Dưỡng sinh thế nào cho đúng? Có 3 “pháp bảo” nhất định phải giữ gìn
Người ta vẫn có câu “Sức khỏe là vàng”, quả đúng là vậy, khi có sức khỏe ta có thể làm tất cả những việc mà mình muốn, không có sức khỏe thì không làm được gì. Khi gặp nhau chúng ta cũng thường hỏi thăm nhau sức khỏe. Điều này chứng tỏ có sức khỏe tốt là điều rất quan trọng.
Có nhiều cách để nâng cao sức khỏe, trong đó dưỡng sinh là một phương pháp được nhiều người lựa chọn hơn cả, đặc biệt là những người cao tuổi. Cổ nhân xưa cũng đã ghi nhận nhiều người có thể sống lâu tới hơn trăm tuổi như Lão Tử, Tôn Tư Mạc,… nhờ có phương pháp dưỡng sinh hợp lý. Những năm gần đây trên thế giới cũng có rất nhiều cụ sống trên 100 tuổi, ngay cả ở Việt Nam cũng có. Vậy bí quyết là gì?
Trước hết chúng ta hãy hiểu dưỡng sinh là gì?
Dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập để dưỡng sinh mệnh, tăng cường thể chất, phòng ngừa bệnh tật từ đó đạt được kéo dài thọ mệnh. Nói một cách tổng quát đơn giản nhất dưỡng sinh có nghĩa là tu dưỡng sinh mệnh.
Trong “Hoàng Đế nội kinh”, khi Hoàng Đế thỉnh giáo Kỳ Bá (thầy của Hoàng Đế), người thượng cổ sống hơn trăm tuổi mà vận động không yếu đi, còn con người hiện nay sống không đến năm mươi mà vận động đã trở nên yếu ớt là do thời đại đã khác sao? Hay do khuyết điểm của bản thân con người?
Kỳ Bá trả lời, người thượng cổ thông hiểu đạo dưỡng sinh, ăn uống có tiết chế, sinh sống có quy luật, sinh hoạt không quá lao lực cho nên cơ thể và tinh thần đều khỏe mạnh, có thể sống đến rất lâu.
Thế nhưng người ngày nay không như vậy, họ uống rượu thay nước, hành vi phóng túng, chuyện phòng the quá độ, hao tổn tinh khí, không biết khống chế cảm xúc, chỉ biết đuổi theo khoái lạc trong tâm hồn, thậm chí xem hành vi tổn hại sinh mạng là một thú vui, vì vậy sống đến năm mươi thì đã già.
Hiện nay cũng có nhiều phương pháp dưỡng sinh như thông qua ăn uống, rèn luyện khí công, chế độ sinh hoạt .v.v.. nhưng đó chỉ là phương pháp thôi, còn bản chất thật sự của dưỡng sinh là gì thì ít người biết tới.
Đông Y cho rằng trọng tâm của dưỡng sinh là dưỡng tinh, dưỡng khí và dưỡng thần, bởi vì ‘tinh’, ‘khí’ và ‘thần’ là 3 bảo vật của cơ thể con người. Có câu rằng: “Trời có tam bảo là trời trăng sao; đất có tam bảo là nước lửa gió; người có tam bảo là tinh khí thần”. Do đó muốn kéo dài thọ mệnh thì cần phải bảo tồn Tinh, Khí, Thần. Bí quyết chính là nằm ở đây.
Tinh
Tinh tức là chất tinh túy của cơ thể vốn do cha mẹ truyền lại hoặc được cơ thể chắt lọc từ thức ăn, từ các chất bổ dưỡng nhất. Tinh trong cơ thể người gồm tinh tiên thiên và tinh hậu thiên.
Tinh tiên thiên là tinh do cha mẹ truyền lại cho con, được hiểu là các đặc tính về di truyền. Chức năng của tinh tiên thiên sẽ quyết định sự hoàn thiện về mặt cấu trúc, hình thái của cơ thể cũng như cấu trúc và chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể.
Tinh hậu thiên có nguồn gốc từ thức ăn. Thức ăn sau khi được tiêu hóa, hấp thu sẽ đi khắp thân thể để dinh dưỡng các tạng phủ đồng thời được chuyển hóa thành khí để duy trì các hoạt động của cơ thể và tạng phủ.
Tất cả tinh được tồn trữ ở Thận, nến nếu tinh đầy đủ thì sức khỏe khang kiện, tính tình vui vẻ, hăng hái, yêu đời. Tinh hư sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể và sự hoạt động của các tạng phủ, người thường bệnh hoạn, ốm đau, mệt mỏi, bi quan, buồn chán.
Khí
Trong Đông Y, khí là một thành phần cơ bản cấu tạo cơ thể, là chất cơ bản duy trì sự sống của con người, có tác dụng thúc đẩy huyết, đưa dưỡng chất đi nuôi cơ thể và bảo đảm sự hoạt động bình thường của tạng phủ.
Tương tự như “tinh”, “khí” cũng chia làm khí tiên thiên và khí hậu thiên. Khí tiên thiên (chân khí) bẩm sinh đã có, chính là nguyên khí trong Trung y (khí chuyển động trong thận), tồn tại trong 2 quả thận.
