Âm mưu của ĐCSTQ đằng sau những sự thật bị che giấu ở Hồng Kông
Để có thể đạt được mục đích, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần bày mưu tính kế gây hỗn loạn ở Hồng Kông. Mục đích của phía Bắc Kinh là khiến thế giới chứng kiến một Hồng Kông đã mất kiểm soát, và cần khẩn cấp “dẹp loạn”. “Dùng bạo chế loạn” là phương thức mà ĐCSTQ đang sử dụng.
Hôm 4/10, một cảnh sát mặc thường phục đã lái xe đâm người, sau đó nổ súng bắn vào một học sinh 14 tuổi. Một sự việc khác diễn ra hôm 6/10, một chiếc xe đang đứng yên ở phố Thâm Thủy (Sham Shui Po), bất ngờ tăng tốc và bẻ lái đâm vào 3 người đang bước đi trên phố, khiến một phụ nữ bị thương nặng ở chân. Hai sự kiện đều khiến người Hồng Kông phẫn nộ, và quyết định “tự xử” các đối tượng gây hấn.
Chuyên gia bình luận về các vấn đề của Hồng Kông là Liêu Sĩ Minh phân tích, hành động của người Hồng Kông đã diễn ra theo đúng kịch bản mà chính quyền (ĐCSTQ) mong muốn. Mục đích của phía Bắc Kinh là khiến thế giới chứng kiến một Hồng Kông đã mất kiểm soát, và cần khẩn cấp “dẹp loạn”. Điển hình là sự kiện “cảnh sát mặc thường phục nổ súng vào học sinh 14 tuổi” xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy đây có thể là một màn diễn mà ĐCSTQ dàn dựng.
Điểm đáng ngờ thứ nhất
Tối 4/10, tại Nguyên Lãng (Yuen Long), một cảnh sát mặc thường phục lái xe đâm vào đám đông, rồi nổ súng. Người dân chứng kiến vô cũng bất bình, đã vây đánh người cảnh sát này. Phóng viên Epoch Times có mặt tại hiện trường đã phỏng vấn người chứng kiến sự việc và nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Người họ Đặng cho biết, một chiếc xe ô-tô đã đâm vào đám đông biểu tình và bị người biểu tình chặn lại chất vấn “Anh muốn làm gì?”. Tranh chấp nổ ra, người tài xế bị lôi ra khỏi xe, anh ta (cảnh sát mặc thường phục) lúng túng nổ súng vào đám đông hỗn loạn, một người trẻ bị thương. Sự việc khiến nhiều người tức giận vây đánh.
Nhân viên chăm sóc sức khỏe họ Trần cho biết, lúc ấy người biểu tình rất nhiều, hỗn loạn và ồn ào. Ông dường như nghe thấy 2 tiếng súng, người bị trúng đạn còn trẻ và có vẻ là học sinh, đầu gối chân trái bị trúng đạn.
Đoạn video ghi lại sự việc được đăng tải trên các kênh truyền thông chỉ cho thấy người cảnh sát mặc thường phục bị vây đánh và đầu chảy máu, hai lần bị ném bom xăng, khuôn mặt hoảng sợ, cây súng ngắn bị rơi hai lần. Lúc cây súng bị rơi lần hai, băng đạn bung ra.
Trong cơn hoảng loạn, cảnh sát thường phục chỉ nhặt khẩu súng bỏ chạy, băng đạn để lại hiện trường. Sau vụ việc, cảnh sát yêu cầu người biểu tình giao nộp băng đạn ở hiện trường, đồng thời tuyên bố “vụ nổ súng là biện pháp tự vệ cuối cùng”, phủ nhận vụ va chạm trước đó.
Điểm nghi ngờ lớn nhất là tại sao một cảnh sát mặc thường phục lại lái xe đâm vào đám đông, liệu có phải muốn đâm người để gây hấn? Theo tính chất công việc của một cảnh sát mặc thường phục, họ sẽ ít lộ diện mà yên lặng quan sát, nhưng hành động của người này lại hoàn toàn trái lại.
Điểm đáng ngờ thứ hai
Học sinh bị trúng đạn được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Đồn Môn (Tuen Mun), gia đình có mặt vào sáng sớm ngày 5/10, đã không trả lời phóng viên. Trợ lý chỉ huy cơ quan hình sự Yuen Long là Du Nãi Cường cũng có mặt tại Tuen Mun vào sáng sớm.
Cảnh sát chống bạo động đã lập tức phong tỏa bệnh viện Tuen Mun, khi đó rất nhiều cơ quan truyền thông đến phỏng vấn, nhưng bị cảnh sát khống chế chặt chẽ không cho tiếp xúc với nạn nhân.
