Những bí ẩn về lịch sử loài người khoa học vẫn chưa thể lý giải (P1)
Hàng năm, các nhà khảo cổ học và sử học vẫn luôn tìm thấy những khám phá bí ẩn không thể giải thích về câu chuyện lịch sử loài người. Dưới đây là những ví dụ khiến người ta phải đặt câu hỏi, phải chăng các nền văn minh nhân loại từng xuất hiện sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta từng biết?
1. Những người ngoại quốc ở Trung Quốc cổ đại
Trong các cuộc khai quật năm 1933 tại di chỉ Chu Khẩu Điếm, một hệ thống hang động gần Bắc Kinh, Trung Quốc, TS. F Weidenreich đã phát hiện một số bộ xương và hộp sọ. Một hộp sọ thuộc về người đàn ông châu Âu cổ đại, một cái khác của người phụ nữ trẻ với cái đầu hẹp điển hình của người Melanesian (thổ dân Úc). Và hộp sọ thứ 3 được xác nhận thuộc về một phụ nữ có những đặc điểm đặc trưng của người Inuit, tộc người thường sinh sống ở khu vực lạnh giá nhất của nước Nga. Niên đại của chúng được ước tính vào khoảng 30.000 năm tuổi.
Một người đàn ông châu Âu, một cô gái vùng nhiệt đới và một người khác đến từ Bắc Cực cùng được phát hiện trên 1 sườn đồi ở Trung Quốc. Thế nhưng, bằng cách nào mà họ đến được Trung Quốc từ khoảng 30.000 năm trước? Câu hỏi này đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
2. Các hộp sọ Jericho
Các hộp sọ Jericho nổi tiếng này được lấp đầy bằng đất sét và vỏ sò, nó mô tả những khuôn mặt giống người Ai Cập cổ. Chúng có niên đại khoảng năm 6500 TCN, thời điểm cách khoảng 1.500 năm trước khi nền văn minh Ai Cập xuất hiện.
Khám phá này đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu những xác ướp trên của họ có phải là kết quả của việc mong muốn trở nên bất tử của người xưa? Nếu có, thì đây có lẽ là bằng chứng cho sự tồn tại của 1 hình thức tín ngưỡng vào giai đoạn rất sớm. Những tư duy trừu tượng không thể xuất hiện trong tâm trí con người chỉ sau 1 đêm, mà cần trải qua cả 1 quá trình lâu dài. Vậy những người Jericho đã nhận thức được cuộc sống vĩnh hằng từ đâu?
3. Dấu giày 15 triệu năm tuổi?
Trong hẻm núi Fisher ở Nevada, Mỹ một dấu giày đã được phát hiện trên 1 vỉa than đá. Tuổi của dấu giày này được ước tính là hơn 200 triệu năm. Theo các quan điểm phổ biến hiện nay, người nguyên thủy mới xuất hiện cách đây khoảng 1,8 triệu năm và họ bắt đầu biết mang giày cách đây 25.000 năm. Vậy dấu chân kia là của ai?
TS. Chow Ming Chen cũng có một phát hiện tương tự trên sa mạc Gobi vào năm 1959. Đó là một dấu giày hoàn hảo trên bề mặt đá sa thạch và cũng được ước tính có niên đại hàng triệu năm tuổi. Đoàn thám hiểm cũng không thể nào giải thích được khám phá này.
4. Bức tranh “Quý bà da trắng” trên vách núi Brandberg ở Namibia
Núi Brandberg là một trong số ít nơi ở Nambia có bộ sưu tập hơn 1.000 bức tranh trên hang đá. Những bức tranh cho thấy cảnh săn bắn, nghi lễ tôn giáo, nhảy múa của người cổ xưa. Hầu hết các bức tranh ít nhất đã 2.000 năm tuổi.