“Khí” có thể bảo vệ cơ thể con người, chống lại ngoại tà. Vì vậy trong “Hoàng đế nội kinh” có câu: “Chính khí tồn nội, tà bất khả kiền“, tức là trong cơ thể có chính khí thì ngoại tà không thể xâm phạm. “Hoàng đế nội kinh” còn viết: “Tà chi sở thấu, kỳ khí tất hư”, tức là bệnh có thể xâm lấn cơ thể chúng ta là vì khí suy yếu.
Khí có thể hóa sinh huyết, khí đầy đủ thì huyết sung mãn, khí huyết đầy đủ thì tinh thần thoải mái, sức khỏe dồi dào.
Thần
Là sự hoạt động về ý thức, tư duy của con người. Là biểu hiện bên ngoài của tinh, khí, huyết trong cơ thể. Sắc khí của một con người thường hiện ra trên sắc mặt gọi là thần sắc.
Tinh khí đầy đủ chẳng những giúp cho cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp cho tinh thần sáng suốt, minh mẫn… Thần cũng thể hiện ra ở tình chí (vui, buồn, giận, lo, nghĩ, kinh, sợ), nên ngược lại qua tình chí, thần cũng ảnh hưởng tới tinh và khí.
“Hoàng đế Nội kinh” viết: “Giận quá hại Can; vui quá hại Tâm; buồn quá hại Phế; lo nghĩ quá hại Tỳ; sợ hãi quá hại Thận”. Đặc biệt, tình chí còn làm ảnh hưởng tới khí của tạng phủ: “Giận làm khí thăng (cáu gắt); vui thì khí hoãn; buồn thì tiêu khí; sợ thì khí hạ …”.
Tinh, Khí, Thần có liên quan mật thiết với nhau và không thể tách rời
Như vậy muốn bảo thọ sinh mệnh thì chỉ có bảo tồn 3 thứ là Tinh, Khí, Thần mới làm được. Nhưng muốn bảo tồn được thì phải hiểu tại sao nó mất. Nếu không hiểu tại sao nó mất mà chỉ chú ý tới phương pháp luyện tập ra làm sao thì chẳng khác nào gió vào nhà trống cả.
Xã hội ngày càng hiện đại, đất nước mở cửa giao lưu hội nhập với các nước trên thế giới. Đi kèm với những lợi ích về kinh tế, công nghệ thì cũng kéo theo đó những văn hóa không lành mạnh, tệ nạn xã hội, hút chích ma túy… làm hủy hoại con người ngày nay. Đặc biệt là tư tưởng cởi mở trong quan hệ nam nữ, giải phóng tình dục dẫn đến phóng túng dục vọng quá độ, tinh khí đều tổn thất.
Con người ngày nay trong áp lực cuộc sống bộn bề, mối lo cơm – áo – gạo – tiền buộc phải làm việc nhiều hơn, suy nghĩ tính toán nhiều hơn. Giữa con người với nhau cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn hơn, khiến người ta dễ trở nên nóng giận không tiết chế được cảm xúc cũng làm cho tinh khí hư hao, tin thần căng thẳng không thư thái.
Mặt khác khí hậu thay đổi, nóng lạnh thất thường trái quy luật, đôi khi thái quá. Cùng sự biến đổi của môi trường nước, đất, dẫn đến tồn trữ các chất độc hại trong lương thực. Con người ăn lương thực đó vô tình cũng tồn trữ những chất độc hại trong cơ thể. Dẫn đến nhiều bệnh tật khó chữa.
Vậy người dưỡng sinh trước hết không được phóng túng dục vọng quá độ, trong tâm không nên có dục vọng. Dục vọng quá độ thì làm hao tinh, tinh tiết thì khí cũng mất. Các vị vua ngày xưa thường không sống thọ vì vua thường có nhiều cung tần mỹ nữ, lại lo nghĩ công việc chính sự, làm tổn hại tinh khí, từ đó mà không kéo dài thọ mệnh.
Tiếp theo cũng cần có lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, không nên làm việc quá sức. Công việc, kiếm tiền cũng là quan trọng để đảm bảo có một cuộc sống đầy đủ. Nhưng chúng ta có thể dùng sức khỏe để đổi lấy tiền, chứ không thể dùng tiền để mua sức khỏe được. Rất nhiều tỷ phú mắc bệnh nặng nhưng vẫn không thể dùng tiền để mua được sức khỏe.
Còn cần có một tinh thần thư thái. Chúng ta trong một ngày gặp phải rất nhiều sự việc, có những việc không như ý muốn. Nếu cứ ôm giữ những việc đó trong tâm, sẽ dần dần tích tụ lại, điều này thật nguy hại cho sức khỏe và tinh thần. Thế nên chỉ nên nghĩ những điều cần nghĩ thôi, những điều không cần nghĩ ngợi thì không nên nghĩ.
Ngoài ra có thể tập các bài tập khí công khác để bổ sung Tinh- Khí-Thần. Cân bằng âm dương khí huyết trong cơ thể. Dưỡng sinh không chỉ là tập mấy bài thể dục, sáng sớm tập mấy động tác là xong. Nếu dưỡng sinh mà không kèm theo giữ gìn, thì sinh mệnh không thể lâu bền.
Người xưa rất coi trọng phòng bệnh hơn trị bệnh. Nếu để có bệnh rồi mới trị thì chẳng khác nào giặc đánh tới thành rồi mới lo mài binh đao, nhà cháy rồi mới lo đi đào giếng.
Sinh mệnh của con người rất quý giá. Xin hãy biết trân quý sinh mệnh của mình trước khi quá muộn.
Thiên Bình