Do lo lắng việc cảnh sát tập trung đông làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện, ban quản lý bệnh viện đã biểu đạt ý kiến với phía cảnh sát. Vậy nên sau hôm đó, người học sinh trúng đạn bị cáo buộc “nghi ngờ liên quan đến bạo loạn và tấn công cảnh sát”, và bị cảnh sát giải đi bất chấp tình trạng sức khỏe.
Việc cảnh sát phong tỏa bệnh viện và khống chế phóng viên tiếp xúc với nạn nhân trở thành điểm nghi ngờ thứ hai cho thấy cảnh sát đang rất đề phòng phóng viên và người bên ngoài, dường như đang cố ý che giấu bí mật nào đó.
Trong 4 tháng kể từ khi phong trào biểu tình diễn ra tại Hồng Kông, các video của phương tiện truyền thông đã ghi lại rất nhiều hành vi sai trái và bí mật của cảnh sát, như đốt phá công trình công cộng, phóng hỏa, ném bom xăng. Những điểm đáng ngờ trong vụ nổ súng vào học sinh cho thấy đây có thể là một vụ do ĐCSTQ dàn dựng.
Diễn biến ban đầu của sự việc rất giống với vụ đâm taxi hôm 6/10. Tuy nhiên, trong vụ ngày 4/10, do tài xế là cảnh sát mặc thường phục nên áp lực rất lớn, đối mặt với sự phẫn nộ của người dân, anh ta buộc phải bỏ dở “kịch bản”, nổ súng rời khỏi hiện trường sớm.
Những kịch bản mà ĐCSTQ viết sẵn
Trước thềm đại lễ 1/10, cảnh sát Hồng Kông và các phương tiện truyền thông Hồng Kông bị ĐCSTQ khống chế, đã “tiên đoán” về nhiều vụ khủng bố sẽ diễn ra vào ngày 1/10, “tình hình ngày mai (1/10) sẽ rất nguy hiểm, có thể sẽ xảy ra cuộc tập kích bạo lực dữ dội”. Hơn nữa, họ cũng công bố, các sự kiện tấn công này có thể là “giết cảnh sát, đóng giả cảnh sát để giết người, phóng hỏa các trung tâm, trạm tàu điện hoặc trạm xăng, tuyển mộ “tử sĩ” tham gia hoạt động bạo lực.
Với thủ đoạn “dùng bạo lực tạo ra bạo loạn” từng được ĐCSTQ áp dụng, thì những “tiên đoán” kể trên không phải dùng để cảnh báo, mà là lên kế hoạch để các sự việc có trong “danh sách” thật sự diễn ra tại Hồng Kông.
Hôm 30/8, Oriental Daily News đăng tin “cảnh sát tan ca bị tấn công” với vô số điểm đáng ngờ, ví như không có cơ sở y tế có thẩm quyền thông báo tình trạng thương tích của cảnh sát. Bài viết của Oriental Daily News đăng tải chỉ 20 phút sau khi sự kiện phát sinh. Hình ảnh viên cảnh sát bị tấn công cũng không được công bố, mà Oriental Daily News chỉ cho đăng hình ảnh vài giọt máu.
Tờ Epoch Times cho rằng đây là một đoạn kịch bản tự biên tự diễn có kết quả không như ý.
Thế giới cần nhìn thấy sự thật về Hồng Kông
ĐCSTQ có thể tạo ra tình trạng “người đấu người” hỗn loạn tại Hồng Kông, kết hợp với cảnh sát Hồng Kông bày ra “sự kiện khủng bố”, thì trong tương lai họ có thể dùng bất cứ hình thức nào để đạt được mục tiêu tạo cớ thăng cấp việc trấn áp.
Hồng Kông mỗi ngày phát sinh rất nhiều sự kiện, nhưng tin tức được công bố lại không hoàn toàn chính xác. Rất nhiều phương tiện truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sự khống chế của ĐCSTQ, nên tin tức đưa ra sẽ dựa theo điều mà ĐCSTQ mong muốn, người biểu tình Hồng Kông đơn độc ở thế “ngậm đắng nuốt cay, oan khiên mà nói chẳng nên lời”.
Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân, một là truyền thông đỏ và truyền thông bán đỏ (truyền thông của ĐCSTQ và truyền thông bị ĐCSTQ không chế). Hai là các cơ quan truyền thông chưa có được nhận thức sâu sắc về bản chất của ĐCSTQ, họ chỉ có thể dựa trên các giá trị luân lý đạo đức và tư duy xã hội tự do chính thường để nhìn nhận và đưa tin về các sự việc diễn ra tại Hồng Kông.
