Y học cổ: Chữa bệnh bằng cách loại bỏ độc trùng trong cơ thể
Các phương pháp và hình thức trị liệu của y học Trung Quốc thời cổ đại rất phong phú đa dạng, trong đó có một số nội dung mà có lẽ con người hiện đại khó lòng tiếp nhận nổi. Tuy nhiên, những việc đó xác thực là có tồn tại vào thời cổ đại, còn được ghi chép và lưu lại trong lịch sử.
Phương pháp bắt trùng chữa bệnh trong Trung Y, không chỉ đơn giản như trục xuất ký sinh trùng gây bệnh trong nhận thức của Tây Y. Có một vài ví dụ cụ thể [về phương pháp này], mà nếu sử dụng Tây Y thì căn bản là không thể giải thích sáng tỏ nổi.
Trong sách “Danh Y Loại Án” có ghi: Vương Hải Tàng (danh y thời nhà Kim, học trò của Lý Đông Viên) nói: Có một người bệnh tên là Dương Thời, bị chứng phong tấn công vào tim, ăn vào thứ gì cũng đều bị nôn ra, toàn thân héo gầy. Ông bèn cho người bệnh uống viên thuốc “Vạn bệnh tử uyển”. Uống được 20 ngày, bệnh nhân đi ngoài ra 5, 6 khối thịt hình thù giống như con cóc, cùng với nhiều mủ trắng, rồi khỏi bệnh. Còn có một viên quan Thị lang họ Triệu mắc bệnh, hễ ăn là nôn, mắt mờ không nhìn được. Người bệnh cũng uống viên “Vạn bệnh tử uyển”, thế là đi ngoài ra 5, 7 con rắn xanh và rất nhiều mủ độc. Sau đó khỏi bệnh.
Trong sách “Minh sử” có ghi chép: Đới Nguyên Lễ (một Ngự y thời nhà Minh, là học trò của Chu Đan Khê) tuân theo mệnh lệnh của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (người sáng lập ra triều đại nhà Minh, làm vua từ năm 1368 đến 1398) chữa bệnh cho hoàng tử Yến Vương. Ông lấy những vị thuốc mà thầy thuốc trước đó đã dùng để đối chiếu, xem xét vì sao lại không có hiệu quả. Rồi ông hỏi Yến Vương thích ăn gì. Yến Vương nói thích ăn rau cần tây nhất. Đới Nguyên Lễ nói: Tôi biết nguyên nhân phát bệnh rồi. Thế là ông kê một phương thuốc thích hợp. Ngay trong tối hôm ấy, Yến Vương đi ngoài ra rất nhiều con châu chấu nhỏ, thế là khỏi bệnh.
Nôn ra một con châu chấu
Danh y Trần Sỹ Đạc trong sách “Bản Thảo Tân Biên” có ghi chép: Khi ông đi du lịch tại Hồ Bắc ở Hán Khẩu, có chủ nhân của một chiếc thuyền chở khách bị ho đã lâu ngày. Hỏi ông ấy vì sao mắc bệnh. Ông nói chiếc thuyền khi cập bến ở Tầm Giang, đang đêm có cơn lốc, trong khi ông bận rộn kêu lái thuyền chuẩn bị buồm và dây buộc thuyền, đột nhiên mưa xối vào lưng ông, cảm thấy lạnh buốt, từ đó ông bị ho khan mãi cho tới tận hôm nay. Càng ho thì trong lồng ngực càng cảm thấy ngứa, cho đến khi ho cảm thấy đau đớn, thổ huyết một trận thì mới tạm dừng ho.
Ông nói: “Nhất định là mưa lạnh đã xuyên thấu qua phổi, khiến cho trong phổi đã sinh ra trùng rồi”. Người chủ thuyền không tin. Không lâu sau ông ta đau ngực, rồi thổ huyết, làm sao cứu được nữa đây? Trần Sĩ Đạc bèn nói: “Hãy mau chóng uống nước ô mai đi”. Ông ta uống xong quả nhiên đau đớn giảm đi nhiều, hỏi Trần Sĩ Đạc thế là tại làm sao. Trần Sĩ Đạc nói: Đó là phương pháp thử, để kiểm nghiệm xem có trùng hay không. Trùng mà gặp phải vị chua thì sẽ ẩn nấp. Ông uống nước ô mai thì đau đớn tạm giải trừ, nhất định là do trùng đang tác quái rồi. Ông ấy lúc đó mới chịu tin tưởng Trần Sĩ Đạc.
Thứ nước uống đặc biệt
Trần Sĩ Đạc dùng lá “vạn niên thanh” giã lấy nước, dùng rượu hòa vào trong một cái chén, bảo ông ta khi ngực đau thì mau chóng uống ngay vào. Buổi tối, quả nhiên ngực ông ta lại đau, uống thuốc vào thì cơn đau càng dữ dội, đau đến độ chết đi sống lại. Ông ta cảm thấy vô cùng khát nước, muốn uống trà. Trần Sĩ Đạc cấm ông ta uống, khuyên ông ta uống thêm Vạn niên thanh. Ông ta không chịu nghe, Trần Sĩ Đạc bèn ép ông ta uống. Sau khi ông ta uống xong thì càng đau đớn, yết hầu ngứa ran. Trần Sĩ Đạc nói: “Đó là trùng gặp thuốc đang muốn chạy ra ngoài đó, hãy mau chóng uống vạn niên thanh nữa đi”. Ông ta bèn uống nữa, uống xong thì bắt đầu hộc máu, con trùng cùng với máu đồng thời phun ra. Con trùng đó dài khoảng 1 đốt ngón tay rưỡi, to bằng ngón tay, thân trông như con dế mèn. Chân nó dài như con bọ ngựa, đầu nó màu tím hồng, dưới ánh đèn sáng nhìn thấy trên đầu nó có 2 cái xúc tu dài 1 đốt ngón tay, trên lưng có cánh chưa mục đủ, bụng còn chưa đủ lớn. Con trùng còn ôm theo một khối máu tụ to bằng ngón tay.
Bắt trùng chữa bệnh là một phương pháp trị liệu vẫn được áp dụng bởi các bác sỹ Trung Y hàng đầu cho tới tận thế kỷ 20. Trong sách “Bồ Phụ Chu y án” ghi lại câu chuyện Bồ Phụ Chu dùng “Ôn bạch hoàn” để trị bệnh “Trùng cổ” (có triệu chứng gần giống với bệnh gan xơ cứng trướng nước) cho người cậu ruột. Cậu ông uống xong thì nôn ra 2 con trùng, dài 8 đốt ngón tay, to như cái quản bút, màu vàng hình dạng giống như con lươn. Trong sách “Vương Miên Chi phương tề học giảng cảo” có ghi chép: một bệnh nhân nọ dùng “Miết giáp tiên hoàn”, “Chu xa hoàn” để trị bệnh bụng trướng nước, khi đang đi trên đường thì đột ngột muốn đi đại tiện. Đại tiện ra một thứ có màu xanh lục. Căn bệnh bụng phình trướng nước lập tức khỏi ngay.
Mặc dù người ta lảng tránh thảo luận về những chuyện này ở Trung Quốc ngày nay, nhưng dù sao đi nữa đó cũng là những hiện tượng đã được ghi chép lại.
Theo Chanhkien.org / Epochtimes.com