Nếu đập Tam Hiệp sụp đổ, 6 tỉnh lớn của Trung Quốc sẽ thành bình địa
Đập Tam Hiệp chặn dòng Dương Tử (Trường Giang) đang ngày càng biến dạng, liệu có nguy cơ vỡ tung hay không? Điều này đã khiến dân cư vùng ven con đập lớn nhất Trung Quốc luôn luôn thấy bất an, mặc cho chính quyền đã nhiều lần chính thức bác bỏ “tin đồn” và trấn an dân chúng.
Hồi đầu tháng 7, ông Lãnh Sơn, một học giả kinh tế độc lập người Hoa, đã đăng tải bức ảnh biến dạng của đập Tam Hiệp ở Trung Quốc được ghép bởi các hình ảnh chụp từ Google Maps và bày tỏ lo lắng một khi con đập bị vỡ sẽ khiến một nửa Trung Quốc chìm trong nước. Bức ảnh này sau đó được các ‘chuyên gia’ chỉ ra là không chính xác do việc sai lệch khi ghép các hình ảnh chụp từ Google Maps.
Để trấn an dư luận, tờ Thông tin Bắc Kinh (The Beijing News) đã chia sẻ ý kiến chuyên gia, thừa nhận chuyện đập Tam Hiệp bị biến dạng, nhưng cho rằng đây là “vấn đề trạng thái co giãn”. Sau đó, tờ ThePaper cũng cho biết chuyện “đập Tam Hiệp biến dạng” là tin giả mạo. Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc dẫn ý kiến Công ty Tam Hiệp rằng, “con đập này vận hành đáng tin cậy và an toàn”; Công ty Tam Hiệp thanh minh “mặt nước đập di chuyển” chưa đến 3 centimet…
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời một kỹ sư của công trình Tam Hiệp cho biết, vấn đề về chất lượng của đập Tam Hiệp luôn hiện hữu, bao gồm các vết nứt và bê tông xây dựng không hợp tiêu chuẩn.
Nhà vật lý học hạt nhân và cũng là chủ tịch Mặt trận Dân chủ Trung Quốc sống ở Đức là Phí Lương Dũng hôm 11/10, trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Hy vọng (SOH) đã cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn thích đao to búa lớn nên đã cho xây nên Đập Tam Hiệp vĩ đại.
Tuy nhiên căn cứ theo tình hình thực tế mà nói thì con đập này gây hại nghiệm trọng đến khí hậu và hệ sinh thái dọc sông Dương Tử, đồng thời nó cùng là mầm họa cực lớn đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ông Phí cũng phân tích những tai họa ngập đầu mà người Trung Quốc phải gánh chịu một khi đập Tam Hiệp sụp đổ.
Giáo sư Lưu Sùng Hi, chuyên gia về kết cấu bê tông đập, cho biết tuổi thọ kinh tế của đập Tam Hiệp chỉ có 50 năm. Trong khi đó, kết luận từ báo cáo tính khả thi của dự án đập Tam Hiệp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada và Tập đoàn Quản lý Dự án Canada thực hiện, thì bi quan hơn, tuổi thọ kinh tế của đập Tam Hiệp chỉ 40 năm. Ngoài các vấn đề nội tại thì giải quyết việc tích tụ bùn cát trong khu vực hồ chứa cũng là một nan đề có thể dẹp tan mọi lời trấn an.
Trong buổi phỏng vấn, ông Phí Lương Dũng chỉ ra rằng, nguy cơ lớn nhất mà siêu đập Tam Hiệp phải đối mặt đó là nguy cơ vỡ đập. Một khi con đập này vỡ, thì vùng trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử sẽ gặp thảm họa.
Ông Phí Lương Dũng nhận định: “Cá nhân tôi cho rằng, nguy cơ lớn nhất của đập Tam Hiệp là nguy cơ vỡ đập. Nếu như con đập này sụp đổ, thì toàn bộ những vùng đất trù phú phì nhiêu nhất của chúng ta coi như kết thúc. Cho nên hiện tại, người ta đã nhìn thấy sự dịch chuyển của con đập, hơn nữa còn phát hiện có khe nứt lớn.
Tôi đã tính toán ngay từ đầu rằng, khi con đập này sụp đổ thì tốc độ nước chảy sẽ cực kỳ nhanh, có thể đạt tới 180 km/h, trực tiếp đổ dồn xuống hạ lưu, trong vòng 20 phút đã có thể đánh vỡ đập Cát Châu, trong vòng 2 giờ sẽ gây ngập lụt lớn ở Vũ Hán.
