, dẫn đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định cứng rắn và kiên quyết không thỏa hiệp vào hôm 31/8. Đây chính là nguyên nhân gia tăng căng thẳng và gây bế tắc ở Hồng Kông.
“Ông Lương đã báo cáo sai sự thật về mong ước của người dân Hồng Kông lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, trích thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình. Quyết định trên như đổ thêm dầu vào lửa cho tình hình hiện nay khi áp chế vào “phổ thông đầu phiếu”, nghĩa là hủy bỏ lời hứa cho phép người dân Hồng Kông được chọn lựa vị lãnh đạo của mình trong cuộc bầu cử diễn ra năm 2017.
Quyết định trên tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt chịu sự chi phối và kiểm soát bởi Bắc Kinh, hệ quả là thu hẹp số ứng cử viên xuống còn 2 đến 3 người để cử tri Hồng Kông bỏ phiếu.
Ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Trung Quốc, là người đã ra quyết định trên. Được biết, ông là một đồng minh của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Trong thư, các sinh viên cũng dẫn thông tin về vụ tham nhũng của ông Lương mới được phát giác gần đây để kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình hành động. “Chiến dịch chống tham nhũng là nhằm thanh trừng tất cả các tham quan ở Trung Quốc, thậm chí cả Chu Vĩnh Khang cùng nhiều quan lớn khác đã được loại bỏ, thì việc ông Lương Chấn Anh, người đã nhận hối lộ trong vụ hậu mãi 6,5 triệu USD, vẫn được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.”
Vụ thanh toán này đề cập đến một khoản phí tư vấn bí mật do công ty dịch vụ xây dựng và bất động sản của Úc (UGL) gửi cho ông Lương sau khi đắc cử. Ông Lương đã không khai báo về khoản này trong báo cáo tài chính lúc nhậm chức Đặc khu trưởng Hồng Kông. Các nhà lập pháp ở Hồng Kông cho biết, họ đang có kế hoạch làm thủ tục tố tụng nhằm buộc tội ông Lương.
Ông Lương Chấn Anh xuất hiện trên TVB vào ngày 12/10 để giải thích về cáo buộc trên. Việc ông Lương sớm xuất hiện trên TVB, một đài truyền hình được cho là ủng hộ Bắc Kinh, chứng minh kêu gọi từ chức rõ ràng không mấy tác động tới vị lãnh đạo này. Trong một tuyên bố trên đài TVB, ông Lương nói: “Tôi từ chức cũng không giải quyết được gì”. Ngoài ra, ông Lương ủng hộ quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc và khẳng định khoản tiền nhận từ UGL là “hợp pháp” và “không vi phạm đạo đức”. Phong trào Chiếm Trung tâm được ông Lương đánh giá là “phong trào quần chúng đi quá đà” vào đoạn kết bài phát biểu trên đài TVB.
Thiên Hà, Công Lý – Theo The Epochtimes