Trump bày tỏ ủng hộ Hồng Kông, cảnh cáo Bắc Kinh ngay tại Liên Hợp Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 24/9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã phát biểu, bày tỏ sự ủng hộ tự do ở Hồng Kông, cũng cảnh cáo Trung Quốc phải tôn trọng dân chủ ở Hồng Kông, trao cho Hồng Kông quyền bán tự trị.
Phiên tranh luận chung kỳ họp thứ 74 của hội nghị Liên Hợp Quốc được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York từ ngày 24 đến ngày 30/9. Vào ngày 23/9, ông Trump đã chủ trì hội nghị có tính lịch sử “Kêu gọi toàn cầu bảo vệ tự do tôn giáo” tại Liên Hợp Quốc.
Tại đây, ông Trump đã thúc giục xã hội quốc tế áp dụng những biện pháp cụ thể, đảm bảo cho người dân không bị công kích chỉ vì có tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Các lãnh tụ tôn giáo và những người khởi xướng tự do tôn giáo đã được mời tham dự.
Ngày 24/9, ông Trump đã phát biểu tại Liên Hợp Quốc, bày tỏ sự lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung, cũng lên án hành vi có tính cướp đoạt của Trung Quốc.
“Trung Quốc không chỉ từ chối thực hiện các cải cách như đã cam kết, mà họ còn theo đuổi một mô hình kinh tế phụ thuộc vào rào cản thị trường, trợ cấp nhà nước, thao túng tiền tệ, bán phá giá, ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại trên quy mô lớn”, ông Trump phát biểu tại cuộc họp có sự tham gia của cả các đại biểu Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ khẳng định hai thập kỷ qua đã chứng minh sai lầm của giả thuyết rằng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 sẽ dẫn đến tự do hóa nền kinh tế, tăng cường bảo vệ sở hữu tư nhân và pháp quyền.
Ngoài ra ông thể hiện sự ủng hộ đối với tự do ở Hồng Kông, đồng thời cũng cảnh cáo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải tôn trọng quyền tự trị và dân chủ ở Hồng Kông. Trump đã nói rằng, chính phủ Hoa Kỳ đang nghiêm túc theo dõi cách Bắc Kinh xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông. Những cuộc biểu tình đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi Hồng Kông được bàn giao chủ quyền năm 1997 cho đến nay.
“Cả thế giới kỳ vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tôn trọng hiệp ước mang tính ràng buộc ký với Anh và với Liên Hợp Quốc, trong đó Bắc Kinh cam kết bảo vệ tự do, hệ thống pháp lý và đời sống dân chủ của Hồng Kông”, Trump nói.
Đây là lần thứ ba Trump có bài phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, kéo dài hơn 30 phút. Trump còn nói thêm: “Cách Trung Quốc xử lý vấn đề Hồng Kông sẽ quyết định rất nhiều tới vai trò của nước này với thế giới trong tương lai”.
Truyền thông nước ngoài cho biết, ông Trump lần này phát biểu tại Liên Hợp Quốc về vấn đề Hồng Kông, chính là một trong những lần phát biểu nghiêm khắc nhất của ông về cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông.
Đầu tháng 6, do chính phủ Hồng Kông thúc đẩy dự luật dẫn độ, dẫn đến bùng nổ phong trào phản đối, đến nay đã kéo dài hơn 3 tháng. Hơn nữa, chính phủ Hồng Kông lại chậm chạp trong việc đáp ứng 5 yêu cầu lớn của người biểu tình, khiến các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi và đã nâng tầm lên trở thành đòi quyền dân chủ và tự trị.
Vào giữa tháng 8/2019, cảnh sát Hồng Kông đã tiến hành trấn áp người biểu tình một cách tàn bạo, Hồng Kông đang ở trong một tình thế vô cùng nguy hiểm. Khi đó, Tổng thống Trump đã liên tục đăng Tweet nói, Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận thương mại, trước tiên hãy xử lý vấn đề ở Hồng Kông một cách nhân đạo. Ông bày tỏ, sẵn sàng cùng Tập Cận Bình gặp mặt để nói về vấn đề ở Hồng Kông.
