Lễ Vu Lan: Hải Phòng thả 30.000 hoa đăng ra biển để ‘bảo vệ môi trường’?
Theo truyền thống, cứ vào dịp rằm tháng 7 hằng năm, các nơi sẽ rầm rộ tổ chức mừng ngày lễ Vu Lan, một trong những ngày lễ lớn nhất của Phật giáo hiện đại mang theo ý nghĩa của sự báo hiếu.
Cũng như các nơi khác, đại lễ Vu lan và Đêm hội hoa đăng tại Cát Bà năm 2019 cũng được tổ chức vào tối 10/8 do Ban Trị sự Hội Phật giáo huyện Cát Hải tổ chức, và diễn ra tại khu vực cầu Cảng, thuộc đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng). Theo đó, sự kiện đã thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử cùng người dân và du khách nước ngoài đến dự. Chương trình gây ấn tượng với hơn 3 vạn đèn hoa đăng bằng nhựa được thả trôi xuống biển.
Tuy nhiên, sau khi buổi lễ kết thúc, hình ảnh hàng vạn bông hoa đăng thắp sáng lung linh lúc đầu lại đang trôi nổi lềnh bềnh trên biển, tạo nên một hình ảnh vô cùng nhếch nhác, bẩn thỉu.
Nhiều người cũng tỏ ra không hài lòng, cho rằng việc thả hoa đăng xuống biển là một biến tướng của Phật giáo hiện đại. Chưa kể thả hoa đăng nhựa xuống sông, xuống biển còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, bởi hoa đăng mà Cát Bà sử dụng làm bằng chất liệu “nhựa”, một chất không thể phân hủy và gây hại cho môi trường.
Thả đèn hoa đăng “nhựa” là để bảo vệ môi trường
Đứng trước những phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Ngày 25/8, hòa thượng Thích Tục Khang – ủy viên Ủy ban quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phó trưởng ban trị sự kiêm trưởng ban quốc tế Phật giáo thành phố Hải Phòng, trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Cát Hải, đã đứng ra giải thích rằng: Thông tin mà một số người nêu trên trang Facebook cá nhân chưa phản ánh hết quá trình diễn ra đại lễ Vu Lan vừa qua tại huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng.
Hòa thượng Thích Tục Khang cũng cho biết: “Việc thả hoa đăng trên biển là một phần quan trọng nối tiếp trong lễ hội Vu Lan báo hiếu vừa qua. Tại huyện đảo Cát Hải, khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi dịp lễ Vu Lan báo hiếu đều thả hoa đăng, song những năm trước ít hơn, chỉ khoảng 1 vạn đèn và đều được thu gom sau đó”.
Tiếp đó, chủ tịch UBND huyện Cát Hải là ông Phạm Quang Hiển, cũng lên tiếng giải thích: Việc lựa chọn hoa làm bằng nhựa vì không thể chọn hoa giấy như các nơi khác, bởi sóng to sẽ làm hoa đăng hư hỏng ngay khi thả xuống.
Ông cũng cho rằng địa phương đã tính toán rất kỹ lưỡng rồi. Sau khi hoa thả xuống thì hôm sau sẽ cử một đội đi thuyền ra giữa khu vực biển để vớt các hoa nhựa mang về xử lý và tái sử dụng cho năm tiếp. Đồng thời, ông cũng khẳng định việc làm này của đảo Cát Bà là đang bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Trung Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải cũng cho hay, toàn bộ số hoa đăng vớt được không đem đi chôn lấp mà sẽ thu gom đưa về nhà chùa để xử lý theo phương án khác.
“Số hoa đăng này đang được phơi khô ở nhà chùa để có phương án xử lý, có thể sẽ biến nó thành tiền bằng việc bán cho các cơ sở tái chế vì đó thực ra là những chiếc bát nhựa”, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải nói.
Liệu có thể 100% thu gom được tất cả hoa đăng “nhựa”?
Trước vấn đề này, một độc giả bình luận:
“Thực tế, không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho việc thả 3 vạn hoa đăng xuống biển là để bảo vệ môi trường.
Biển không cần thêm một cọng rác nào vứt xuống vì đã quá sức chịu đựng của biển, rác thải hiện nay đã nhiều đến mức vượt quá khả năng tự làm sạch của thiên nhiên. Biển đang cần bình yên để băng bó những vết thương do con người gây ra.
