Long Thọ Bồ Tát tìm Phật pháp dưới Long cung, lưu lại nhiều câu chuyện thần kỳ
Long Thọ là một trong những đại sư vĩ đại nhất của Phật giáo Đại thừa. Ông thực hành theo con đường Bồ Tát đạo, do vậy, nhiều sử gia gọi ông là Bồ Tát. Trong hành trình tu luyện của mình, Bồ Tát Long Thọ đã lưu lại rất nhiều câu chuyện thần kỳ.
Long Thọ thường được xem là tông chủ của nhiều tông phái thuộc truyền thống Đại thừa. Do vậy, thời gian ra đời và công cuộc hoằng pháp của ông có một số khác biệt khi được ghi lại trong các sử liệu của các tông phái. Sử liệu sớm nhất về Bồ Tát Long Thọ là tác phẩm “Long Thọ Bồ Tát truyện”.
Tác phẩm này được ngài Cưu-ma-la-thập dịch sang tiếng Trung Quốc vào năm 405. Bản dịch “Long Thọ Bồ Tát truyện” của Cưu-ma-la-thập không đề cập năm sinh của ngài Long Thọ. Nhưng theo các tài liệu được ghi chép lại, ông sinh ra vào khoảng thế kỷ II, thứ III SCN.
Long Thọ là dòng giống Bà La Môn ở phía Nam Ấn Độ. Truyền thuyết kể rằng cha ông họ Long, mẹ sinh ra ông dưới một gốc cây nên đặt tên ông là Long Thọ. Ông từ lúc nhỏ đã rất thông minh, nghe nhiều biết rộng, thiên văn, địa lý, đồ vĩ bí tàng đều thông hiểu, nổi tiếng ngay từ khi còn trẻ.
Lúc ấy, Long Thọ và ba người bạn của mình học được thuật ẩn thân, vì thế mà bọn họ thường nhập vương cung vào lúc đêm khuya để thưởng thức âm nhạc. Về sau, chuyện bị bại lộ, ba người bạn của Long Thọ đã bị quốc vương xử trảm, còn ông may mắn trốn thoát. Kể từ đó, Long Thọ thức tỉnh, quyết tâm quy y cửa Phật để tu hành.
Vân du tìm Phật pháp
Long Thọ tìm đến một tòa Phật tháp ở trên núi, thành tâm thỉnh cầu một vị Sa Môn cho mình được xuất gia thụ giới. Sau khi trải qua 90 ngày ở trong ngôi chùa, ông đã đọc qua tất cả Kinh luận. Đến khi không còn kinh sách nào để đọc nữa, Long Thọ từ biệt thầy xuống núi, sau đó đến dãy Tuyết Sơn (Himalaya).
Tại đây, ông theo học một vị tỳ kheo già và chuyên tâm nghiên cứu kinh điển đại thừa “Ma Ha Diễn”. Sau ba tháng, ông đã hiểu và thuộc kinh, nhưng vẫn cảm thấy chưa hài lòng, thế là ông tiếp tục đi chu du các nước, tìm kiếm thu thập các loại kinh luận.
Suốt đường đi, ông còn biện luận với các nhà Phật học, không ai có thể biện luận thắng ông. Dần dần Long Thọ nảy sinh tâm kiêu ngạo, có ý tưởng lập ra một phái khác, thu nhận rộng rãi đồ đệ, hoằng dương học thuyết của mình.
Đúng lúc này, một vị tỳ kheo có chòm râu dài và ánh mắt sáng tên gọi Đại Long tìm đến ông. Tỳ kheo Đại Long nói: “Này chàng trai trẻ, cậu không nên giữ sở kiến ếch ngồi đáy giếng đó, học thức cậu có cao nữa thì có thể vượt hơn Phật Đà được không? Cậu hãy theo ta đến một nơi, ta sẽ để cậu xem kinh điển đại thừa, rồi cậu hãy tự kết luận”.
Tỳ kheo Đại Long dẫn ông đến một hang đá trong núi sâu, chỉ bước vài bước vào động liền thấy một thế giới khác, chùa chiền vàng ngọc lấp lánh. Đây chính là cung điện của Hải Long Vương.
Đại Long trưởng lão dẫn ông vào Long cung, mở Tàng Kinh Các dưới đáy biển. Trong Bảo khố tỏa ra từng làn hương dịu, bên trong cất giữ các kinh điển quý hiếm nhiều không đếm xuể.
Lúc này Long Thọ cảm thấy rất vui mừng, ông hào hứng đọc ngày đọc đêm. Đại Long trưởng lão trao cho ông một pháp thuật thần bí, tầm mắt ông đột nhiên được mở rộng. Ông ở trong Long cung rất lâu, cuối cùng đã thể ngộ được giáo lý.
