Từ gương sáng của Khổng Tử soi lại vấn nạn giáo dục của nước ta ngày nay

19/11/15, 08:11 Cổ Học Tinh Hoa

Hiện nay, những vấn nạn nhức nhối của nền giáo dục nước ta không khỏi khiến người có tâm cảm thán. Vậy chúng ta thử “ôn cố tri tân” (xem lại cái cũ, biết cái mới) để xem cổ nhân nhìn nhận học tập căn bản là để làm gì?

“Nếu khoác cho ta hai chữ thánh nhân ta đâu dám nhận. Nhưng thực hiện theo công việc của bậc thánh và bậc nhân thì ta từ trước đến nay chưa biết chán, dạy học trò chưa bao giờ biết mệt mỏi, chỉ có vậy thôi” (Ảnh: internet)

Khi các chuyên gia hiện đại còn đau đầu tìm cách trả lời, chúng ta hãy thử lắng nghe xem «Bậc thầy của muôn đời >>> nói gì với hậu thế.

Khổng Phu Tử – Vạn thế Sư biểu

Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, sinh năm 551 trước Công nguyên, vào thời Xuân Thu, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông được lịch sử tôn vinh là “Vạn thế Sư biểu” – Bậc thầy muôn đời. Tư tưởng và đức hạnh sáng ngời của ông kết tinh tinh hoa của nền văn minh phương Đông, được các nước phương Tây vô cùng ngưỡng mộ. Voltaire, đại triết học gia người Pháp cũng tự nhận mình là học trò của Khổng Tử.

Đương thời, Khổng Tử có đến ba ngàn học trò, trong đó có 72 người thông thạo cả lục nghệ. Các học trò của Khổng Tử như Nhan Hồi, Tử Cống, Tử Lộ… đều là bậc hiền tài nổi tiếng. Tư Mã Thiên bình về Khổng Tử: “Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí Thánh vậy”.

Học gì là căn bản nhất?

Chương trình học phổ thông của Việt Nam hiện nay dường như thuộc hàng nặng nhất thế giới. Sáng học chính, chiều học thêm, tối lại gia sư phụ đạo, gia đình có điều kiện thì cho con học múa, học đàn…, có em từ mẫu giáo đã được học tiếng Anh. Tuy nhiên, điều cần học nhất thì không phải ai cũng biết.

Khổng Tử nói: “Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học; ba mươi tuổi biết tự lập; bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa, năm mươi tuổi biết mệnh trời…” – Luận Ngữ.

“Học” mà ông nói đến ở đây chính là học Đạo.

“Con em (thanh niên) ở trong nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được thế vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn (tức học Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch…)”.

Giáo dục Việt Nam hiện nay lại “tham phụ bỏ chính”: Con trẻ bị nhồi nhét một lượng kiến thức quá tải vào đầu tới mất cả tuổi thơ, thời gian để học đạo đức, học đối nhân xử thế chẳng còn là bao. Theo Khổng Tử, một nền giáo dục đặt trọng tâm vào truyền thụ kiến thức mà coi nhẹ giáo dục đạo đức lối sống thì cái Tâm của học sinh không được mở mang, chỉ là dạy tiểu xảo chứ không phải dạy người. Suy ngẫm một chút, dù con người có nắm nhiều tri thức đến đâu cũng không thể bằng một chiếc máy vi tính chứa hàng tỉ dữ liệu. Tuy nhiên, con người có đạo đức thì không một cỗ máy nào sánh được.

Thế nào là người ham học?

Hiện nay, do áp lực của thi cử, không hiếm những em học sinh học ngày lẫn đêm, quên ăn quên ngủ. Người đời thấy vậy khen là “ham học”. Khổng Tử cũng từng khiêm tốn tự nhận rằng “Một thôn có chục nhà thì nhất định có một người trung tín như ta, chỉ khác không ham học như ta”. Vậy định nghĩa “ham học” hiện nay so với “ham học” của bậc Thánh Hiền có gì khác nhau không?

Trong Luận Ngữ có đoạn:

“Quân tử, thực vô cầu bảo, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ”

Dịch nghĩa: Người quân tử ăn không cầu được đầy đủ, ở không cầu được yên vui, làm việc siêng năng mà thận trọng lời nói, tìm người đạo đức để (thụ giáo) sửa mình; như vậy có thể gọi là người ham học.

Hóa ra, “người ham học” chính là chỉ người ham tu sửa bản thân mình theo Đạo. Chẳng thế mà khi được Lỗ Ai Công hỏi trong số học trò của mình có ai là người ham học, Khổng Tử đáp rằng: “Có Nhan Hồi là người hiếu học, không giận lây, không phạm một lỗi nào tới hai lần”.

Vậy hỏi hiện nay, ham học thực sự có mấy người?

