Sinh con nặng cân, lo nhiều hơn mừng
Nhiều người cho rằng sinh con bự chính là đứa trẻ chắc khỏe, nhưng thực tế với các bà mẹ ăn uống không lành mạnh dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường, sinh con nặng cân thì điều đó khiến bé phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp chúng ta phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ điều trị bệnh, nâng cao chất lượng giống nòi, tuổi thọ.
Tuy nhiên, gần đây, tỷ lệ các bà mẹ sinh con nặng cân ngày càng tăng. Trong quá trình mang thai, các sản phụ thường tăng cân quá mức. Nhiều người tăng tới 19-20 kg, trong khi chỉ cần tăng từ 10-12 kg. Thai phụ ăn uống không lành mạnh, sẽ bị rối loạn chuyển hóa đường, con sinh ra to và có nguy cơ béo phì, giảm chất lượng nòi giống.
Theo bác sĩ Diệp, béo phì dựa vào chỉ số BMI. Nếu bé sơ sinh nữ nặng trên 4,2 kg và nam trên 4,4 kg là vượt chuẩn và có nguy cơ béo phì. Trẻ sinh nặng dưới 2,5 kg là thấp, còn lại là bình thường. Tuy nhiên, chuẩn hơn là phải so với chiều cao.
ThS.BS Nguyễn Hữu Trung, Bộ môn Sản, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM cho biết, chỉ số BMI của phụ nữ trước mang thai cao trên 23, nguy cơ bị tiền sản giật cũng tăng lên gấp 7 lần so với những người có chỉ số BMI <23. Còn khi có thai, việc thai phụ lên cân quá nhiều cũng làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật và các rối loạn khác.
Những đứa trẻ bị thừa cân béo phì sẽ dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa dẫn đến không phát triển chiều cao, hạn chế về mặt cảm xúc, mặc cảm khi bị bạn chế giễu. Mặt khác, cơ thể trẻ quá nặng nề thường gặp các vấn đề như đau khớp, cơ, vận động mệt mỏi. Giảm vận động sẽ dẫn đến thấp còi, khi ngủ bị thiếu oxy não khiến trẻ chậm phát triển về trí tuệ.
“Người dân TP.HCM đang đối mặt với tình trạng thừa cân béo phì ở mọi lứa tuổi. Điều đó khiến tỷ lệ người mắc các bệnh đái tháo đường, ung thư, loãng xương, huyết áp đang gia tăng”, bác sĩ Diệp thông tin
Đặc biệt, đái tháo đường là vấn đề y tế nan giải và gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Bệnh biến chứng nặng sẽ dẫn đến thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não, mù lòa, loét bàn chân, cắt đoạn chi, suy thận và các biến chứng thần kinh khác. Chi phí để điều trị bệnh chiếm khoảng 3-6% ngân sách dành cho ngành y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới thống kê 40% bệnh nhân ung thư có liên quan đến chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Vì vậy, người dân cần có ý thức phòng bệnh sớm để bảo vệ sức khỏe và giảm gánh nặng cho ngành y tế.
BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao x chiều cao).
– Trọng lượng cơ thể: tính bằng kg.
– Chiều cao x chiều cao: tính bằng m.
Các chỉ số BMI cơ bản dùng để đánh giá trọng lượng cơ thể dành cho người châu Á như sau:
– Người gầy: < 18,5
– Bình thường: 18,5-22,9
– Thừa cân: 23
– Tiền béo phì: 23-24,9
– Béo phì độ I: 25-29,9
– Béo phì độ II: 30
– Béo phì độ III: 40
Theo zing.vn