Vì để giảm bớt nguy cơ cho chính phủ Hồng Kông, vào ngày 4/9, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên bố rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ, nhưng những người biểu tình không chấp nhận, họ cho rằng hành động này là “quá trễ, quá ít, quá giả tạo”, cho rằng đây là chiêu “lùi một bước tiến hai bước” của ĐCSTQ, lấy cớ để khởi động “luật khẩn cấp”. Người biểu tình đã nhắc lại: “5 yêu cầu lớn, không thể thiếu 1”.
Người biểu tình Hồng Kông có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế
Kể từ giữa tháng 9/2019, những người biểu tình ở Hồng Kông đã có tiếng nói mạnh mẽ trên chính trường quốc tế, khiến cho ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông vô phương chống đỡ.
Phát biểu tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhà lập pháp Hồng Kông Trần Thục Trang cho rằng chính phủ Hồng Kông đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân quyền, cho đến nay vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy cảnh sát Hồng Kông sẽ kiềm chế lại. Có một nữ biểu tình đã bị lục soát trong tình trạng khỏa thân một cách hết sức vô lý và xúc phạm, nhiều vụ án có tính xâm hại cá nhân nhưng chưa được phơi bày.
Ca sĩ Hà Vận Thi người Hồng Kông đã nói trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, rằng cảnh sát đã lạm dụng bắt bớ và bạo lực: “Hồng Kông ngày nay, thanh niên đều trở thành ‘tội phạm’, Hồng Kông đã chính thức trở thành thành phố cảnh sát”.
Lãnh đạo sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong và Trương Côn Dương, đã đại diện cho lớp trẻ Hồng Kông phát biểu tại quốc hội Hoa Kỳ. Hoàng Chi Phong cho hay, đối với cuộc vận động không người lãnh đạo như hiện nay, những hi sinh của anh là rất nhỏ nhặt, người trẻ tuổi nhất trong số 1.400 người bị bắt chỉ mới 12 tuổi. “Tôi không biết họ, nhưng nỗi đau của họ chính là nỗi đau của tôi”, Hoàng Chi Phong nói.
Trương Côn Dương cho rằng, sinh viên và người dân Hồng Kông sẵn sàng hi sinh vì Hồng Kông và “Có vài người đã làm như vậy”.
Bà Trần Phương An Sinh (Chan Fang On Sang), cựu Cục trưởng chính trị Hồng Kông, trong lúc phỏng vấn với BBC đã nói, cho dù bà phản đối bạo lực, nhưng cảnh sát đàn áp người biểu tình ngày càng tàn bạo, mà trong lý niệm của những người biểu tình, họ chỉ muốn bảo vệ quyền lợi và tự do của mình như đã viết ở trong “Tuyên bố chung Trung – Anh” và “Luật cơ bản”.
Bà cho rằng, muốn dẹp yên được cơn phẫn nộ của người dân Hồng Kông không khó, chỉ là chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh phải lắng nghe tiếng nói của người dân Hồng Kông, như thế mới có thể giải quyết được tình thế trước mắt, mới có thể chấm dứt được bạo lực.
Tờ báo Apple Daily đã đăng một bài bình luận của Lý Di (Li Yi), nói rằng biểu hiện của thế hệ thứ 3 ở Hồng Kông đã chứng tỏ rằng quan niệm giá trị của người Hồng Kông và phương Tây là rất gần nhau.
Trong những người Trung Quốc, thật khó mà tìm được một người thuộc thế hệ thứ 3 có thể đĩnh đạc mà nói chuyện trên chính trường quốc tế như thế, càng không có một nhân vật chính trị nào có thể ứng phó một cách tự nhiên với những chất vấn của phóng viên nước ngoài như vậy. Điều đó giải thích tại sao người Hồng Kông lại được quốc tế ủng hộ nhiều như thế.
Minh Huy (Theo NTDTV)