Rùng rợn những câu chuyện về “bóng ma trong nhà hát”
Không ít nhà hát nổi tiếng bị đồn có ma ám và có lẽ không phải ngẫu nhiên khi các nhà hát lại hay bị đồn có ma tới vậy.
Nhà hát Belasco, thành phố New York, Mỹ
David Belasco là một trong những nhà sản xuất kịch nổi tiếng nhất hồi đầu thế kỷ 20 tại sân khấu kịch Broadway. Sinh thời, ông thường ăn mặc rất kỳ quái, cho tới nay người ta còn nhớ nhất chiếc áo choàng thầy tu của ông. Sau khi Belasco qua đời, người ta cho rằng hồn ma của ông vẫn thường khoác chiếc áo thầy tu bay lượn trong nhà hát.
Trước đây, bên trong nhà hát có một căn hộ dành để nhà sản xuất Belasco ở luôn tại đây. Sau khi ông qua đời vào năm 1931, người ta đồn rằng hồn ma của ông vẫn còn quá lưu luyến với nhà hát nên thường trở đi trở lại văn phòng, căn hộ riêng và ban công trong nhà hát.
Có những phụ nữ đến rạp nói rằng nhiều khi họ không thể ngồi yên được vì như có ai đó trêu chọc sau lưng, người ta cho rằng đó chính là hồn ma nghịch ngợm của nhà sản xuất Belasco vì sinh thời, ông thường xuyên xuất hiện bên các quý bà, quý cô để trêu chọc họ.
Nhà hát Palace, thành phố New York, Mỹ
Hồn ma ám nhà hát Palace từng là một ngôi sao của sân khấu kịch Broadway thập niên 1960 – cô Judy Garland. Sinh thời, cô Garland là một nữ nghệ sĩ tài năng, được khán giả yêu mến, tuy vậy, vì vướng vào nghiện ngập mà cô sớm từ giã cuộc đời.
Người ta kể rằng trước đây nhà hát Palace từng có một cánh cửa riêng cho cô Garland ra vào bằng lối riêng nhưng kể từ khi cô qua đời, lối đó không ai dùng nữa. Tuy vậy, nhiều khi người ta vẫn thấy hồn ma cô Garland qua lại lối này.
Nhà hát Opera Paris, thành phố Paris, Pháp
Tiểu thuyết “Phantom of the Opera” (Bóng ma trong nhà hát) thực tế được sáng tạo dựa trên những lời đồn thổi. Hồi đầu thế kỷ 20, người ta từng tìm thấy một bộ thi hài nằm trong một căn phòng bí mật bên trong nhà hát.
Chính câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết “Phantom of the Opera” ra mắt năm 1910. Sau này, cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành một bộ phim câm và đặc biệt là một vở nhạc kịch nổi tiếng.
Năm 1896, một chùm đèn trong nhà hát đã rơi xuống khiến một công nhân xây dựng bị thiệt mạng, chi tiết này sau đó đã được sử dụng lại trong cuốn tiểu thuyết kể trên.
Ngoài ra, người ta cho rằng nhà hát Opera Paris còn có một hồn ma nữa, đó là một người phụ nữ từng tự tử trong nhà hát hồi thế kỷ 19. Đến nay, nhiều người nói rằng họ vẫn thường thấy một phụ nữ kỳ lạ đi dọc các hành lang nhà hát như để tìm người đàn ông đã phụ tình chị ta.
Nhà hát Palace, thành phố Los Angeles, Mỹ
Nhà hát Palace là nhà hát lâu đời nhất ở Los Angeles. Nơi đây có ba hành lang, hành lang thứ ba xưa kia vốn chỉ dành cho người da đen. Thường hành lang này sau khi đã “gom” đủ khách sẽ bị khóa lại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Chính tại đây, người ta thường xuyên nhìn thấy những hồn ma xuất hiện. Các diễn viên biểu diễn trên sân khấu khi nhìn về phía hành lang này thường thấy những nhân vật bí ẩn xuất hiện, ra vào hành lang dù khi đó những cánh cửa dẫn vào lối này đã bị khóa và một khi sân khấu đã lên đèn, bảo vệ cũng không cho phép bất kỳ ai được đứng ở đó nữa.
