Được mà dửng dưng thờ ơ, mất vẫn an nhiên tự tại…
Đạo lý của thế gian là “Hữu đắc tất hữu thất”, tức có được ắt có mất. Vậy nên “được mà dửng dưng thờ ơ, mất vẫn an nhiên tự tại…” chính là một cảnh giới ung dung tự tại đáng có của con người.
Trưởng Tôn hoàng hậu đời Đường là người biết vì toàn cuộc, quên tư lợi
Theo ghi chép trong cuốn “Cựu Đường thư”. Trinh Quán năm thứ 8. Đương triều Trưởng Tôn hoàng hậu mắc bệnh nặng, Thái tử Lý Thừa Càn trong lúc chăm sóc mẫu thân đã lo lắng trình thưa: “Dược y đều đã dùng mọi cách mà bệnh tình của mẫu thân vẫn chưa chuyển biến thuyên giảm, cho phép con trình tấu Hoàng thượng xin miễn xá tù nhân, độ nhân nhập đạo (dẫn dắt giúp người vào đường đạo), hy vọng cách làm như vậy có thể tăng thêm phúc thọ cho mẫu thân”.
Hoàng hậu khước từ đáp lại: “Nếu như tu phúc có thể kéo dài thêm thọ mệnh, thì từ trước tới giờ ta đều không gây ác, các việc thiện đều cũng đã làm hết rồi, giả như có hành thiện thêm nữa cũng không xoay chuyển được, vậy ta còn cầu thêm phúc nào nữa đây? Sống chết có mệnh, không phải chuyện sức người có thể cải biến được. Miễn xá là việc đại sự của quốc gia, làm sao lại có thể chỉ vì một người đàn bà như ta mà làm hỗn loạn phép tắc và pháp định của thiên hạ?”.
Lý Thừa Càn không dám tấu xin hoàng thượng nữa, liền đem việc này nói với Tả Thừa tướng Phòng Huyền Linh. Phòng Huyền Linh đưa sự việc bẩm báo cho Đường Thái Tông biết, Thái Tông cùng các thần tử trong ngoài đều hết mực cảm động khôn nguôi. Các quan đại thần trong triều đình đều thỉnh cầu vua miễn xá, Đường Thái Tông chỉ còn cách nghe theo. Ngay sau khi trưởng tôn hoàng hậu biết được sự việc này, đã kiên định không thể vì nguyên nhân này mà miễn xá, Thái Tông cũng đành không làm như thế nữa.
Từ câu chuyện này có thể thấy rằng, trưởng tôn hoàng hậu đứng trước sinh tử vẫn an nhiên bảo trì tâm thái của người ung dung không sợ hãi, quyết không vì một quyền lợi của riêng mình mà cải biến pháp định của quốc gia.
Thành tín và uy đức của con người, nguyên từ phẩm đức cao thượng biết vì thành toàn đại cục, quên tư lợi. Đức hạnh và hiền đức của trưởng tôn hoàng hậu, vẫn mãi cùng bà cho đến khi chết cũng quyết không vì mưu đồ tư lợi cho bản thân và gia tộc.
Khi biết bệnh tình nguy trọng, trưởng tôn hoàng hậu đã cùng Thái Tông nói lời từ biệt. Lúc này Phòng Huyền Linh vì bị hoàng thượng trách mắng mà đã trở về nhà, hoàng hậu nói:
“Phòng Huyền Linh theo hầu bệ hạ thời gian dài nhất, cẩn thận từng li từng tý, lại là người kiệt xuất, biết mưu hoạch liệu việc liệu ý, và có kế sách thư mật, mọi việc đều nắm bắt dự tính được nhưng đến một câu cũng không để lộ. Vì thế thiếp chỉ xin bệ hạ đừng bỏ ông ấy. Tổ tông của thiếp may mắn có duyên kết làm bà con bên ngoại thân thích với bệ hạ, hễ có hành vi bán rẻ đạo đức mà cầu vinh, sau này sẽ dễ có lúc gặp phải nguy hiểm. Muốn bảo toàn cho họ, xin ngàn vạn lần đừng sắp xếp những chức vị quan trọng cho họ. Chỉ cần cho họ thân phận ngoại thích tuân phụng triều đình thì đã là may mắn cho họ rồi.
