Những lý do chai nhựa không được dùng để chứa bia
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của nhựa bởi đó là loại vật liệu rẻ, dễ tạo hình và có khả năng tái sử dụng. Nhưng đôi khi bạn tự hỏi tại sao không bao giờ thấy bia được đựng trong chai nhựa. Dưới đây là những lý do giúp bạn hiểu hơn về thứ thức uống phổ biến này.
Thực ra, ở một số quốc gia, bia vẫn được đóng trong chai nhựa, ví dụ như Anh. Tại nước này, chai bia bằng nhựa thường xuất hiện ở lễ hội hay sự kiện. Tại Olympic London 2012, Heineken đã sản xuất khoảng một triệu chai bia nhựa chỉ để dành riêng cho dịp này. Mục đích chính của số lượng lớn chai bia nhựa này là sự an toàn. Ở những sự kiện với hàng nghìn người từ các nền văn hóa khác nhau tham dự, thì hơi men cùng với những cuộc thi đấu có thể trở nên nguy hiểm cùng những mảnh thủy tinh.
Nhưng sử dụng chai nhựa vẫn rất hạn chế trong ngành công nghiệp bia. Một lý do thích đáng nhất có lẽ là nhựa làm ảnh hưởng đến mùi vị của bia. Nhựa là loại chất liệu xốp hơn thủy tinh, nên dễ khiến bia “nhạt” và dễ bay hơi hơn.
Một ưu điểm khác của thủy tinh là nó gần như không ảnh hưởng đến mùi vị bởi sự trơ về mặt hóa học (không gây ra phản ứng hóa học với chất đựng bên trong). Ngược lại, nhựa chứa rất nhiều hóa chất có thể hòa tan vào bia, làm ảnh hưởng đến mùi vị, thậm chí chất lượng của đồ uống.
Ví dụ, loại nhựa thường được dùng để chứa đồ uống có cồn loại nhẹ là Polyethylene Terephthalate (PET), sẽ khiến nguyên tố độc hại có tên Antimon (ký hiệu là Sb) hòa vào đồ uống. Khi được bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc thấp hơn, lượng antimon thôi nhiễm từ những chai nhựa này là không đáng kể. Nhưng nồng độ antimon sẽ tăng tỷ lệ thuận với nhiệt độ, do đó nếu được cất trong kho qua một vài tháng hè, lượng antimon trong đồ uống có thể tăng đến mức có hại cho sức khỏe – theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ.
Xét về vật liệu nhôm, cũng giống như thủy tinh, đây là một vật liệu chống thấm hoàn toàn thích hợp cho cất trữ bia. Nhưng không giống như nhựa, mặt trong của lon nhôm được tráng một lớp polyme đặc biệt có tác dụng ngăn nhôm rò rỉ vào đồ uống, do đó chúng an toàn hơn rất nhiều. Thêm nữa, nhôm hoàn toàn có tính chắn sáng, bảo quản thức uống tốt hơn những loại chai đựng khác.
Thực tế, các loại chai thủy tinh màu cũng đã được dùng để trữ bia vì chúng có thể ngăn được ánh sáng. Nhưng rất khó để làm điều tương tự với nhựa, vì những hóa chất thêm vào nhằm giảm thiểu tác hại của ánh sáng khiến vật liệu này khó tái chế hơn các loại nhựa thông thường.
Một vấn đề khác của chai nhựa là chúng không thể chịu được quá trình khử trùng trong quy trình sản xuất bia. Sau khi được ủ và đóng chai, bia thường được đưa qua thiết bị phun nước sôi để diệt khuẩn nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng thời hạn sử dụng. Như vậy, chai thủy tinh hay lon nhôm có thể dễ dàng chịu được nhiệt trong quá trình này, còn nhựa thì không. Điều đó có nghĩa là nếu dùng chai nhựa thì một là bỏ qua công đoạn khử trùng, hai là chọn một loại nhựa bền hơn với chi phí cao hơn.
Vẫn có những nhà sản xuất tìm tòi và thử nghiệm để cho ra đời chai bia nhựa. Nhưng ít nhất trong tương lai gần, chai thủy tinh và lon nhôm vẫn sẽ thống trị ngành sản xuất bia trên toàn thế giới.
Theo khoahoc.com.vn