Thả hoa đăng xuống biển nếu gọi là đẹp, thì cái đẹp đó cũng chẳng khác gì thả hàng vạn bong bóng lên trời để rồi khen đẹp. Cách đây không lâu, một đứa trẻ lớp 6 còn biết gửi thư đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai trường tránh ô nhiễm rác thải nhựa, vậy mà người lớn lại nghĩ ra thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, rồi cho rằng đang bảo vệ môi trường và cam kết đã trục vớt lên hết những bông hoa nhựa, nhưng câu hỏi là liệu có thể thật sự 100% thu gom được tất cả?”
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng vớt được hoàn toàn lượng rác thải nhựa được thả xuống biển. Ông cho rằng:
“Người ta đang gây dựng phong trào tự nguyện vớt rác để cứu nguy cho biển mà anh lại thả hàng chục ngàn đèn hoa đăng bằng nhựa xuống biển, nhân danh văn hóa tâm linh nhưng làm hỏng văn hóa môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước cũng như phía ban tổ chức chương trình cần phải gương mẫu trước, hành động này là quá phản cảm, không ai ủng hộ được. Như thế này là UBND huyện Cát Hải đã nêu gương xấu và vi phạm luật về môi trường”.
Theo ông Bài, thiên nhiên ngày nay đang bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt rác thải nhựa đang là một vấn nạn toàn cầu mà cả thế giới đang tuyên truyền chấm dứt, nhiều thói quen xả rác của người dân trên thế giới đang dần được thay đổi và loại bỏ. Tuy nhiên nếu đến cả chính quyền cũng không làm gương thì sau này còn giáo dục được ai trong việc bảo vệ môi trường.
Phản ứng của dư luận về việc đảo Cát Bà thả đèn hoa đăng nhựa
Một độc giả có tên Tuấn Nguyễn: “Nếu mỗi hoa đăng 10.000 đồng x 30.000 cái = 300.000.000 đồng. Với số tiền trên thì mua được bao nhiêu quyển sách giáo khoa cho học sinh, giúp cho bao cháu bé nghèo khó có cơ hội tiếp cận với kiến thức. Phải chăng việc mua sách sẽ được coi là việc thiện hơn mang số tiền ấy đốt đi, và còn tốn bao nhiêu công sức tổ chức, mất bao nhiêu thời gian của những người đến dự, bao nhiêu công đi vớt thu dọn số hoa đăng ấy”.
Bạn Tấn Minh cũng đồng quan điểm: “Chỉ nhìn thôi cũng biết gây ô nhiễm rồi.
Tôi không tin rằng ở VN có công nghệ hiện đại tới mức thu hồi được rác thải trôi trên mặt biển, mà ở đây số lượng hàng ngàn, hàng vạn. Đốt vàng mã là 1 hủ tục lạc hậu, vậy tốn tiền mua những vật dụng như vậy, có khác gì mua vàng mã đâu? Thậm chí vàng mã là giấy, đốt là hết, còn đèn kia là nhựa, đốt sao hết?
Bao nhiêu năm trời làm sai, gây ô nhiễm thì giờ phải tiếp thu để sửa. Phật, Chúa và Thượng Đế Thánh Thần ở trong tâm mỗi người, không phải ở cái đèn, tờ giấy, mô hình. Tâm Linh nhưng phải Văn Minh!”.
Bạn Hải Yến thì cho rằng thả hoa đăng là làm lãng phí: “Cả thế giới kêu gọi hạn chế rác thải nhựa. Đây là việc làm phản khoa học, dù có cho thu gom cũng không hết 100% được. Còn lãng phí tiền thuế của dân, chi phí nhân lực đi thu gom tiền lấy ở đâu?
Tiền đó để xây trường học cho các cháu tốt hơn nhiều. Lòng tri ân với đấng sinh thành không phải ở những hoa đăng mà ở tâm trong mỗi con người ứng xử trong cuộc giao tiếp xử sự hàng ngày sao cho phải đạo”
Bên cạnh đó cũng có những người đưa ra góp ý, một bạn có tên Trần Khải nói: “Người Thái Lan khi thả đèn ở Lễ hội Loy Krathong, họ làm đèn bằng thân hoặc bẹ cây chuối, kết hoa thật và gắn đèn cầy vào để thả. Do đó, đèn tự phân hủy sau một thời gian, không lo gây ra ô nhiễm môi trường. Nên học theo, vì bảo đảm ‘tốt đời, đẹp đạo’”.
Chúc Di (t/h)