Tuy nhiên vì lượng nước quá lớn, nhiều địa phương sẽ bị nhấn chìm, trong đó các khu vực phát triển nhất hạ lưu sông Dương Tử như Vũ Hán, Cửu Giang, Nam Kinh, Thượng Hải đều chịu ảnh hưởng.
Trong khi đó, lực lượng quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là bộ đội dự bị thì khoảng 40% đã tập trung tại các khu vực này. Như vậy nếu như đập Tam Hiệp sụp đổ, thì chẳng phải toàn bộ kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng đều chịu tổn thất vô cùng nghiêm trọng. Vậy nên điều này khiến rất nhiều người cảm thấy lo lắng”.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng sống tại Đức từng nhận xét, tỷ lệ đại biểu tán thành dự án đập Tam Hiệp vừa đúng hơn 2/3, tương đồng với tỷ lệ đại biểu đảng viên trong Quốc hội Trung Quốc. Nếu ông Giang Trạch Dân không dùng hình thức kỷ luật Đảng để yêu cầu các đại biểu là Đảng viên phải ủng hộ những quyết sách của Trung ương Đảng, cứ để cho các đại biểu tự quyết định thì tỷ lệ ủng hộ có lẽ không thể quá bán.
Ông Vương Duy Lạc cho biết, vào năm 1996 nhà khoa học bê tông Trung Quốc Lưu Tôn Hy (Liuchong Xi) đã viết thư cho Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang), cho biết ông đã nghiên cứu chuyên sâu về tuổi thọ của đập bê tông trong và ngoài nước, quan điểm cho rằng tuổi thọ của đập Tam Hiệp là 500 năm hay 1000 năm là sai lầm; tuổi thọ của những con đập bê tông mà ông nghiên cứu ở Nhật Bản thường chỉ được 100 năm, còn tuổi thọ của các đập bê tông ở Trung Quốc chỉ là 50 năm. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc đã không nghe lời đề nghị của ông.
Theo ông Vương Duy Lạc, đập Tam Hiệp không phải như tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, chỉ từ khoảng 50 – 100 năm là sẽ phải phá bỏ con đập này.
Ông Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc cũng từng 3 lần gửi thư cho ông Giang Trạch Dân khuyên không nên xây dựng đập Tam Hiệp, vì xây dựng rồi sau này cũng phải phá bỏ. Ông chỉ ra tác hại của đập Tam Hiệp từ các khía cạnh địa chất, môi trường, sinh thái và quân sự.
Vào đầu giai đoạn dự tính thi công đập, ông Hoàng Vạn Lý đã dự đoán 12 loại hậu quả tai hại sẽ xảy ra sau khi hoàn thành đập Tam Hiệp:
- Ảnh hưởng bờ đê vùng hạ du sông Dương Tử;
- Cản trở vận tải đường thủy;
- Vấn đề di dân;
- Vấn đề bùn tích lũy;
- Suy giảm chất lượng nước;
- Không đủ công suất phát điện;
- Thời tiết bất thường;
- Những trận động đất thường xuyên;
- Tình trạng lây lan bệnh sán lá máu;
- Ảnh hưởng xấu cho sinh thái;
- Lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn;
- Cuối cùng là sức ép gây vỡ đập.
Vì nguyên nhân này mà ông không được mời tham gia dự án Tam Hiệp.
Ngay từ đầu năm 1991, giáo sư vật lý Trung Quốc là Tiền Vĩ Trường từng gửi công văn nêu rõ, nguy hại từ việc đập chứa nước Tam Hiệp bị vỡ là sẽ khiến cho 6 tỉnh hạ lưu sông Dương Tử trở thành đầm lầy, hàng trăm triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Ông cho rằng đập Tam Hiệp còn có thể trở thành mục tiêu tấn công của kẻ thù bên ngoài, với trình độ công nghệ đạn đạo hiện tại, đập Tam Hiệp không có khả năng chịu đựng sức công phá. Do đó, ông Tiền ngăn cản nhất quyết không được khởi công xây dựng đập Tam Hiệp, nếu không thì đây là một hành động ngu ngốc, chẳng khác nào thanh gươm Damocles.
Phí Lương Dũng cũng cho rằng, đập Tam Hiệp khổng lồ vốn không có tác dụng lớn trong việc chống lũ, năng lực phòng ngự, ngược lại còn phá hoại nghiêm trọng khí hậu và môi trường sinh thái.