Cho nên sự thật về các sự kiện không được phơi bày. Cũng vì lý do này, mà những người theo dõi tin tức luôn mong muốn tìm ra “sự thật” trong hàng loạt các tin bài mà ĐCSTQ và các phương tiện truyền thông đăng tải.
ĐCSTQ chỉ thị Lâm Trịnh Nguyệt Nga kích động người biểu tình Hồng Kông
Hôm 1/10, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đến Bắc Kinh chúc mừng “sinh nhật”. Giới phân tích cho rằng trong chuyến đi lần này, bà Lâm đã được ĐCSTQ ra chỉ thị “trực tiếp xử lý, tùy cơ ứng biến” để đối phó với phong trào biểu tình ở Hồng Kông. Do đó sau khi trở về, hôm 4/10 bà Lâm dựa theo “Luật khẩn cấp” đã ban hành lệnh cấm người biểu tình che mặt.
“Luật cấm che mặt” chỉ là ngụy trang, việc khởi động “Luật khẩn cấp” mới là mục tiêu chính, giúp bà Lâm Trịnh có thể đưa ra biện pháp đối phó người biểu tình mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Chính phủ Hồng Kông vận dụng kế sách “Dùng bạo chế loạn” của ĐCSTQ
Sau sự kiện 1/10, ĐCSTQ muốn đối phó với người biểu tình ở Hồng Kông, và “Luật khẩn cấp” đã được đưa ra. Điều mà người Hồng Kông và thế giới luôn quan sát là cách thức bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sử dụng để “chỉ bạo chế loạn” (chấm dứt bạo lực, khống chế bạo loạn).
Thế nhưng, xuyên suốt lịch sử phát triển của ĐCSTQ, cùng với diễn biến tại Hồng Kông 4 tháng qua, tình thế rõ ràng cho thấy phương thức mà bà Lâm Trịnh và ĐCSTQ sử dụng không phải là “chấm dứt bạo lực, khống chế bạo loạn” mà là “dùng bạo lực để tạo ra bạo loạn”.
Cảnh sát, người biểu tình, truyền thông, xã hội đen, áo xanh, áo vàng, tạo ra xung đột bạo lực, người đấu với người, cảnh sát nổ súng, người dân bất bình “tự xử”, cuối cùng tạo ra tình trạng hỗn loạn. Theo đó, ĐCSTQ có cơ hội dùng bạo lực trấn áp, xóa tan yêu cầu đòi hỏi tự do, vận động nhân quyền, Hồng Kông rơi vào tay ĐCSTQ. Chính quyền Trung Quốc cuối cùng có được quyền thống trị lớn hơn ở đặc khu Hồng Kông.
Thủ lĩnh Mao Trạch Đông của ĐCSTQ từng gọi đó là chiêu thức “đại loạn đại trị” (loạn lớn thì quyền lực thống trị càng lớn) được dùng vào thời Cách mạng Văn hóa, hô hào “đấu với trời, đấu với đất, đấu với người thật sướng vô cùng”. Đấu tranh là biện pháp ĐCSTQ đoạt lấy quyền thống trị, thâu tóm quyền lực, cũng từ đó hình thành nên “triết học đấu tranh”.
Tăng Khánh Hồng thuộc phe cánh Giang Trạch Dân nắm giữ Hồng Kông thời gian dài, từng nói rằng “Hồng Kông càng loạn thì càng dễ xử lý”. Vào thời điểm 70 năm thành lập chính quyền, Tập Cận Bình trong một bài phát biểu quan trọng, đã 58 lần nhắc đến “đấu tranh”, thực tế chính là đang một mạch kế thừa phương sách “đại loạn đại trị” của Mao Trạch Đông.
Mao Trạch Đông đương thời dùng “đại loạn đại trị” tạo ra thời kì khủng bố Cách mạng Văn hóa; Giang Trạch Dân dùng “đại loạn đại trị” đàn áp sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn, người Tây Tạng, Tân Cương, Duy Ngô Nhĩ và học viên Pháp Luân Công. Dù hình thế không loạn, không có cừu hận, ĐCSTQ cũng sẽ gây loạn, khơi mào cục diện “quần chúng đấu quần chúng”, rồi kiếm cớ trấn áp. “Người đấu người” khiến ĐCSTQ cảm thấy hả hê nhất.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga sử dụng “Luật khẩn cấp” chính là áp dụng “đại loạn đại trị” gây rối Hồng Kông, tạo cớ trấn áp. Truyền thông quốc tế cần nhìn rõ được thủ đoạn này thì mới có thể “cứu nguy” cho Hồng Kông.
Khải Hoàn (Theo Epoch Times)