Khi thiếp sống đã không có ích nhiều đối với triều đình, hiện tại chết đi rồi cũng không thể hậu táng long trọng, mà còn thỉnh xin hậu táng trong âm thầm, không muốn để người khác nhìn thấy.
Từ cổ tới nay những bậc thánh hiền đều coi trọng việc mai táng giản tiện, chỉ có thời loạn thế vô đạo mới khởi lên những sơn lăng (lăng mộ) to lớn, hao phí sức người trong thiên hạ, bị những người có hiểu biết chê cười. Chỉ thỉnh cầu hậu táng thiếp vào núi, không cần mộ cao, không cần áo quan, tất cả các sức khí vật phục tất yếu đều dùng gỗ, ngói; tiễn đưa giản tiện, đây chính là bệ hạ đã không quên thiếp”.
Đời người được mất qua đi như khói mây
Ngày 21/6 năm thứ 10 Trinh Quán, hoàng hậu qua đời tại điện Lập Chính, khi đó mới 36 tuổi. Cung nữ trong cung trình lên Thái Tông một cuốn sách tên “Nữ tắc” do hoàng hậu đã biên soạn và nói: “Hoàng hậu khi còn sống đã mang những câu chuyện được mất về nữ nhân tham chính (tham gia việc triều chính) trong các triều đại của lịch sử mà biên soạn thành quyển sách này, tự cảm thấy văn từ còn chưa được tinh luyện không dám trình dâng. Không ngờ hoàng hậu vẫn chưa kịp tu sửa xong thì….”.
Thái tông mở quyển sách xem, không cầm lòng được bật khóc trong đau đớn nghẹn ngào đến lạc cả tiếng. Sách sử còn ghi lại “vua khóc bi thương”. Thái tông đặt quyển sách trên tay, chỉ thị cho cận thần: “Quyển sách này của hoàng hậu đủ để đưa vào thùy phạm bách thế” (lưu lại làm gương cho trăm đời sau).
Thái Tông còn nói: “Tự ta không phải không biết đây là mệnh trời, quá đau thương cũng vô sự vô bổ không giải quyết được gì; nhưng ta sau này vào nội đình không còn được nghe thấy những lời khuyên can của hoàng hậu, cũng chính là mất đi một vị phụ tá hiền lương vậy, cảm thấy vô cùng đau lòng”.
******
Trong dòng đời mưu sinh, con người ta ngàn năm trôi nổi trên thế gian này, chẳng qua cũng chỉ như một vở kịch lớn. Ngoảnh đầu nhìn lại bỗng thấy thành hay bại cũng chỉ là hư vô. Công danh lợi lộc của một đời người trên thế gian chớp mắt cũng thành quá khứ dần tan biến như khói mây, một khi đã qua đi là không quay trở lại.
Lợi ích vật chất của con người trên nhân thế rồi cũng qua đi như mây khói, giành được cũng không cần phải đáng để vui mừng, cũng không cần để phải dương dương tự đắc, mất cũng không cần phải quá bi ai, sầu khổ, để rồi suy nhược chán nản, hao tâm hoại khí.
Con người cứ mãi không chịu buông bỏ truy cầu, những thứ đó đều chỉ là vật ngoại thân; mục tiêu cứ khổ công theo đuổi ấy cũng lại không phải là nguồn dinh dưỡng tinh thần tất yếu cho sinh mệnh. Vận may không thể mãi cứ từ trên trời chiếu xuống mỗi người, ngược lại các dạng các loại khổ nạn thì thời thường trực bủa vây.
Chỉ cần là tâm thái “được mà đạm nhiên, mất mà an nhiên” để đối diện với mọi khó khăn, thì nụ cười sẽ thường trực nở trên môi trong những hành trình muôn vạn lối của cuộc đời.
Theo Vietdaikynguyen