Hồng Kông khai tử Luật dẫn độ, đáp ứng 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình
Hôm 23/10, Dự luật dẫn độ đã chính thức bị hủy bỏ sau tuyên bố của ông Lý Gia Siêu, Cục trưởng Cục An ninh, thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đáp ứng một trong năm yêu cầu của người biểu tình Hương Cảng.
Dự luật này được đưa ra thảo luận lần thứ 2 tại cơ quan Lập pháp Hồng Kông ngày 23/10, hơn một tháng sau khi Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố rút dự luật hôm 4/9. Ngay sau khi đưa ra thảo luận, các thành viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông đã chính thức thống nhất hủy bỏ hoàn toàn Luật dẫn độ.
“Ngày hôm nay, tôi chính thức thông báo về việc rút lại hoàn toàn Luật dẫn độ”, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-Chiu) tuyên bố trước Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông. Thời gian xuất hiện và tuyên bố của ông Lý trong phòng hội nghị Hội đồng Lập pháp vỏn vẹn 5 phút.
Chính phủ Hồng Kông đề nghị sửa đổi “Luật dẫn độ” vào ngày 12/2. Vào thời điểm đó, Cục An ninh đã đệ trình bản thảo điều chỉnh “Luật dẫn độ” và “Luật hỗ trợ hình sự” lên Hội đồng Lập pháp, trong đó yêu cầu xóa bỏ rào cản không phù hợp trong pháp lệnh dẫn độ với Trung Quốc Đại lục, Ma Cao và Đài Loan. Nguyên nhân của những điều chỉnh này xuất phát từ vụ án giết người của cư dân Hồng Kông là Trần Đồng Giai (Chan Tong-kai) tại Đài Loan.
Tháng 2/2018, Trần Đồng Giai cùng bạn gái Phan Hiểu Dĩnh (người Hồng Kông) du lịch đến Đài Loan, Trần sau đó bị tình nghi đã sát hại bạn gái. Trần Đồng Giai khi trở về Hồng Kông lập tức bị bắt giữ và thừa nhận hành vi giết người.
Vào ngày 13/12/2018, Phòng Thanh tra Đài Bắc phát lệnh truy nã Trần Đồng Giai. Tháng 4/2019, Trần Đồng Giai bị kết án 29 tháng tại Hồng Kông với 4 tội danh rửa tiền. Bởi vụ mưu sát phát sinh tại Đài Loan, nên căn cứ theo luật Hồng Kông, Trần Đồng Giai phải bị xét xử tội danh mưu sát tại Đài Loan, nhưng chính phủ Hồng Kông không thể chuyển nghi phạm sang Đài Loan vì những hạn chế pháp lý.
Nếu việc sửa đổi dự luật được thông qua, tất cả người dân Hồng Kông và mọi người khắp nơi trên thế giới quá cảnh ở Hồng Kông hoặc du khách, du học sinh, người lao động nhập cư ở Hồng Kông đều có thể bị chuyển trả về chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc xét xử. Mà Trung Quốc là một quốc gia chuyên chế độc tài, trong khi Hồng Kông đi theo chế độ dân chủ pháp trị. Điều này đã dẫn phát phong trào phản đối luật dẫn độ.
Ngày 31/3, Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (gọi tắt là Dân Trận) tổ chức phong trào phản đối dự luật dẫn độ với 1,2 triệu người tham gia.
Ngày 3/4, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông thành lập ủy ban xem xét dự luật.
Ngày 28/4, Dân Trận tổ chức phong trào phản đối dự luật dẫn độ lần 2 với 130.000 người tham gia.
Ngày 20/5, chính phủ Hồng Kông yêu cầu Hồi đồng Lập pháp bỏ qua Ủy ban Xem xét Dự luật mà trực tiếp đánh giá dự luật này. Động thái này của chính phủ Hồng Kông thể hiện sự “phớt lờ” dân ý, phong trào biểu tình tiếp tục diễn ra, tính từ tháng 6 đến nay đã qua 4 tháng.
Ngày 9/6, Dân Trận tổ chức phong trào phản đối luật dẫn độ lần 3 với 1,03 triệu người tham gia.