Sau khi Long Thọ được Đại Long trưởng lão truyền thụ cho một số thuật thần thông, Long Thọ liền trở về miền nam Ấn Độ. Từ đó ông dốc sức hoằng dương Phật Pháp, truyền bá rộng rãi Phật giáo đại thừa.
Khi Bồ Tát Long Thọ tại thế, những trước tác luận thuật của ông rất phong phú, thành tựu rực rỡ, được ca ngợi là “Thiên bộ luận vương” (vua của nghìn bộ luận). Ông là sư tổ của 8 tông phái đại thừa, trong đó có Tịnh độ, Luật tông, Mật tông, v.v…
Bồ Tát Long Thọ hiển thần thông
Những câu chuyện liên quan đến Long Thọ Bồ Tát chứng tỏ ông sở hữu rất nhiều thần thông. Có một lần ông đến thăm tòa tháp sắt Nam Thiên Trúc, từng lấy bảy hạt bạch giới tử mở tòa tháp, bước vào trong.
Khi ấy có một thượng sư Bà La Môn biết chú thuật, sinh lòng đố kỵ, muốn so tài cao thấp với Long Thọ. Ông ta đã mời quốc vương Tần Minh cùng đến quan sát trận so tài này.
Ngày thi tài, quốc vương và Long Thọ đến trước ngồi trên chính điện. Bà La Môn đến sau, ông ta thấy quốc vương tôn trọng Bồ Tát Long Thọ như vậy, trong lòng càng không vui, liền đứng trước điện làm phép.
Trước mặt lập tức hiện ra một hồ nước vàng rộng lớn, sóng nước lăn tăn, ở giữa vươn lên một nổi lên một đóa Thiên Diệp Liên Hoa. Bà La Môn ngồi trên đó, cao ngạo nói: “Long Thọ, ông xem ta ngồi trên bông sen cứ như thiên thần, mà ông ở dưới đất thấp kém nhỏ bé thật tức cười. Ông dám biện luận cùng ta không?”.
Long Thọ ung dung rời chỗ ngồi, dùng chú thuật hóa ra một con voi trắng sáu ngà khổng lồ, ông ngồi trên con voi và lượn vòng quanh hồ vàng một vòng; sau đó dùng vòi voi ấy nhấc Bà La Môn lên cao, ném xuống dưới đất.
Đóa liên hoa và voi trắng trong tức khắc biến mất, duy chỉ thấy Bà La Môn chân thì gãy, phủ phục dưới đất, dập đầu khẩn cầu từ đây nguyện ý quy y Phật giáo.
Trong “Đại Đường Tây Vực Ký”, Huyền Trang đại sư có ghi chép: Long Thọ lúc về già đã chế tạo ra một loại thuốc trường thọ, trải qua trăm năm cũng không suy lão, quốc vương cũng được trường thọ.
Thái tử đã ngoài 50 sốt ruột lắm, nói với mẫu thân rằng: “Như thế này thì đến năm nào con mới được kế thừa ngôi vị?”.
Mẫu hậu nói: “Phật giáo chủ trương hết thảy đều có thể bố thí, ngay cả sinh mệnh cũng có thể bố thí. Ngày nay mọi người tôn xưng Long Thọ là Bồ Tát, con hãy đến cầu ông ấy thí xả đi”.
Thái Tử đến trước mặt Bồ Tát Long Thọ, quỳ xuống cầu xin: “Bồ Tát Long Thọ, con bất hạnh mắc chứng bệnh, không có não người thì không thể chữa được. Nay thời thái bình thịnh thế, đến đâu để tìm kiếm đầu người đây, chỉ cầu xin Bồ Tát hãy bố thí”.
Bồ Tát Long Thọ biết mục đích Thái Tử đến, liền nói: “Ta có thể thỏa mãn yêu cầu của Thái Tử, nhưng phụ vương Thái Tử cũng sẽ không thể sống lâu được, Thái Tử phải chịu tội bất hiếu”.
Thái Tử chẳng nói năng gì, chỉ khấu đầu. Bồ Tát Long Thọ bèn thuận tay lấy một cọng cỏ khô, thổi một cái, hóa thành thanh kiếm sắc bén, rồi ngài lập tức tự vẫn. Quốc vương nghe được việc này, đau buồn khôn xiết. Lúc đó, vì không có người chế thuốc trường sinh, không lâu sau quốc vương cũng qua đời.
Nhật Hạ biên dịch