Có người nghĩ: Học mà ăn không đầy đủ, ở chẳng yên vui thì học làm gì? Theo thiển nghĩ của người viết, bậc Thánh Hiền muốn nhắc nhở về mục đích chân chính của sự học mà thôi (“thực vô cầu bảo, cư vô cầu an”). Nghĩa là, mục đích chân chính của sự học là rèn giũa, thăng hoa nhân cách con người sao cho hòa hợp với Đạo, hội đủ nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, chứ không phải để no đủ về vật chất. Đức hạnh đầy đủ thì lo gì không có cơm ăn? Hậu thế lại quên mất lời dạy của Thánh nhân, cho mục đích của việc học là để thành danh phát tài.

Khi con trẻ thắc mắc: “Bố (mẹ) ơi con đi học để làm gì ạ?”, thì câu trả lời sẽ là: “Học giỏi để sau này có công việc tốt, kiếm được tiền nuôi sống bản thân con ạ”. Mới nghe qua thì cũng xuôi tai, nhưng so với chí hướng cao thượng của cổ nhân thì dường như quá đỗi tầm thường.

Mục đích của giáo dục bị tầm thường hóa, hệ quả là người học và người dạy cũng tầm thường hóa theo. Nếu nói giáo dục hiện nay bị tha hóa là vì trả lương giáo viên không đủ, há chẳng phải ý rằng thầy cô giáo dạy học là để kiếm tiền thôi sao? Vì vậy mà biện hộ cho việc nhận phong bì, mua điểm, học giả bằng thật hay sao? Khổng Tử nói: “Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, khi ngủ co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Còn như dùng phương pháp không chính đáng để đạt được giàu có và phú quý, ta coi như đám mây trôi vậy”. Lại cũng nói : “Chỉ cần tự mình dâng lên một xâu thịt khô làm lễ xin học, thì ta chưa từng bao giờ từ chối ai làm học trò của ta”.

Bức tranh “Khổng Tử hỏi Lễ nghi” của Chương Thúy Anh (chanhkien.org)

Bức tranh “Khổng Tử hỏi Lễ nghi” của Chương Thúy Anh (chanhkien.org)

Dạy và học như thế nào?

Trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên viết: “Khi người ta chưa cảm thấy tức tối muốn biết, thì Khổng Tử chưa giảng, khi nêu một góc mà người ta chưa thấy cả ba góc kia thì Khổng Tử chưa dạy”. Ngày nay dường như ngược lại: Dù học sinh không cần biết, thì cũng cố mà giảng cho đủ số lượng; khi ra đề bài mà học sinh chưa kịp suy nghĩ ra, thì cho chép đáp án luôn. Đây là cách làm phổ biến trong các “lò” luyện thi Đại học.

Cảnh tượng học sinh xé tài liệu ôn tập môn Lịch sử để “ăn mừng” không thi tốt nghiệp môn Lịch sử cách đây không lâu khiến nhiều người chau mày suy nghĩ. Khổng Tử chẳng phải đã nói : «Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ >>> (Người nào ôn lại những điều đã học, do nơi đó mà biết thêm những điều mới, người đó có thể làm thầy thiên hạ đó) hay sao? Môn Lịch sử trong nhà trường chẳng phải là “ôn cố tri tân” ư, tại sao các em lại chán ghét nó như vậy?

Với khối lượng kiến thức khổng lồ trong nhà trường hiện nay, tâm lý “bớt chút gì hay chút đó” của học sinh cũng là dễ hiểu. Nhiều học sinh tâm sự: “Học xong là quên hết ấy mà.” Lề lối học thuộc lòng, học vẹt, học để thi đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý, Văn học. Điều này rất có hại.

Khổng Tử nói: “Học mà không suy nghĩ thì mờ tối (không hiểu được gì, quá tin sách), suy nghĩ mà không học thì nguy hại (hao tâm lực)”. Lại cũng nói: “Trầm mặc suy nghĩ rồi ghi vào lòng, học không chán, dạy người không mỏi, ngoài ra ta có cái gì khác đâu?” – Luận Ngữ. Thật khó mà tìm ra được chút thời gian cho học sinh “trầm mặc suy nghĩ” với thời khóa biểu dày đặc hiện nay.

“Trầm mặc suy nghĩ rồi ghi vào lòng, học không chán, dạy người không mỏi, ngoài ra ta có cái gì khác đâu?” (Ảnh: tinhhoa.net)

“Trầm mặc suy nghĩ rồi ghi vào lòng, học không chán, dạy người không mỏi, ngoài ra ta có cái gì khác đâu?” (Ảnh: Internet)

Đức hạnh của người Thầy

Để giáo dưỡng học trò trở thành người hiền đức, trước tiên người thầy cũng phải là bậc hiền đức. Sinh viên tốt nghiệp trường Sư phạm, đã đủ để trở thành bậc hiền đức hay chưa?

Hiền đức hay không không phải ghi trong tấm bằng Đại học, cũng chẳng ở chỗ có danh hiệu “nhà giáo ưu tú,” “giáo viên giỏi” hay không. Đức hạnh của vị Thầy thể hiện từ những điều nhỏ bé, bình dị nhất. Sử ký Tư Mã Thiên có chép về Khổng Phu Tử như sau:

“Lúc ở tôn miếu, triều đình nói với các quan thượng đại phu thì nghiêm trang, nói với các quan dưới thì hòa nhã. Đi vào cửa công thì lom khom rảo bước, hai tay dang ra như hai cánh. Khi nhà vua gọi đến để tiếp khách thì sắc mặt thay đổi, khi nhà vua mời thì đi không đợi thắng xe. Cá ươn, thịt hôi, hay không cắt ngay ngắn thì không ăn, chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi. Khi bên cạnh có người có tang thì không bao giờ ăn no. Ngày nào khóc thì không ca hát, thấy người để tang hay người mù thì tuy đó là trẻ em cũng tỏ ra kính trọng”.

