Từ nhân viên bảo vệ trở thành hiệu trưởng trường học
Câu chuyện về anh Trương Tuấn Thành, người bảo vệ chưa học hết cấp 2 đã tự học, thi đỗ vào Khoa Luật của ĐH Bắc Kinh và trở thành hiệu trường trường trung cấp kỹ thuật ở quê nhà khiến bao người cảm phục.
Trương Tuấn Thành sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Sơn Tây, gia đình có 7 anh chị em, mọi người từ bố mẹ đến anh chị em của Tuấn Thành đều không biết chữ.
Là con út nên Tuấn Thành được cho học tới cấp 2, sau đó dù lực học tốt nhưng vì không có khả năng đóng học phí mà anh phải bỏ học giữa chừng. Từ đó anh cùng với anh trai phải lăn lộn làm đủ thứ nghề từ công nhân thời vụ của mỏ sắt, tới công nhân xưởng sản xuất phụ tùng ô tô, nhân viên lái xe,… Vất vả là thế nhưng trong anh vẫn luôn bùng lên khao khát được đến thành phố học hỏi cái mới.
Năm 1994, Tuấn Thành may mắn được giới thiệu đi đào tạo và làm việc tại Bắc Kinh. Ngày 26/5/1994, Tuấn Thành (khi đó 18 tuổi) lần đầu xa quê tới Bắc Kinh, một trong những thành phố phát triển bậc nhất thế giới.
Một câu nói thay đổi cả cuộc đời
Khóa đào tạo nhân viên bảo vệ dài 26 ngày nhưng cường độ tập luyện rất gian khó, với lối sinh hoạt theo kiểu quân đội khiến nhiều người bỏ cuộc. Thành tích trong đợt huấn luyện này chính là cơ sở để quyết định nhân viên đó sẽ được phân công đến đơn vị nào làm việc. Nhờ vào sự cố gắng của bản thân, Trương Tuấn Thành đã có thành tích huấn luyện đứng đầu trong số 500 người và được phân về làm tại Đại học Bắc Kinh.
Trương Tuấn Thành rất hãnh diện vì điều này, đối với anh đây là ngôi trường đại học tốt nhất của Trung Quốc. Chính vì thế mà bảo vệ ở đây cũng là những người bảo vệ xuất sắc nhất.
Với bản tính chăm chỉ của mình, Tuấn Thành thường xuyên được khen ngợi, điều này khiến anh không khỏi vui sướng. Tuy vậy, từng có một sự cố khiến anh có ý định buông bỏ tất cả để về quê.
Khi ấy Tuấn Thành không biết Tiếng Anh, chỉ có thể nói được 3 câu cơ bản là “xin chào, xin lỗi, tạm biệt”. Một ngày nọ, có vài vị khách nước ngoài muốn tham quan trường nhưng vì không hiểu họ nói gì nên anh đã chặn từ ngoài cửa. Tức giận, mấy người này tỏ thái độ rồi giơ ngón tay giữa ra chọc tức Tuấn Thành. Vừa xấu hổ, vừa đau lòng, ạnh đã gọi điện cho mẹ, đòi về quê.
Mẹ Tuấn Thành nghe vậy thì hỏi: “Ở thành phố con đã thành danh như mong muốn chưa?”. Chính lời nói của mẹ đã thức tỉnh anh. Ca trực đêm đó, Tuấn Thành không ngừng suy nghĩ bản thân nên làm gì để thay đổi cuộc sống. Sau đó anh kết luận rằng “Muốn thay đổi chỉ có học tập”.
Tấm giấy đặc biệt của vị giáo sư
Nghĩ là làm, ngay sáng hôm sau, Tuấn Thành đã đi mua hai cuốn sách giáo khoa tiếng Anh cho cấp trung học cơ sở và bắt đầu tự học.
Không chỉ học trong sách, anh còn chủ động bắt chuyện với người nước ngoài để luyện tập trong thực tế. Một lần, giáo sư Cao Yên của khoa Ngôn ngữ phương Tây tình cờ đi ngang qua và nghe được cuộc đối thoại giữa Tuấn Thành và khách ngoại quốc. “Ham học là rất tốt, nhưng tôi thấy cậu đọc tiếng Anh mà như nói tiếng Đức. Nếu cứ như vậy, khách họ sẽ phát điên mất”, vị Giáo sư thẳng thắn góp ý.
Nhận thấy khả năng và tinh thần ham học hỏi của Trương Tuấn Thành, một tháng sau, Giáo sư Cao đưa cho Trương giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo trước kỳ thi GRE và giấy chứng nhận tham gia lớp đào tạo đầu vào đại học dành cho đối tượng tự học. Vị giáo sư nói Tuấn Thành có thể chọn học những khóa tiếng Anh cơ bản. Thậm chí vị giáo sư còn xin ảnh của Tuấn Thành từ đội an ninh để dán vào giấy chứng nhận tham gia lớp học. Tuy nhiên, anh đã từ chối.
