Nhập viện vì ăn thạch không rõ nguồn gốc
Chỉ với giá 1000 – 2.000 đồng một chiếc, những chiếc thạch không rõ nguồn gốc được bán phổ biến ở các sạp tạp hóa, các cổng trường học. Bất chấp những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, loại thạch này được rất nhiều trẻ con ưa thích.
Tiêu chảy vì “thực phẩm bổ dưỡng”
Chị Nguyễn Ngọc Thảo (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa hết sự mệt mỏi khi kể lại câu chuyện nhập viện cấp cứu cho con. “ Buổi chiều đón con từ trường về cháu đòi mua xúc xích, chiều con nên tôi ghé vào một cửa hàng tạp hóa để mua. Thấy loại thạch với hình dáng con vật như thỏ màu sắc bắt mắt nên con trai tôi đòi mua. Mua 3 cái và cháu ăn ngay lúc đó. Tối về nhà trước bữa cơm cháu đau bụng và bắt đầu nôn…cứ thế “miệng nôn, trôn tháo”cho đến khi tôi đưa cháu vào viện vì tiêu chảy cấp”.
Trong bệnh án của con trai chị Thảo có ghi “ngộ độc thực phẩm”. “Hiện sức khỏe của cháu đã ổn định nhưng tôi thật sợ cái món thạch xanh đỏ ấy, vì chủ quan mà tôi đã hại con mình”.
Theo lời giới thiệu của chị Thảo, PV tìm đến cửa hàng bán thạch trên đường Trần Cung (Từ Liêm – Hà Nội ), tại đây vẫn còn còn bày bán loại thạch như phản ánh của chị Thảo. Được biết, hai loại thạch này rất được các trẻ nhỏ ưa thích vì vị thơm, ngọt và … vừa túi tiền. “Tôi bán loại thạch này từ lâu rồi, chủ yếu cho bọn trẻ con”, chị chủ cửa hàng trên đường Trần Cung cho biết.
Khi hỏi xem bao bì và nguồn gốc sản phẩm, chị chủ cửa hàng chống chế: ” Loại thạch này đựng trong túi bóng, chả có bao bì gì cả, mình nhập theo hệ thống phân phối cùng các loại bánh kẹo khác thôi”.
Thật khó có thể an toàn với một sản phẩm giá rẻ và không nguồn gốc xuất xứ |
Khi xem sản phẩm thạch dài hình con thỏ thì chỉ có duy nhất một nhãn bằng chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí có những cây thạch mất nhãn, hoặc còn thì hoen ố. Loại thạch này không có hạn sử dụng.
Cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), những loại thạch giá rẻ, màu sắc này thường được sản xuất thủ công. Với những thành phần và chỉ tiêu ghi trên nhãn cho thấy “chỉ là ghi cho có” bởi theo ông Thịnh, với tỉ lệ % về chỉ tiêu chất lượng như vậy mà giá chỉ có 1000 đồng thì không thể là một sản phẩm an toàn được.
“ Việc sử dụng hương liệu và phẩm màu thực phẩm quá mức cho phép có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, khi bộ máy tiêu hóa còn rất nhạy cảm thì việc hấp thu những loại thực phẩm không an toàn có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như ngộ độc, nôn, tiêu chảy, nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, PGS –TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Thạch dài hình con thỏ nhãn bằng chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí có những cây thạch mất nhãn, hoặc còn thì hoen ố. |
Được biết, hiện nay tại các làng nghề sản xuất bánh kẹo như La phù, Dương Liễu ( Hoài Đức, Hà Nội) việc sản xuất các loại bánh kẹo theo lối thủ công rất phổ biến. Việc kiểm soát các loại phẩm màu, hương liệu thực phẩm dường như bị thả nổi.
Đó là chưa kể đến trên thị trường hiện nay xuất hiện những loại “quà” của trẻ được bán nhan nhản ở cửa hàng, hàng rong gần các trường học mà không thể kiểm soát. Đặc biệt là các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được nhiều học sinh, thậm chí cả phụ huynh mua cho con em mình sử dụng.
“Để tránh những nguy cơ độc hại từ những thực phẩm kém chất lượng vẫn luôn rình rập trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con em mình sử dụng những sản phẩm có uy tín, tốt nhất không nên cho tiền để trẻ tự mua quà”, PGS –TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên.
(vietnamnet.vn)