Đau lòng trước sự ra đi của con, người bố tạc một bức tượng trên bia mộ để tưởng nhớ
Tự tay chôn cất người mà mình thân yêu nhất là điều mà bất cứ ai cũng cảm thấy thật khó khăn khi phải đối mặt. Còn gì đau lòng hơn khi người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh. Nhưng đối với cặp vợ chồng ở Utah, họ quyết định phải làm điều gì đó để luôn cảm thấy vui vẻ khi nhớ đến con, thay vì đau buồn.
Cậu bé Matthew Stanford Robison (23/9/1988) may mắn được sinh ra trong tình yêu thương và sự chờ đón của cặp vợ chồng trẻ người Utah: Ông Ernest và bà Anneke Robison.
Thế nhưng nhìn ngắm đứa con mới sinh chưa được bao lâu thì cả hai phải đón nhận một tin dữ từ bác sĩ, khiến niềm vui chưa kịp chớm nở bỗng tắt lịm. Matthew yêu quý của họ có lẽ chỉ sống thêm vài giờ nữa do bị thiếu oxy trong giai đoạn thai nén.
Một điều không dễ chấp nhận đối với đôi vợ chồng trẻ, họ thầm nghĩ Matthew tội nghiệp vẫn còn chưa biết thế giới này xinh đẹp thế nào, và bố mẹ đã yêu mến và mong chờ con nhiều biết bao… cả Ernest và Anneke Robison đều không muốn từ bỏ hy vọng, họ cầu nguyện cho Matthew có thể ở lại với họ lâu thêm một chút. Các bác sĩ cũng cố hết sức có thể để níu giữ mạng sống đang thoi thóp của chàng trai bé nhỏ này.
Và rồi phép màu đã xảy ra, Matthew đã kiên cường sống tiếp cuộc đời này như một lời đền đáp cho sự yêu thương và hy vọng của bố mẹ. Tuy nhiên biến chứng để lại là Matthew sẽ bị mù bẩm sinh và liệt toàn thân.
Nhưng tất cả những điều không may đó vẫn không thành vấn đề, Matthew vẫn ổn, vẫn hạnh phúc và kiên cường hơn bất kỳ đứa trẻ nào trên đời.
Từ khi cậu cất tiếng khóc chào đời cho đến khi bập bẹ những âm thanh đầu tiên, Matthew đều thể hiện cho tất cả thấy rằng, bệnh tật không thể làm cậu gục ngã. Matthew là một cậu bé lạc quan và cậu luôn nói với mọi người rằng đừng bao giờ suy sụp hay bỏ cuộc khi gặp vấn đề trong cuộc sống. Matthew luôn đem lại tiếng cười và sự ấm áp đến cho tất cả mọi người và đó cũng là nguồn động viên lớn nhất trong cuộc đời của cậu.
Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến một ngày (21/2/1999) Matthew đã ra đi thanh thản trong khi đang chìm vào giấc ngủ ngon lành. Không đau đớn, không nước mắt, cậu bé đến và đi đều nhẹ nhàng như thế, cả lúc mất Matthew cũng không muốn mọi người phải bận tâm về mình.
Tang lễ của cậu được diễn ra trong sự đau buồn pha lẫn hụt hẫng của rất nhiều người thân. Đặc biệt với bố mẹ của cậu, ông Ernest và bà Anneke, nhưng họ đã không thể mong mỏi gì hơn ngoài chấp nhận sự thật, lẽ ra cậu đã ra đi từ rất sớm nhưng Matthew cuối cùng đã trụ lại bên họ lâu nhất có thể.
Họ nhớ lại những khoảnh khắc vui vẻ cùng Matthew và không thể tin rằng cậu bé đã ra đi bất ngờ như vậy.
“Và rồi mọi điều tốt đẹp sẽ đến, những linh hồn tử tế sẽ được đưa đến nơi bình yên trên thiên đàng. Ở nơi đó, sẽ không còn bất kỳ nỗi đau và sự tổn thương nào nữa.” (trích từ cáo phó của Matthew).
Gia đình Matthew vốn định chôn cất cậu và làm một ngôi mộ bình thường theo như truyền thống, nhưng rồi ông Ernest bỗng nảy ra một ý tưởng…
Là người hiểu con trai hơn ai hết, dù rất đau buồn, nhưng ông không muốn ngôi mộ của con trai mình trở nên u ám và chỉ đầy nỗi đau.
Người cha quyết định sẽ xây một bức tượng điêu khắc hình con trai mình đang trong dáng vẻ hoạt bát và rạng rỡ nhất, hệt như khi Matthew còn sống. Ông mong tất cả mọi người đều chỉ ghi nhớ đến những kỷ niệm tươi đẹp và hạnh phúc nhất mà cậu bé khi còn sống đem lại.
