Sở thích của người giàu tạo ra chợ đen hàng tỷ đô
Do số lượng ngày càng tăng những người giàu có trên thế giới tìm kiếm các nơi
an toàn để cất giữ tiền, nhiều người đã quay sang “đầu tư vào cảm xúc”, gồm cả
các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, các bộ sưu tập hiếm và thậm chí là rượu.
Hồi đầu năm, việc bán bức tranh “The Sream” của Edvard Munch với giá 120
triệu USD đã phá kỷ lục bức họa đắt giá nhất từng được bán tại phòng đấu giá.
Năm 2010, một nhân vật siêu giàu đã chi hơn 11 tỷ USD cho nghệ thuật và hơn 5 tỷ
USD cho rượu vang.
Tuy nhiên, ở nơi nào một số tiền lớn được chi ra thì ở đó có một cơ hội lớn
để cướp của người giàu.
“Bọn tội phạm theo dõi thị trường và lần theo đồng đô la. Khi đô la di chuyển
quanh thế giới và đó là nơi bọn chúng đi”, cựu nhân viên FBI Robert Wittman nói.
Wittman là một trong những điệp viên FBI đầu tiên chuyên trách về tội phạm
nghệ thuật. FBI hiện có 14 đặc vụ được đào tạo để lấy lại các tài sản văn hóa bị
đánh cắp có giá trị cao. Bonnie Magness Gardnier chỉ huy đơn vị này và Hồ sơ
nghệ thuật quốc gia bị đánh cắp – một dữ liệu trên mạng về các món đồ bị mất có
giá trị từ 2.000 USD tới hàng chục triệu USD.
“Chúng tôi hiện có 7.600 món đồ trong hồ sơ”, Gardnier nói. “Chúng ta có
những tác phẩm nghệ thuật và chúng ta cũng có những món đồ có ý nghĩa như nhẫn
hồi còn đi học của Elvis, tài liệu, nữ trang, các tác phẩm điêu khắc, đồ thủ
công”.
Một khi đã bị đánh cắp, các món đồ ngay lập tức được đưa ra chợ đen. Tuy
nhiên, chúng thường không trôi nổi ở đây lâu.
“Kẻ đánh cắp tác phẩm nghệ thuật đó biết nó là đồ ăn cắp. Hắn tới chỗ một
người mua, tới hiệu đồ cổ, quán cầm đồ và chuyển nó thành tiền mặt. Ở Mỹ, việc
bán một tác phẩm nghệ thuật không cần có văn bản đi kèm”, Gardnier giải thích.
Trên khắp thế giới, có rất nhiều người mua không quan tâm tới các món đồ sưu
tầm tới từ đâu. Phóng viên CNBC là Robert Frank tin rằng một trong những lý do
của việc này có thể là do sự giàu có được tạo ra ở Trung Quốc, Nga và Brazil.
“Tôi nói chuyện với một nhà quản lý giàu có từng tới chơi nhà một tỷ phú, người
sở hữu nhiều bức tranh của Picassos. Anh ta nói: Ông có chúng từ đâu và nhà tỷ
phú Nga nói: Tốt hơn hết là tôi không nói ra”, Frank nhớ lại.
Wittman cho hay, một số vụ trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật được lập kế hoạch
kỹ càng, làm gợi nhớ tới bộ phim Thomas Crown. Trong khi đó, có những vụ trộm
cắp lại do một tay trong có thể tiếp xúc với bộ sưu tập tiến hành.
Richard Weisman có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật văn hóa dân gian đáng
nể nhất. Tháng 9/2009, khi ông đang ở nhà tại Seattle, một kẻ trộm đã đột nhập
vào căn hộ của ông ở Los Angeles và bước ra với bộ tranh của Andy Warhol đã được
bảo hiểm với giá 25 triệu USD, Weisman kể.
Roxane West được thừa hưởng hàng trăm bức tranh và hàng nghìn bức vẽ do cô của
bà vẽ – họa sĩ theo chủ nghĩa biểu hiện Shirley Alameda. Roxane West không bao
giờ nghĩ rằng, người quản lý tòa nhà – người mà bà vô cùng tin tưởng và đối xử
như người thân trong gia đình, lại đánh cắp toàn bộ bộ sưu tập của cô bà.
Theo FBI, những tổn thất từ các vụ trộm cắp trắng trợn là hàng tỷ đô mỗi năm.
Tuy nhiên, điều đó không làm chùn bước các nhà đầu tư.
“Trên thế giới hiện có 11 triệu triệu phú và con số này đang tăng lên. Do
vậy, số người mua ngày càng tăng trong khi số bộ sưu tập lại sụt giảm nên giá cứ
tiếp tục tăng”, Frank nói.
- Hoài Linh (Theo CNBC)
Phần II: Các vụ trộm cắp tác phẩm nghệ thuật khét tiếng
(vietnamnet.vn)