Ngày 12/6, Dân Trận và đảng ủng hộ dân chủ phát động hoạt động bao vây Hội đồng Lập pháp, cảnh sát dùng bom cay, đạn cao su, vòi rồng để trấn áp. Đây là lần đầu tiên từ năm 1997, cảnh sát Hồng Kông chĩa mũi súng đối đầu với người dân.
Mặc dù chính phủ Hồng Kông đã thông báo rút lại yêu cầu bỏ qua bước thảo luận lần 2 vào ngày 15/6, nhưng vào ngày 16/6 hơn 2 triệu người đã xuống đường phản đối.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết vào ngày 9/7 rằng dự luật bị “sụp đổ”, nhưng hoạt động kháng nghị vẫn không dừng lại.
Người kháng nghị ngày càng đông, cảnh sát ra tay trấn áp quyết liệt, nhiều tin tức cho thấy cảnh sát Trung Quốc đã trà trộn vào lực lượng chống bạo động Hồng Kông tiến hành các biện pháp trấn áp dã man, bao gồm xâm hại tình dục, tra tấn, thậm chí là giết người quăng xác và dàn dựng thành “bị tự sát”.
Ngày 31/8, sau thảm án tại ga tàu Prince Edward, sự kiện “bị tự sát” gia tăng, chính phủ Hồng Kông mà sau lưng là bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành “khủng bố trắng” nhằm uy hiếp người biểu tình. Tuy nhiên, người biểu tình trước tình thế này đã tuyên bố “Thà chết chứ không để mất tự do”.
Ngày 4/9, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh tuyên bố rút việc điều chỉnh luật dẫn độ, chỉ đáp ứng một trong năm yêu cầu của người biểu tình, thế nên cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.
Tối 30/9, phía cảnh sát công bố bản điều chỉnh sổ tay “hướng dẫn”, nới lỏng điều kiện sử dụng “vũ lực chí mạng”, bỏ đi điều khoản “cảnh sát phải chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình”, theo đó cảnh sát có thể “căn cứ theo tình huống thực tế để áp dụng các mức độ bạo lực phù hợp”.
Ngày 1/10, cảnh sát đạt kỷ lục trấn áp với 1.400 đạn hơi cay, 900 viên đạn cao và 6 viên đạn thật được sử dụng, nhiều hơn tổng số sử dụng trong 100 ngày trước đó, khiến mỗi ngày có khoảng 100 người bị thương.
Ngày 4/10, bà Lâm Trịnh bỏ qua Hội đồng Lập pháp, viện dẫn “Luật khẩn cấp” ban hành “Luật cấm che mặt” nhằm cấm người biểu tình đeo mặt nạ, dấy lên sự phẫn nộ trong người dân. Chính phủ Hồng Kông tuyên bố vào ngày 10/10, hơn 2.379 người biểu tình đã bị bắt, trong đó 1/3 là trẻ dưới 18 tuổi.
Cho đến thời điểm này, chính phủ Hồng Kông đã chính thức rút các quy định sửa đổi, nhưng nhiều người cho rằng khó có thể làm dịu cơn giận của người biểu tình. Bởi vì điều này chỉ đáp ứng một trong năm yêu cầu của họ.
Một người biểu tình tên Khang Ny nói: “Chẳng có thay đổi gì lớn giữa việc tạm hoãn hay rút bỏ dự luật này… Quá nhỏ bé, quá muộn. Vẫn còn những yêu cầu khác mà chính quyền phải đáp ứng, đặc biệt là vấn đề cảnh sát lạm dụng bạo lực”.
Quách Gia Kỳ thuộc đảng Công dân, thành viên Hội đồng Lập pháp nhận định: “Việc sửa đổi luật dẫn độ đã xé nát xã hội Hồng Kông. Khi Lý Gia Siêu tuyên bố rút lại yêu cầu sửa đổi, ông ta cần giải thích với người dân và Hội đồng Lập pháp. Cùng với bà Lâm Trịnh, hai người họ phải gánh trách nhiệm và hậu quả sau khi đưa ra luật tà ác này mà mau chóng từ chức”.
Khải Hoàn (Theo NTDTV)