Tạm kết

Di sản mà Vạn thế sư biểu Khổng Phu Tử để lại cho hậu thế như suối nguồn không bao giờ vơi cạn, càng khơi lại càng nhiều, càng sâu lại càng trong. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ đưa ra vài câu chữ lượm lặt từ kinh điển, chẳng dám ngoa ngôn rằng đã làm rõ cái Đức sáng muôn đời của Thánh nhân. Trong khi nền giáo dục nước nhà lâm vào chỗ bế tắc, tìm quanh nào châu Mỹ châu Âu, thì tinh hoa trác việt của Thánh Hiền phương Đông lại bị lãng quên, thậm chí ngầm phê phán trong cái gọi là “bài trừ tàn dư phong kiến”.

Trong lịch sử Việt Nam, thầy giáo Chu Văn An (1292–1370) nổi tiếng là học vấn tinh thông, tính tình lại cương trực, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, là người có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào nước ta. Ông từng dâng sớ lên vua Dụ Tông, xin chém bảy tên nịnh thần (“Thất trảm sớ”) nhưng vua không nghe, liền treo mũ về quê dạy học. Chuyện kể rằng, học trò của Chu Văn An là Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt làm quan to trong triều, đi về thăm thầy. Dọc đường qua khu chợ đang họp, ông ra uy để lính thét dân chúng phải dẹp đường. Chu Văn An biết chuyện, giận Sư Mạnh làm quan mà hóng hách với dân, trái lời thầy dạy, nên không cho gặp. Thế là Phạm Sư Mạnh, dầu đã là đại quan triều đình, vẫn phải quỳ gối cả buổi trước cửa nhà thầy để xin tha lỗi. Từ đó về sau, ông hành xử khiêm nhường không dám ngang tàng hống hách nữa.

Nếu như cả thầy lẫn trò đều đặt tu dưỡng đạo đức lên hàng đầu, làm nền tảng cho kiến thức khoa học và kỹ thuật, nền giáo dục nước ta chắc chắn sẽ rực rỡ huy hoàng, xã hội cũng thái bình thịnh vượng. Giá như mỗi người trong chúng ta có thể tạm dừng những tư duy hối hả của thời đại kim tiền, lắng nghe lời dạy muôn đời của Thánh nhân…

“Những người không lo trau dồi đạo đức, lúc học không bàn bạc, nghe điều nghĩa không hướng về điều nghĩa, nghe điều không hay không biết sửa đổi thì đó là điều ta lo”.

“Ta không phải là người sinh ra đã biết tất cả, mà do hâm mộ đạo nghĩa đời xưa, nên cần mẫn học tập mà có được tri thức như hiện nay. Về tri thức văn hóa thì ta cũng chỉ bằng người khác. Nếu nói về làm một người quân tử tu thân hành đạo trong thực tiễn thì ta vẫn chưa làm được bao nhiêu. Nếu khoác cho ta hai chữ thánh nhân ta đâu dám nhận. Nhưng thực hiện theo công việc của bậc thánh và bậc nhân thì ta từ trước đến nay chưa biết chán, dạy học trò chưa bao giờ biết mệt mỏi, chỉ có vậy thôi”.

Theo daikynguyenvn.com

Ad will display in 09 seconds

Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

Ad will display in 09 seconds

Cao tăng Myanmar tiết lộ bí mật người ngoài hành tinh đến Trái Đất

Ad will display in 09 seconds

Huyền bí xá lợi Phật

Ad will display in 09 seconds

Chiếc móc câu tử thần

Ad will display in 09 seconds

Con người ngày nay có thể tu luyện không?

Ad will display in 09 seconds

Tố chất của người có giáo dưỡng

Ad will display in 09 seconds

Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

Ad will display in 09 seconds

Tam cương và nỗi oan của Nho giáo

Ad will display in 09 seconds

Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

Ad will display in 09 seconds

Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

  • Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

    Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

  • Cao tăng Myanmar tiết lộ bí mật người ngoài hành tinh đến Trái Đất

    Cao tăng Myanmar tiết lộ bí mật người ngoài hành tinh đến Trái Đất

  • Huyền bí xá lợi Phật

    Huyền bí xá lợi Phật

  • Chiếc móc câu tử thần

    Chiếc móc câu tử thần

  • Con người ngày nay có thể tu luyện không?

    Con người ngày nay có thể tu luyện không?

  • Tố chất của người có giáo dưỡng

    Tố chất của người có giáo dưỡng

  • Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

    Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

  • Tam cương và nỗi oan của Nho giáo

    Tam cương và nỗi oan của Nho giáo

  • Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

    Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

  • Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

    Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc