Tepco rút khỏi dự án hạt nhân ở Việt Nam
Nhà máy điện Fukushima I, nhà máy bị tàn phá trong thảm họa động đất/sóng thần hơn một năm trước.
Tepco là cổ đông chính với 20% cổ phần trong Công ty Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế của Nhật Bản (JINED) với sự tham gia của tám công ty điện khác nữa.
Báo Mainichi dẫn lời tân chủ tịch Naomi Hirose nói: “Các kỹ sư chuyên về lò phản ứng hạt nhân của Tepco cần tập trung vào việc ổn định và tháo dỡ các lò phải ứng tại nhà máy (gặp sự cố ở Fukushima) trong thời gian dài.
“Chúng tôi không thể đặt trọng tâm vào xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân vì nó ảnh hưởng tới cách ứng phó của chúng ta với cuộc khủng hoảng.”
Vụ rò rỉ hạt nhân tại các nhà máy ở Fukushima ảnh hưởng tới một vùng rộng lớn và khiến hàng chục ngàn người phải di tản.
Người ta ước tính Nhật Bản sẽ mất hàng chục năm để tẩy phóng xạ.
Tờ Mainichi cho rằng quyết định rút khỏi JINED của Tepco có nhiều khả năng buộc chính phủ xem xét lại chính sách thúc đẩy xuất khẩu hạt nhân của họ.
Các đối tác còn lại của JINED cũng bao gồm các công ty Hitachi, Mitsubishi Heavy Industries và Innovation Network Corporation of Japan.
Báo Mainichi dẫn lời một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, bộ đưa ra sáng kiến thành lập JINED, nói họ đang xem xét chuyện mời Công ty Điện lực Kansai thay thế Tepco ở vai trò dẫn đầu.
Các nguồn tin chính phủ được báo Mainichi dẫn cũng nói Việt Nam có thể hủy hợp đồng với JINED nếu Nhật không bù đắp được cho việc Tepco rút đi. Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi đối với việc Nhật Bản xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân trong khi chính họ lại đang dần từ bỏ công nghệ này.
Hôm qua cổ đông Tepco đã thông qua quyết định quốc hữu hóa công ty này.
Chính phủ Nhật sẽ đưa một ngàn tỷ yên (12,6 triệu đôla) vào công ty để tránh phá sản và đưa tổng số tiền chính phủ hỗ trợ cho Tepco lên ít nhất 3,5 ngàn tỉ yên kể từ trận động đất vào năm ngoái làm hư hại lò phản ứng.
Vũ Quý
Theo BBC
(dantri.com.vn)