Trong nhiều năm, khán giả và nhân viên nhà hát Palace từng thấy có một nhân vật nữ mặc váy dài trắng hay bay vụt qua sân khấu vào trong cánh gà và không xuất hiện trở lại thêm một lần nào nữa trong suốt buổi biểu diễn.
Nhà hát Royal Drury Lane, thành phố London, Anh
Một trong những con ma nổi tiếng nhất ở thành phố London chính là “người đàn ông áo xám” thường xuất hiện tại nhà hát Royal Drury Lane. Người ta cũng nói rằng hồi cuối thế kỷ 19, công nhân xây dựng từng tìm thấy bên trong nhà hát một bộ hài cốt.
Nhà hát Orpheum, thành phố Memphis, Mỹ
Hàng ghế C5 trong nhà hát Orpheum bị đồn là có một hồn ma tên là “Mary” thường ngồi xem kịch.
Nhà hát St. James, thành phố Wellington, New Zealand
Thường các nhà hát bị đồn có ma ám tập trung ở Châu Âu và Mỹ với hai trung tâm kịch nghệ lớn là West End và Broadway, tuy vậy, ở New Zealand cũng có một nhà hát bị đồn có ma ám. Đó chính là nhà hát St. James được xây dựng từ năm 1913.
Trước đây, từng có một diễn viên xiếc nhào lộn người Nga tên là “Yuri” gặp tai nạn khi đang biểu diễn. Cô đã qua đời ngay trong nhà hát mà nguyên nhân được cho là bởi các bóng đèn khi đó chớp tắt một cách kỳ lạ.
Bên cạnh đó, người ta còn thường nghe thấy tiếng than khóc của một người phụ nữ bên trong nhà hát. Theo lý giải của nhiều người, đây là tiếng khóc của một nữ diễn viên từng bị khán giả la ó, đuổi xuống sân khấu. Hậu quả là kể từ đó, người nữ diễn viên không ngừng than khóc, tạo thành những âm thanh ri rỉ kỳ lạ bên trong nhà hát.
Lại cũng có chuyện kể rằng trong thời kỳ Thế chiến II, có một dàn hợp xướng gồm các bé trai đã biểu diễn lần cuối tại nhà hát này trước khi lên tàu đi lưu diễn. Không may con tàu này đã bị đắm ngoài biển và linh hồn các cậu bé thường trở về nhà hát St. James để tiếp tục ca hát. Tiếng hát của các em vẫn thường được các nhân viên trong nhà hát nghe thấy.
Nhà hát Adelphi, thành phố London, Anh
Linh hồn của nam diễn viên William Terriss, người từng bị đâm chết ngay trong nhà hát hồi năm 1897 cho đến nay vẫn còn ám nhà hát Adelphi. Chuyện kể lại rằng người diễn viên dự bị thay thế cho Terriss đã nằm mơ ngay đêm hôm trước xảy ra vụ án mạng rằng nam diễn viên Terriss nằm sõng soài trong một vũng máu ở phòng thay đồ.
Nhà hát Grauman’s Chinese, thành phố Los Angeles, Mỹ
Nam diễn viên Victor Killian của nhà hát Grauman’s Chinese cũng từng bị người ta đánh tới chết. Sau khi Killian qua đời, người ta nói rằng vẫn thường thấy bóng anh đi lại phía trước nhà hát như để tìm lại người đã đánh anh đến mất mạng.
Nhà hát Oregon Shakespeare Festival, thành phố Ashland, Mỹ
Người ta đồn rằng hồi thế kỷ 19, có một cô bé bị giết hại oan uổng, cho tới hôm nay, cô bé vẫn còn đi lại xung quanh nhà hát để dọa ma những khách đến xem kịch một mình.
Theo Foxnews
Nguồn: Dân Trí