Hà Nội: Người phụ nữ bỏ 200 triệu tiền túi để may khẩu trang phát miễn phí cho người dân
Trước tình hình dịch virus corona bùng phát và không có khẩu trang để dùng, chị Lê Thị Thắm (Đông Anh, Hà Nội) giám đốc của một công ty chuyên sản xuất áo mưa đã dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình để may hàng loạt khẩu trang y tế phân phát miễn phí cho các em học sinh và người dân trong khu vực.
Chị Thắm nguyên là giám đốc của công ty Khải Hoàn, một doanh nghiệp chuyên chuyên sản xuất áo mưa. Nhưng kể từ khi đợt dịch bùng phát, khẩu trang y tế lên giá quá cao thậm chí là không còn để mua, chị quyết định sẽ tự may để phân phát cho các chị em trong xưởng và gia đình cùng dùng, bảo vệ bản thân trong đợt dịch virus corona.
Thời gian đầu ý tưởng chỉ có thế, nhưng về sau chị chợt nhận ra không thể chỉ dành cho bản thân mà còn cần nhân rộng ra cho các cháu học sinh sắp sửa tới trường.
Dự tính chỉ sản xuất 10.000 chiếc khẩu trang để dành cho các cháu nhỏ trên địa bàn xã Hải Bối, trong đó có Trường tiểu học xã Hải Bối – nơi con trai chị đang theo học, nhưng nhìn thấy còn nhiều công nhân quanh khu vực không có khẩu trang dùng, chị Thắm quyết định sẽ tiếp tục nâng số khẩu trang lên 40.000 cái.
Trước ý tưởng đó, hàng chục công nhân từ xưởng sản xuất áo mưa đã được gia đình chị điều động sang may khẩu trang, tạm dừng lại tất cả hoạt động kinh doanh của mình.
“Ban đầu dự định làm khẩu trang cho các em học sinh, do thời điểm này là thời điểm các em học sinh chuẩn bị đi học trở lại, tôi mong việc có khẩu trang sẽ giúp các em yên tâm phần nào khi tới trường tới lớp. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu mua nhiều mà không có nên tôi quyết định làm cho cả người dân tại khu vực”.
Ban đầu số lượng làm ra trong ngày không nhiều do thiếu máy may, đặc biệt là máy vắt sổ nên số lượng khẩu trang được sản xuất còn hạn chế. Sau đó, chị Thắm quyết định mua thêm tổng cộng 10 máy may chuyên dụng để may khẩu trang và hiện tại trung bình mỗi ngày có thể sản xuất được khoảng 3000 chiếc.
Về quy trình làm khẩu trang, chị Thắm cho biết, loại vải chị thắm đang sử dụng là loại vải không dệt QL40 (vải chuyên sử dụng để sản xuất khẩu trang y tế, nhưng dày hơn).
Sau đó công nhân sẽ thực hiện công đoạn đầu tiên là đo cắt vải theo đúng kích thước khuôn mặt. Khẩu trang được may 4 lớp, khâu viền xung quanh, sau đó là gấp ly (công đoạn này phức tạp nhất quyết định một chiếc khẩu trang đẹp hay xấu).
Thành phẩm khẩu trang sau khi làm xong sẽ được đem đi xịt khử trùng rồi sấy khô, và cuối cùng là đóng gói thành phẩm, với mỗi gói là 2 khẩu trang.
“Khẩu trang tại xưởng tự may nên không được đẹp bằng khẩu trang được dập bằng máy chuyên dụng, nhưng đủ 4 lớp và hoàn toàn bảo vệ được sức khỏe của mọi người…”, chị Thắm chia sẻ.
Cũng có những lời đàm tiếu xung quanh việc chị làm, nhưng chị Thắm chỉ bảo:
“Vì là sản phẩm để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, ngoài những lời ủng hộ, thì cũng có nhiều những dư luận trái chiều nghi vấn về chất lượng khẩu trang có đảm bảo để phòng dịch. Nhưng vì trái tim, tấm lòng muốn giúp đỡ mọi người, chúng tôi vẫn cố gắng làm hết sức và những thành quả này đã được trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 thẩm định, kết quả đảm bảo chất lượng, mọi người có thể hoàn toàn yên tâm dùng khẩu trang mà chúng tôi sản xuất.”
Với khoảng 40.000 khẩu trang được sản xuất ra, chị Thắm cho biết phải chi số tiền khoảng 200 triệu đồng để thuê công nhân, máy móc, và nguyên liệu. Tính đến hiện tại công việc này đã đi vào hoạt động trong 2 tuần với hơn 20 công nhân trong xưởng may đã làm việc hết năng suất từ 7h30 đến 18h mỗi ngày.
“Vào những ngày này chúng tôi đều tăng ca thêm, nhưng ai cũng tình nguyện, hăng say để làm được việc có ích cho cộng đồng”, chị Vũ Thị Hằng, công nhân tại xưởng cho biết.
Chúc Di (t/h)