Trong đó có bức tranh “Quý bà da trắng” nổi tiếng. Trong tranh có nhiều nhân vật, ở giữa là hình người phụ nữ mang cung tên và đeo nhiều đồ trang sức. Không ai biết người phụ nữ đó là ai và vì sao có bức tranh này nên người ta đã đặt ra nhiều giả thuyết khác nhau để giải thích về bức tranh.
Ví dụ, bức tranh mô tả một pháp sư đã vẽ bức tranh màu trắng trong khi thực hiện nghi lễ nhảy múa. Cũng có giả thuyết cho rằng trong tranh là những người Phoenicia.
Giả thuyết có vẻ hiện đại hơn cho rằng bức tranh vẽ một du khách người Địa Trung Hải đến đây vào thế kỷ 15, trước người Bồ Đào Nha. Thay vì vẽ người phụ nữ bằng màu trắng thì người xưa dùng tông màu da hồng tự nhiên.
Tuy nhiên, mọi giả thuyết đều chưa giải thích thỏa đáng, bức tranh “Quý bà da trắng” vẫn là điều bí ẩn.
5. Những tảng cự thạch lạ lùng ở cao nguyên Marcahuasi
Việc khám phá ra các tác phẩm điêu khắc cự đại ở Marcahuasi của TS. Daniel Ruzo năm 1952 được xem là một sự kiện trọng đại. Cao nguyên Marcahuasi cách thủ đô Lima của Peru 80 km về phía Đông Bắc ở độ cao 4.000 m, nơi giá buốt khô cằn và hầu như không có gì sống được giữa những tảng đá khổng lồ.
Đứng ở trung tâm của những khối đá, Ruzo nhận ra được những khuôn mặt của người và động vật được khắc trên đá. Đó là khuôn mặt của người da trắng, da đen, người Do Thái hay các động vật như sư tử, bò, voi, lạc đà… tất cả đều là những động vật không bao giờ sống tại châu Mỹ. Trong những tác phẩm điêu khắc này còn có cả ngựa, điều này đã làm dấy lên 1 thắc mắc. Đó là ngựa đã bị tuyệt chủng ở châu Mỹ từ khoảng 9.000 năm trước, và chúng chỉ mới được người Tây Ban Nha mang trở lại vào thế kỷ 16, điều này càng làm cho người ta hoài nghi về nguồn gốc của các công trình trên.
Các tác giả điêu khắc bí ẩn của những tượng đài khổng lồ này đã có nhận thức khá tốt về góc nhìn quang học. Một số hình ảnh chỉ có thể được nhìn thấy vào buổi trưa, vào những thời điểm khác, chúng biến mất khi hướng chiếu Mặt trời thay đổi. Việc tìm hiểu những khối đá miêu tả các sinh vật chưa từng sống ở Nam Mỹ, hoặc đã tuyệt chủng, hoặc những nhân chủng chưa từng đặt chân đến đây trong quá khứ vẫn đang là thách thức lớn đối với các nhà khoa học chính thống hiện nay.
6. Những cái đầu khổng lồ bằng đá của người Olmec
Các khối đá hình đầu người khổng lồ của người Olmec được tìm thấy ở La Venta, Tres Zpotes và các địa điểm khác ở Mexico cũng là những hiện vật ẩn chứa nhiều bí ẩn. Những cái đầu khổng lồ này được chạm khắc bằng đá đen bazan cao từ 1,5 – 3 m, nặng từ 5 – 40 tấn. Điều đàng chú ý là các mỏ đá bazan gần nhất cách khu vực này từ 50 đến 100 km.
Vậy làm thế nào những người cổ đại không có xe cộ hoặc động vật kéo có thể vận chuyển những khối đá khổng lồ băng qua các đầm lầy và rừng rậm để đến được địa điển trên? Hơn nữa, những khuôn mặt khổng lồ của La Venta và San Lorenzo được ước tính có niên đại vào năm 1200 TCN, đây lại là một bất ngờ khác cho các nhà sử học và nhà khoa học.
(Còn nữa)
Hoàng An biên dịch