Adidas sử dụng rác thải nhựa để sản xuất giày thể thao và quần áo
Trung bình một năm, Adidas sản xuất tới 400 triệu đôi giày. Việc sản xuất số lượng lớn giày như thế đòi hỏi phải có nguồn vật liệu dồi dào, mà những chất liệu này vốn không hề có lợi với môi trường. Chính vì thế, hãng giày này đã nghĩ ra một hướng đi mới vô cùng đặc biệt.
Theo các chuyên gia dự đoán, trong vòng 30 năm nữa, biển cả sẽ chứa lượng lớn rác thải nhiều hơn cả số lượng sinh vật biển. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng khoảng 90% loài chim biển đã tiêu thụ một lượng rác thải nhựa nhất định. Sự ô nhiễm của hàng loạt bãi biển và đại dương đã trở thành mối nguy hại cho đời sống sinh vật biển và con người.
Chính vì điều này, hãng Adidas đang cố gắng tìm cách hạn chế lượng rác nhựa thải ra biển. Vào năm 2015, hãng giày này đã hợp tác với một tổ chức bảo vệ môi trường mang tên Parley for the Oceans nhằm mục đích biến những rác thải ở biển thành vật liệu sản xuất giày. Và dự án này vẫn đang phát triển lớn mạnh tính đến nay.
Đến năm 2019, Adidas dự kiến sẽ làm ra được 11 triệu đôi giày sử dụng rác thải nhựa tái chế, con số này gấp đôi so với năm 2018, đồng thời hãng giày này cũng cho hay dự án đã giúp ngăn chặn 2.810 tấn rác thải nhựa ra biển.
Vậy những đôi giày này được làm nên bằng cách nào?
Tổ chức Parley cùng với những cộng sự sẽ thu thập rác thải tại ven các vùng duyên hải như Maldives. Lượng rác thải sau đó sẽ được phân loại, và những rác thải nhựa có thể tái chế sẽ được chuyển đến cơ sở sản xuất của Adidas. Hãng giày này sẽ tái sử dụng những chai nhựa làm từ vật liệu polyethylene terephthalate, hay còn gọi là nhựa PET. Còn những vật liệu không thể sử dụng được, như mũ và nhẫn, sẽ được chuyển đến các cơ sở tái chế như thường.
Quá trình tái chế sẽ là nghiền nát, rửa sạch rồi khử nước rác thải để biến chúng thành những mảnh nhựa nhỏ. Những mảnh nhựa này sau đó được đem nung, sấy khô và để nguội rồi được đóng thành những viên nhựa nhỏ. Thông thường, sợi polyester được làm ra từ xăng dầu. Nhưng Adidas đã nung chảy những viên nhựa nhỏ này để tạo thành những sợi tơ mà họ gọi là Ocean Plastic (Sợi nhựa biển), một dạng của sợi polyester. Sau đó hãng giày sẽ dùng chất liệu này để làm phần trên của giày hay sử dụng làm ra quần áo như áo nịt len.
Những sản phẩm trong dự án được làm từ ít nhất 75% lượng rác thải ra biển, và nó vẫn đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và sự thoải mái giống như những đôi Adidas khác. Sợi polyester tái chế sử dụng ít nước và hóa chất hơn đồng thời giúp ngăn chặn ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, Adidas đang nhắm đến mục tiêu sẽ thay thế toàn bộ sợi polyester truyền thống bằng sợi polyester tái chế này vào năm 2024. Tính tới hiện giờ, đã có hơn 40% trang phục của Adidas sử dụng loại sợi này. Chúng ta có thể vô tình bắt gặp những đôi giày làm từ chất liệu tái chế này mà không nhận ra được sự khác biệt nào. Còn những trang phục được sản xuất từ sợi nhựa biển đã được phổ cập rộng rãi làm đồng phục bóng đá hay bóng chày cho các trường đại học, cho Liên đoàn Khúc gôn cầu Quốc gia hay Giải quần vợt Úc mở rộng,…
Tuy nhiên, những điều trên đây mới chỉ là bước đầu. Adidas còn đang phát triển thêm một loại giày được làm 100% từ nhựa tái chế gọi là Futurecraft Loop. Loại giày này có khả năng tái sản xuất nhiều lần từ những chiếc giày cũ bị bỏ đi, và được dự định mở bán vào năm 2021.
Với sự hỗ trợ từ tổ chức Parley for the Oceans, Adidas vẫn đang không ngừng nỗ lực trong việc sử dụng các vật liệu có sẵn để sản xuất ra những sản phẩm mới. Đây chính là một bước tiến lớn hướng tới tương lai bền vững sau này.Mặc dù vậy, nhưng điều đáng tiếc là Adidas vẫn chưa thể ngăn chặn được hoàn toàn vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Những trang phục làm từ vật liệu tái chế này khi giặt sẽ tách dần ra các sợi vi nhựa rồi theo dòng nước thải trôi ra biển. Vì thế, Adidas khuyến cáo rằng người dùng nên hạn chế việc giặt những trang phục này thường xuyên, đồng thời nên sử dụng nước lạnh để giặt và mỗi lần giặt nên chất đầy quần áo cho lồng giặt.
Bạch Nhật (Theo Bussines Insider)