Tập Cận Bình tuyên bố “hiếm hoi” tại Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị
Trước tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lây lan nhanh, vào ngày 8/4, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và có tuyên bố hiếm hoi rằng, phải làm tốt công tác chuẩn bị để ứng phó với những thay đổi của môi trường bên ngoài.
Tuyên bố hiếm hoi của Tập Cận Bình: Hãy chuẩn bị sẵn sàng
Theo tin tức của phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc ngày 8/4, Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để phân tích tình hình phòng chống dịch bệnh và xu thế kinh tế trong và ngoài nước.
Tập Cận Bình nhấn mạnh, trước tình hình dịch bệnh quốc tế nghiêm trọng và phức tạp, đồng thời dựa theo xu thế kinh tế thế giới, cần phải kiện toàn công tác và chuẩn bị về tư tưởng nhằm ứng phó với những thay đổi của môi trường bên ngoài trong một thời gian dài.
Tuyên bố này của Tập Cận Bình là tương đối hiếm hoi. Theo các tin tức mà phương tiện truyền thông chính thống đăng tải từ ngày 1/3/2018 đến ngày 31/12/2019, đó là trong giai đoạn chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đang giằng co quyết liệt, quyết sách của Tập Cận Bình cũng như các quan chức cao cấp không có thái độ như trên.
Đường Tân Nguyên, một nhà bình luận của “Vision Times” tin rằng, từ thái độ của Tập Cận Bình có thể thấy, sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán trên thế giới đã khiến các nước nhận thức rõ hơn rằng, ĐCSTQ dựa vào “hình thái” virus để tồn tại, và là mối đe dọa đối với chính trị, kinh tế và văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau.
Khi dịch bệnh thuyên giảm, ĐCSTQ phải đối mặt với các vụ truy tố chung và các khoản yêu sách đòi bồi thường “kếch xù”, thậm chí là chiến tranh thuế quan, chiến tranh tiền tệ, những điều này sẽ khiến Trung Quốc trở tay không kịp.
Hiệp hội Luật sư Ấn Độ gần đây đã tố cáo chính phủ ĐCSTQ lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (United Nations Human Rights Council) yêu cầu ĐCSTQ chi trả 20 nghìn tỷ đô-la tiền bồi thường do che giấu dịch bệnh và gây ra đại dịch toàn cầu. Hiện tại, vụ việc đã được đệ trình lên Tòa án Liên bang Texas.
Viện chính sách hàng đầu của Anh – Henry Jackson Society, ngày 4/4 cũng công bố một báo cáo đòi 3,2 nghìn tỷ đô-la Mỹ từ chính phủ Trung Quốc.
Cơ quan tình báo Hoa Kỳ gần đây đã đệ trình một báo cáo lên Nhà Trắng, cáo buộc ĐCSTQ cố tình che giấu dịch bệnh.
John Yoo, giáo sư Luật học người Mỹ gốc Hàn tại Đại học California, Berkeley đã viết trên National Review rằng, cộng đồng quốc tế hiện đã “nhìn thấu” hành vi xấu xa, cố tình che đậy dịch bệnh và khiến dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát của ĐCSTQ.
Bài viết lấy ví dụ rằng, Hoa Kỳ có thể chấm dứt hợp tác thương mại với chính phủ Trung Quốc và tịch thu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, cũng có thể thông qua pháp luật để thu hồi tài sản trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của chính phủ Trung Quốc tại các quốc gia trên thế giới, đồng thời yêu cầu chính phủ Trung Quốc bồi thường tổn thất cho các nước bằng cách miễn giảm nợ.
Phát biểu của Tập Cận Bình về kinh tế cũng thu hút sự chú ý
Ủy ban Thường vụ của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 8/4 còn đề cập rằng, việc trở quay làm việc, tái phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế xã hội đang đối mặt với những khó khăn và thách thức mới.
Tập Cận Bình nói: “Phải sát sao giải quyết những khó khăn và vấn đề gặp phải khi quay lại làm việc, tái phục hồi sản xuất… để đảm bảo quyết thắng thực hiện được mục tiêu xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện và chống lại nghèo đói”.
Cơ quan phân tích chính trị và kinh tế độc lập Thiên Quân đã phân tích trong bài viết “Virus ĐCSTQ hung hãn, khủng hoảng kinh tế đã đến” rằng, dữ liệu vận hành kinh tế chính thức của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2 cho thấy các ngành tiêu dùng, xuất khẩu ngoại thương, bán lẻ và công nghiệp… đều tụt dốc “không phanh”, trong khi giá cả và tỷ lệ thất nghiệp lại tăng cao.
Các dữ liệu này được tính toán cũng bao gồm cả tháng 1 – giai đoạn không áp dụng các biện pháp cưỡng chế như đóng cửa thành phố, điều đó có nghĩa là sau khi dịch bệnh bùng phát, tình hình kinh tế trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, kết hợp với một số chỉ số công nghiệp có tần số cao từ tháng 3 đến nay, tăng trưởng GDP thực tế trong quý đầu tiên thấp hơn nhiều so với dữ liệu chính thức của Trung Quốc.
Video: Công nhân Trung Quốc ở một khu vực phía nam bị thất nghiệp, hầu hết cửa hàng đều đóng cửa
Cơ quan phân tích kinh tế chính trị Thiên Quân chỉ ra rằng, sự lây lan của dịch bệnh trên thế giới đã ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp. Sẽ mất 3-6 tháng để khởi động lại nền kinh tế trì trệ cho đến khi phục hồi lại bình thường. Nếu không thể ngăn chặn dịch bệnh một cách hiệu quả, sẽ mất một thời gian dài để khôi phục nền kinh tế và khủng hoảng kinh tế sẽ nổ ra.
Nhiều tổ chức nghiên cứu dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên sẽ rất thấp, và thậm chí một số tổ chức dự đoán rằng có thể tăng trưởng bằng không hoặc tăng trưởng âm.
Ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs đã công bố một báo cáo, dự báo tăng trưởng kinh tế quý I của Trung Quốc giảm xuống -9% so với mức 2,5% trước đó, và tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ giảm từ 5,5% xuống 3%.
Trâu Cường, nhà phân tích trái phiếu vĩ mô hàng đầu của quỹ Prudential Everbright cho rằng, hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế hiện tại rõ ràng là thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ -12% đến -5%.
Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang phải “đón nhận” làn sóng thách thức thứ hai khi nhu cầu ở nước ngoài giảm và các đơn hàng bị hủy.
Năm 2020 là năm vô cùng quan trọng của ĐCSTQ với kế hoạch 5 năm lần thứ 13, năm quyết thắng để xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện và là năm then chốt của chiến dịch ba năm “công kiên” (cuộc chiến thoát nghèo).
Nghiên cứu của cơ quan cố vấn chính sách của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vào tháng 12/2019 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2020 phải duy trì ở mức 6% để đạt được hai mục tiêu “tăng gấp đôi”, đó là năm 2020 đạt được chỉ số GDP và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010.
Vương Quân, thành viên của Ủy ban học thuật thuộc Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, chuyên gia kinh tế học hàng đầu của ngân hàng Trung Nguyên, tại “Diễn đàn Quốc sự” do các hãng Thông tấn chính phủ tổ chức ngày 17/1 năm nay cho hay, xem xét đến tình hình thực tế và sự cần thiết phải xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện, năm 2020 GDP của Trung Quốc phải đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6%.
Từ sự phân tích các nhà chính sách và học giả chính thống có thể thấy, không dễ để đạt được mục tiêu mà Tập Cận Bình đã đề ra.
Gia Hưng (Theo Secretchina)