Chính quyền Trung Quốc kiểm soát dư luận về tình hình dịch bệnh Vũ Hán
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng một cách nhanh chóng, chính quyền Trung Quốc cũng theo đó mà gia tăng khống chế dư luận, “vì lời nói mà có thể bị bắt”, và đã kiểm soát đến cả giới y bác sỹ. Thêm vào đó, một số bài đăng của cư dân mạng về dịch bệnh bị buộc tội “tung tin đồn”, và bị giam giữ hành chính.
Nhân viên y tế bị gây áp lực
Vào ngày 27/1, tại bệnh viện nhân dân số 2 Thái Châu, thành phố Thái Châu của tỉnh Giang Tô, một y tá khoa cấp cứu đã nhận được thông báo khiển trách. Trong thông báo nói rằng, vào ngày 26/1, y tá Lý Mẫn trong khi trò chuyện với bạn học trên Weixin (ứng dụng nhắn tin trực tuyến của Trung Quốc), đã bàn luận về tin tức ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh mà không được cho phép, và bản ghi cuộc trò chuyện đã bị gửi lên cộng đồng Wechat, gây ra những ảnh hưởng không tốt. Quyết định đã được gửi đến toàn bộ bệnh viện của cô y tá để xử lý và khiển trách.
Bản thông báo yêu cầu tất cả các y bác sỹ “không được tự ý tiếp nhận phỏng vấn của các kênh truyền thông về tình hình dịch bệnh, không được đưa ra những thông tin nhạy cảm trên các nhóm trò chuyện của gia đình, bạn bè trên Weixin”.
Trước đó, “北青深一度” đăng một bài báo với tiêu đề: “Bác sỹ Vũ Hán nhận kỷ luật: 11 ngày sau bị nhiễm bệnh, nằm tại phòng cách ly”. Bài viết này đã bị gỡ xuống không lâu sau đó.
Trong bài báo có viết, vào cuối tháng 12 năm ngoái, một bác sỹ Vũ Hán tiết lộ một tin với sinh viên của mình rằng, tại chợ hải sản Hoa Nam đã phát hiện 7 trường hợp bị bệnh SARS, đang được cách ly tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Hai ngày sau khi gửi tin nhắn, anh nhận được yêu cầu viết một bản kiểm điểm vì đã “đưa ra thông tin không đúng sự thật” từ phòng giám sát của bệnh viện. Chiều ngày 3/1, anh bị triệu tập đến phòng cảnh sát địa phương để ký giấy kỷ luật. Đồng thời nhận được cảnh cáo “dừng mọi hành vi phạm pháp tại đây”, bệnh viện cũng yêu cầu vị bác sỹ không được truyền những tin tức như thế ra ngoài.
Tin tức được đưa ra 11 ngày sau, vị bác sỹ xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, bị nghi ngờ là nhiễm viêm phổi Vũ Hán, nhưng vì lúc đó chưa có xét nghiệm ADN, nên không cách nào chẩn đoán được chính xác căn bệnh.
Bệnh tình tiến triển càng ngày càng nặng, đến ngày 24/1 anh được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt. Bố mẹ vào chăm sóc anh không lâu sau đó cũng xuất hiện tình trạng sốt, nôn, nghi ngờ cũng bị nhiễm bệnh, hiện tại cả hai đều đang nằm tại bệnh viện kiểm tra và điều trị.
Để che giấu sự thật về tình hình dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc vào ngày 26/1 đã bắt đầu thiết lập vòng kiểm soát tin tức mới. Vào ngày 25/1, trung tâm an toàn Wechat công bố “Thông cáo về việc xử lý chuyên án liên quan tới tin đồn viêm phổi Vũ Hán từ virus corona mới”. Thông cáo nói rằng những người công bố “thông tin giả” sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm, bị giam giữ hoặc quản thúc. Những người gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm.
Tuy nhiên, ngay sau khi chính quyền đưa ra thông cáo, một cư dân mạng đăng tải một đoạn video về một y tá cảnh báo người dân.
“Vì chính quyền đảng Cộng sản che giấu sự thật, khiến cho tình hình bệnh dịch tiếp tục xấu đi. Không ít y tá bác sỹ tiết lộ sự thật khủng khiếp của bệnh dịch với thế giới bên ngoài, nhắc nhở người dân không nên tin vào những tin tức của chính quyền, và chú ý đề phòng bệnh dịch. Hiện tại, tiếp nối sau y tá trưởng của bệnh viện, một y tá cũng đã quay video gửi lời cảnh báo đến toàn thể người dân Đại lục”.