Ngôi mộ được đặt ở nghĩa trang Salt Lake City. Phần dưới của nó được khắc các thông tin của người mất như bao ngôi mộ bình thường khác, nhưng phía trên thân mộ lại là một bức tượng với hình ảnh Matthew đang đứng trên chiếc xe lăn, cậu bé giơ cao tay hướng lên trời, tượng trưng cho một điều rằng, Matthew cuối cùng cũng đã được giải thoát khỏi thân xác tàn tật của mình.
Bức tượng này đã thu hút rất nhiều du khách tới thăm ngôi mộ của Matthew. Không chỉ tượng trưng cho một sự giải thoát để đến với một thế giới mới tươi đẹp hơn. Bức tượng còn là minh chứng cho một điều rằng ở thế giới bên kia, Matthew sẽ không còn tàn tật nữa, cậu bé sẽ được tự do bay nhảy trên đôi chân của mình giữa thiên đường rực rỡ tươi đẹp, nơi không có nỗi buồn và cũng không còn tồn tại cái chết…
Không chỉ vậy, ngôi mộ của Matthew còn có ý nghĩa phi thường hơn cả khi nó truyền cảm hứng tới những gia đình mất đi người thân do bị khuyết tật. Nó là biểu tượng của sự hy vọng và lòng dũng cảm, giúp họ xoa dịu phần nào nỗi đau….
Để tưởng nhớ đứa con của mình, Ernest và Anneke còn quyết định thành lập một tổ chức từ thiện vào năm 1993 mang tên Ability Found. Có rất nhiều trường hợp, từ trẻ nhỏ tới người lớn, bị khuyết tật nhưng không có điều kiện để mua các thiết bị hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày của họ. Tổ chức này được lập ra với mục đích giúp đỡ những người đang gặp phải vấn đề đó.
Enjoy Utah!, một trang blog viết về những điều ở Utah từng có một bài đăng chia sẻ về cảm xúc của mình khi tình cờ đi ngang qua ngôi mộ của Matthew rằng:
“Vào một ngày khi đang đi nghiên cứu khu nghĩa trang Salt Lake City, tôi tình cờ bắt gặp và bị ấn tượng bởi ngôi mộ tuyệt đẹp này. Chưa bao giờ tôi thấy một ngôi mộ nào đong đầy ý nghĩa và xúc cảm ngay khi mới nhìn vào như bia mộ của Matthew. Lần nào tới đây, tôi cũng đều không thể ngừng rơi nước mắt. Bức tượng cho tôi thấy được rằng những người khuyết tật luôn phải chịu những khó khăn và thách thức trong cuộc sống, nhưng khi bước qua thế giới bên kia, linh hồn của họ sẽ được giải thoát khỏi những tổn thương nơi trần thế.”
Trong cuộc sống, ai cũng phải đối mặt với những nỗi đau, bị kịch. Lúc này sự lựa chọn sẽ nằm ở chúng ta: sống với nỗi đau hay biến nó thành những ký ức đẹp như cách mà cặp vợ chồng Arnest và Anneke đã làm.
Dù chỉ sống cùng Matthew trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cặp vợ chồng luôn coi những khoảnh khắc đó như thước quà quý giá, lấy nó làm sức mạnh để tiếp tục sống, lan tỏa sự lạc quan, và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.
Riêng với Matthew, bằng trái tim thuần hậu, cậu bé đã sống trọn hết những gì mình có thể, biến những tháng ngày quý giá mà thượng đế ban cho mình để mang niềm hạnh phúc và lan tỏa thông điệp về sự lạc quan trước tất cả mọi khó khăn trong cuộc đời. Tận lúc chết đi Matthew vẫn chọn cách ra đi nhẹ nhàng để không khiến những người thân yêu của mình phải quá đau đớn.
Câu chuyện của Matthew khiến nhiều người nhớ đến một câu hát rằng:
“
Nếu con ra đi khi mái đầu còn xanh
Xin hãy mai táng con trong xa tanh bóng mịn
Đặt con nằm trên một chiếc giường phủ đầy hoa hồng
Thả con trên sông khi bình minh vừa rạng
Tiễn đưa con bằng những ca từ của yêu thương…
Xin Chúa hãy cho con hoá thành cầu vồng
Để con phủ ánh sáng của mình xuống mẹ thân yêu
Và khi mẹ yêu đứng dưới cầu vồng rực rỡ ấy
Mẹ sẽ biết rằng con được bình an khi ở bên Người
Ôi, cuộc đời đâu phải lúc nào cũng được như ta mong muốn…
Mẹ còn chưa bạc tóc, sao đã phải tiễn con đi…
Cuộc đời ngắn ngủi của con như lưỡi dao sắc cứa vào lòng mẹ
Nhưng mẹ ơi, con đã sống trọn những ngày tháng qua…
…
Con đã sống vừa đủ rồi!
”
Chúc Di (Theo The Epoch Times)