Đây quả thực là cơ hội rất tốt, bản thân Tuấn Thành cũng rất muốn tham gia, thế nhưng học phí lớp đào tạo GRE là 3.600 tệ một kỳ, trong khi lương tháng của anh khi đó chỉ có 214 tệ/tháng, chưa kể còn phải gửi về nhà 50 tệ.
Nhìn thấy vẻ ngượng ngùng của chàng trai trẻ, giáo sư Cao hiểu được cái khó của Tuấn Thành và cam đoan rằng sẽ miễn tiền học phí cho anh.
Nỗ lực được đền đáp
Kể từ đó, hàng ngày Trương Tuấn Thành đều đặn tham gia lớp học từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Sau đó lại vội đến phòng bảo vệ thay quần áo rồi trực đến 15 giờ, vừa hết ca, anh tiếp tục đi học ca chiều.
“Hồi đó tôi không muốn mặc đồng phục bảo vệ vào trong lớp học, vì nó quá nổi bật và khiến tôi cảm thấy tự ti”, Trương Tuấn Thành nói.
17 giờ tới 22 giờ, Tuấn Thành lại chăm chỉ làm việc. Đêm đến, khi những người trong phòng đã ngủ, anh chui vào chăn, cầm đèn pin để học bài, đọc sách. Vì có điểm xuất phát chậm hơn mọi người nên mỗi ngày anh chỉ ngủ 3 tiếng, chỉ cần có thời gian là anh lại lao đầu vào học, tất cả vì mục tiêu phải đỗ đại học.
Nhờ vậy mà cuối cùng Trương Tuấn Thành đã hoàn thành tâm nguyện, trở thành sinh viên khoa Luật của trường Đại học Bắc Kinh. Ban ngày, Trương là sinh viên, ban đêm vẫn làm bảo vệ.
Năm 1998, Trương tốt nghiệp đại học. Câu chuyện của anh đã được viết trên tạp chí của trường và trở thành tấm gương nỗ lực vươn lên trong học tập, thay đổi số phận.
Từ bảo vệ thành hiệu trưởng
Sau khi tốt nghiệp, Tuấn Thành về quê làm giáo viên ở một trường dạy nghề. Thời gian này, anh nhận ra trường ở đây rất khác so với trường ở Bắc Kinh. Học sinh đang tuổi nổi loạn, đa số chọn học trường dạy nghề để trốn bố mẹ, nên rất nghịch ngợm. Không chán nản vì thấy học sinh như vậy, anh đã dùng sự nhẫn nại và chân thành của mình để cảm hóa các em. Không những thế, anh còn tìm ra sự cân bằng giữa sự tự do và khuôn phép.
Nhận thấy những trường dạy nghề ở quê đều có hệ thống quản lý kém. Năm 2015, Tuấn Thành cùng bốn người bạn thành lập một trường trung cấp kỹ thuật tại tỉnh Sơn Tây và trở thành hiệu trưởng.
“Tôi mở trường để khuyến khích việc học tập của trẻ em nghèo. Những đứa trẻ này chỉ có thể thay đổi số phận bằng con đường học tập”, anh nói.
Có đến 70-80% học sinh trong trường của Trương Tuấn Thành có hoàn cảnh khó khăn, trường cũng có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, để các em yên tâm học tập.
Không những vậy, học sinh nơi đây còn được nhà trường tạo điều kiện vừa học vừa làm thông qua liên kết của trường với các nhà máy trong tỉnh. “80% học sinh trong trường đã học tiếp lên đại học”, Trương Tuấn Thành hãnh diện nói.
Trường của Trương có mô hình đào tạo “lớp đặt hàng”, nghĩa là tuyển sinh và đào tạo học viên theo nhu cầu việc làm của công ty. Như vậy sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được vào thẳng công ty, nhà máy.
Đối với vị hiệu trưởng này, tâm nguyện lớn nhất của anh là các học sinh nghèo có thể học tập thật tốt để sau này thay đổi số phận, giống như mình trước đây.
“Còn trẻ là còn tương lai, chỉ cần có người dẫn đường đúng lối”, Tuấn Thành thường động viên học sinh như vậy. Với anh, tri thức sẽ làm thay đổi vận mệnh, dù điểm xuất phát có thấp đến đâu, chỉ cần không ngừng nỗ lực, ai cũng có thể làm chủ cuộc đời của mình.
Theo Paper/QQ