Nhiều cư dân mạng bị bắt giữ
Văn phòng công an thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô hôm 28/1 cho biết vào sáng ngày 27/1, cư dân mạng “Gangzi” (tên thật là Han, nam, 29 tuổi) đã đăng tải một báo cáo “không phù hợp” về tình hình dịch bệnh trên WeChat và anh Han bị giam giữ 7 ngày vì tội đăng tin đồn kích động tâm lý người dân. Tuy nhiên, công an Từ Châu không nói rõ anh Han đã đăng tải nội dung gì trên Wechat.
Thepaper.cn dẫn thông tin từ cảnh sát Thượng Hải tuyên bố, vào ngày 23/1, cư dân mạng “Charles Xu” trên Wechat đã đưa ra những tin tức “giật gân sai lệch” về tình hình bệnh dịch, gây tâm lý khủng hoảng cho cộng động. Ngày 29/1, Xu (nam, 42 tuổi, nhân viên ngân hàng) đã bị bắt giam hành chính 5 ngày.
Ngày 27/1, Văn phòng công an huyện Mã Biên, thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, báo cáo rằng một người đàn ông địa phương đã bị giam giữ trong 9 ngày vì phát tán tin đồn.
Ngày 24/1, Weibo chính thức của Văn phòng công an huyện Trường Sa, tỉnh Hồ Nam tuyên bố rằng một người tên là Chu đã bị giam giữ hành chính vì tung tin đồn rằng tại tiểu khu 3614, đường Tuyền Đường, huyện Trường Sa có 4 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona, nhưng thực tế chỉ có một người. Nhưng sau đó công ty quản lý nhà đất của tiểu khu này đã công bố chính xác rằng khu này có 4 trường hợp được xác thực là nhiễm bệnh viêm phổi corona.
Cùng ngày hôm đó, cảnh sát Liuyang tại Hồ Nam báo cáo rằng vào chiều ngày 23/1, một người tên là Li đã đăng một tin đồn trong một nhóm WeChat rằng hai người trong khu dân cư Hối Phong, thị trấn Đại Dao được chẩn đoán bị nhiễm virus corona và được gửi đến Trường Sa để điều trị, ngay sau đó Li bị giam giữ hành chính.
Không hề giải quyết vấn đề, mà chỉ đưa ra người sẽ giải quyết vấn đề
Bà Li, một nhà hoạt động Internet, vào ngày 29/1, nói với Đài Á châu Tự do, trong suốt một thời gian dài, chính quyền “không hề giải quyết vấn đề, mà chỉ đưa ra người sẽ giải quyết vấn đề, hơn nữa khi người ta đưa ra tin tức sự thật, họ lại lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của họ (chính phủ), ảnh hưởng đến chính sách ngu dân của họ, vì vậy họ không từ bất cứ thủ đoạn nào để bịt miệng bạn. Nói thật, viêm phổi lần này, vấn đề virus corona, người Hồ Bắc chỉ là vật hy sinh cho quyền lực của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán được báo cáo vào ngày 8/12, nhưng mãi cho đến 30/12, sau khi báo cáo nội bộ của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán về việc phát hiện bệnh nhân “mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” được lưu truyền trên mạng, thì đến ngày 31/12, chính quyền thành phố Vũ Hán mới thông báo về căn bệnh viêm phổi Vũ Hán. Sau đó, công an đăng bài trên trang mạng xã hội nói về việc triệu tập 8 người vì “loan tin sai lệch vô căn cứ trên Internet”.
Cựu chiến binh Hồng Kông Jishuoming nói với VOA, đã 17 năm kể từ đại dịch SARS cho đến dịch bệnh Vũ Hán lần này, chính quyền Trung Quốc vẫn sai lầm lặp lại sai lầm.
Ông nói: “Từ dịch SARS năm 2003 đến dịch Vũ Hán ngày nay, sau 17 năm, chúng tôi vẫn phải chịu nhận hậu quả từ việc che giấu thông tin. Sự lây lan là do xã hội không biết rõ tình hình, khiến người mang mầm bệnh tự do đi lại, mà dẫn đến hậu quả như vậy”.
Theo ĐKN