Hai đường lối chính trị ở Hồng Kông đang đấu đá kịch liệt?
Vấn đề ở Hồng Kông đang ngày càng bế tắc, ngoài nguyên nhân đến từ đấu đá bên trong nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ở Hồng Kông dường như cũng đang chia ra hai đường lối chính trị khác biệt.
Theo truyền thông Pháp, cảnh sát Hồng Kông nhận được sự ưu ái của Bắc Kinh, nên không những không cho phép bất cứ người nào phê bình, mà còn có thể “hất hàm sai khiến” đối với cấp trên.
Mới đây, cảnh sát trưởng ‘đầu trọc’ Lưu Trạch Cơ, người đã rút súng chĩa vào người biểu tình đã công khai công kích trên Weibo (mạng xã hội ở Trung Quốc) về việc Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga gặp gỡ những người biểu tình phe “Dũng vũ” (nhóm thanh niên sẵn sàng dùng bạo lực) là “không tôn trọng sự chấp pháp của cảnh sát”.
Ông còn chất vấn Lâm Trịnh: “Như thế này còn là pháp trị sao?”; “Sau này tôi chấp pháp như thế nào?” “Công lý ở đâu?!”.
Ngày 25/10, tờ “Minh Báo” Hồng Kông đã đăng một bài viết, nói rằng sau khi cảnh sát dùng vòi rồng phun chất lỏng màu xanh vào nhà thờ Hồi giáo, Lâm Trịnh đã nhanh chóng xin lỗi, đồng thời bày tỏ “sẽ không mù quáng bao che cho những hành động của đội cảnh sát”.
Sau đó bà lại nói, nếu như người dân bất mãn với báo cáo cuối năm của IPCC (Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập), bà “có trách nhiệm tìm các cơ chế điều tra khác”, ám chỉ rằng có khả năng sẽ thành lập một ủy ban điều tra độc lâp.
Ngay lập tức có người phe Kiến Chế (thân Bắc Kinh) gửi công văn, phê bình Lâm Trịnh “tuyệt giao với 30 nghìn cảnh sát”, đe dọa “chưa qua cầu đã lo rút ván, người ngã chết chắc chắn có bà”.
Sau đó có người ở Lam Doanh (một liên minh chính trị ở Đài Loan) nói rằng, “Luật cấm che mặt” không có hiệu quả, bởi vì Lâm Trịnh, Trưởng và Phó Cảnh sát Hồng Kông Lư Vĩ Thông, Đặng Bính Cường làm việc không hết sức mình, thậm chí còn nói bọn họ “chống lại ý chỉ của Trung ương”. Bây giờ không còn giới hạn là sự đối lập giữa Lâm Trịnh và cảnh sát, mà thậm chí còn là sự chia rẽ giữa cảnh sát cấp cao và cơ sở.
Bài bình luận trên Minh Báo chỉ ra rằng, những dấu hiệu này cho thấy, có người không muốn tuân theo yêu cầu “mọi tầng lớp ở Hồng Kông toàn lực ủng hộ chính phủ đặc khu” của Tập Cận Bình, cuộc chiến giữa hai đường lối chính trị ở Hồng Kông đã nổi lên bề mặt, một bên hy vọng tình hình lắng lại, một bên chỉ sợ thiên hạ không đủ loạn.
Bài báo cũng nói rằng, chính phủ Lâm Trịnh hy vọng tiến hành thuận lợi cuộc bầu cử Quốc hội Đặc khu, đưa các hoạt động kháng nghị trên đường phố vào hệ thống bầu cử. Một số phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh lại chỉ trích chính phủ Hồng Kông đã để những “đầu sỏ” ủng hộ biểu tình tham gia bầu cử, hoàn toàn không để ý đến việc người tham gia bầu cử có thể làm cho hoạt động kháng nghị càng trở nên kịch liệt hơn.
Trước đó, tờ Apple Daily phân tích, vào mỗi lúc tình hình Hồng Kông có chút hòa hoãn thì lại có người gây ra sự việc bạo lực giữa cảnh sát và xã hội đen, chứng tỏ trong thế lực chính trị can thiệp vào Hồng Kông, có người không mong muốn tình hình lắng lại mà không ngừng kích động cho tình thế leo thang nghiêm trọng hơn.
Bài báo chỉ ra rằng đây không phải là mục tiêu của chính quyền trung ương Bắc Kinh, mà được kiểm soát bởi một thế lực chính trị. Mục đích là sử dụng phương pháp “quản lý khủng bố”, lợi dụng tâm lý hoảng loạn của người dân để cưỡng ép toàn bộ Hồng Kông và giành lấy lợi ích chính trị cho mình.
Hiện tại, do sự đàn áp đẫm máu của ĐCSTQ, yêu cầu của người dân Hồng Kông từ phản đối dự luật dẫn độ đã đổi thành yêu cầu ĐCSTQ trả lại quyền tự trị dân chủ. Có người phân tích chỉ ra rằng, nếu ĐCSTQ không chấp nhận thỏa hiệp với người Hồng Kông, thì chỉ có con đường bạo lực, đàn áp. Do đó, ĐCSTQ không ngừng tăng cấp độ khủng bố đỏ ở Hồng Kông, giới quan sát cho rằng đây là đến từ quyết sách chỉnh thể của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đấu đá trong nội bộ của ĐCSTQ đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Vì vậy, tình hình ở Hồng Kông không ngừng chuyển biến xấu, nó cũng được coi là yếu tố mang đến đấu tranh quyền lực không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong tình hình nhiều năm nay hệ thống Hồng Kông và Ma Cao nằm trong sự khống chế của phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Năm đó khi “Cách mạng ô dù” bùng phát, có phân tích cho rằng, phe của Giang cố tình khiến mâu thuẫn ở Hồng Kông trở nên gay gắt, dụ Tập Cận Bình ra quân tàn sát, rồi mượn cơ hội này để đẩy Tập Cận Bình rớt đài.
Minh Huy (Theo NTDTV)