Ông Phí nói trong băng ghi âm: “Sau khi đập Tam Hiệp được hoàn thành, nó đã có tác động rất lớn đến khí hậu dọc theo sông Dương Tử ở Trung Quốc, điều đầu tiên mà mọi người ai ai cũng thấy là hết lũ lụt rồi đến hạn hán, hiện tại ảnh hưởng nghiêm trọng tới cân bằng sinh thái, cái này nhiều tài liệu đã nói rồi.
Một tài liệu khác nói rất rõ ràng rằng, từ thượng lưu sông Dương Tử đến khu vực đập Tam Hiệp thường xuyên phát sinh các vụ sạt lở nghiêm trọng, đây là một hiện tượng hư hại địa chất vô cùng nghiêm trọng.
Chuyên gia thủy lợi, giáo sư đại học Thanh Hoa là Hoàng Vạn Lý cũng từng kịch liệt phản đối dự án đập Tam Hiệp. Ông cho rằng con đập này nhanh chóng sẽ bị bùn cát ứ đọng, tích tụ. Tuy nhiên, giáo sư Hoàng Vạn Lý đã bị chính quyền ĐCSTQ dán nhãn phần tử ‘cánh hữu’, buộc phải im miệng.
Lúc ấy, ĐCSTQ đang hợp tác chặt chẽ với Liên bang Xô Viết, mà các chuyên gia Liên Xô không biết một chút gì về lượng trầm tích của Hoàng Hà, không hề biết chút gì, nên bảo Trung Quốc cứ xây thì xây, thế là Trung Quốc vừa xây đập Tam Hiệp chưa bao lâu thì bùn cát đã tích tụ rồi.
Hiện tại, không chỉ đập Tam Hiện toàn diện hư hại, mà còn khiến nước sông chảy ngược, dẫn đến liên lụy cho vùng cao nguyên thượng lưu vốn rất trù phú và đông đúc, nay đã trở thành khu vực hoang phế. Ảnh hưởng của đập Tam Hiệp là vô cùng nghiêm trọng, vô cùng thê thảm và đau đớn, mà nếu con đập ấy sụp đổ thì chính là đại nạn cho dân tộc Trung Hoa”.
Năm đó, Giang Trạch Dân sau khi lên nắm quyền, đã không màng đến cảnh báo của các chuyên gia về những mối nguy tiềm ẩn của đập Tam Hiệp, đã hạ lệnh thi công công trình. Ông Phí Lương Dũng nói, quan chức ĐCSTQ thích đao to búa lớn nhưng lại thiếu hụt nhân cách, chính là nguyên nhân gây ra đại nạn cho người Trung Quốc.
“Những lãnh đạo Trung Quốc ở cao tầng kia, bọn họ chính là thích đao to búa lớn, chỉ vì cái kết quả trước mắt mà đưa đến rất nhiều thứ ‘loạn bát nháo’, ‘làm loạn’, ‘làm sai’, cuối cùng là gây họa rất lớn. Chính quyền Trung Quốc đã cho xây rất nhiều đập nước, sự kiện vỡ đập cũng nhiều vô kể, nhưng cơ quan truyền thông giấu nhẹm, tốt khoe xấu che”, ông Phí Lương Dũng bày tỏ.
Trước khi bắt đầu trữ nước Tam Hiệp vào năm 2003, đoàn kiểm tra công trình Tam Hiệp của Chính phủ đã phát hiện ra có hơn 80 vết nứt trên bề mặt đập, thông tin gây lo ngại trong cộng đồng.
Trước những lo ngại cảnh báo, ngày 16/9/2015, ông Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ký sắc lệnh về “Quy định về đảm bảo an ninh vùng thủy lợi trọng điểm đập Tam Hiệp”, theo đó kể từ 01/10/2013 Trung Quốc áp dụng biện pháp phòng thủ nhiều tầng (gồm cả hải quân, không quân và lục quân) tại công trình đập Tam Hiệp. Quân ủy Trung ương phê chuẩn Bộ Tổng Tham mưu triển khai một trung đoàn để bảo vệ an ninh đập Tam Hiệp, trong đó có 4 tổ tên lửa phòng không, một đại đội máy bay trực thăng lục quân, 8 tàu tuần tra, 24 trung đội phản ứng nhanh, toàn bộ binh lực gồm 4600 biên chế.
Ông La Xương Bình (Luo Changping) một người nổi tiếng trong ngành truyền thông Trung Quốc khi đó đã chia sẻ trên Weixin cá nhân rằng, các quy định về phòng thủ nhiều tầng lớp nghiêm mật đối với đập Tam Hiệp làm nổi bật lên mối nguy hiểm về an ninh từ dự án Tam Hiệp trên sông Dương Tử.
Khải Hoàn (Theo SOH)