Tấm gương y đức: Bị kẻ thù nghi ngờ nhưng vẫn bỏ qua để cứu người
Cổ nhân cho rằng, muốn y thuật đạt đến cảnh giới cao siêu thì cần phải có một lối sống thanh bần đạo hạnh, coi nhẹ danh lợi. Một bác sĩ mà chỉ quan tâm đến lợi ích, tâm tình nhỏ nhen hạn hẹp thì sẽ không màng đến an nguy của bệnh nhân.
Vạn Toàn, một y học gia nhi khoa nổi tiếng không kém Lý Thời Trân thời triều đại nhà Minh, hiệu là Mật Trai, mọi người thường gọi ông là Vạn Mật Trai, Gia đình ông nhiều đời “chữa bệnh cứu người”, là một gia đình có truyền thống về y học.
Ông đã tìm ra phương thuốc “Vạn thị ngưu hoàng thanh tâm hoàn”. Đến nay phương thuốc quý này vẫn được dùng để chữa cho trẻ nhỏ mắc chứng giật kinh phong. Ông tế thế cứu người dựa theo nguyên tắc “giàu và nghèo không có khoảng cách, cứu người là như nhau”.
Kẻ thù của Vạn Toàn là Hồ Nguyên Khê. Con trai 4 tuổi của Hồ Nguyên Khê mắc chứng ho khan nôn ra máu, đi tìm danh y khắp nơi nhưng không nơi nào có thể trị hết bệnh cho con trai ông. Hết cách đành phải tới cầu cứu Vạn Toàn.
Vạn Toàn “cứu người vì lương tâm, mà quên đi mối thù xưa”, lập tức đến khám cho đứa trẻ. Sau khi chẩn đoán chính xác bệnh tình, ông thành thật nói với Hồ Nguyên Khê, bệnh này có thể trị khỏi, nhưng thời gian cũng phải mất một tháng.
Vạn Toàn sau đó kê đơn thuốc cho con của Hồ Nguyên Khê, chỉ mới uống được 5 thang thuốc mà cơn ho đã giảm đi hết bảy phần, máu mũi, miệng đã ngừng chảy. Không ngờ rằng, Hồ Nguyên Khê nghi ngờ con ông lành bệnh quá trễ, chữa bệnh quá chậm, hơn nữa trong tâm cứ ngờ vực, cho rằng Vạn Toàn và mình từng có hiềm khích trước đây, nên không nhất định dụng tâm mà chữa trị, liền quyết định tìm đại phu khác, ông ta đã mời Vạn Thiệu đến chữa cho con mình.
Theo lý thông thường thì Vạn Toàn hoàn toàn có thể bỏ mặc không quan tâm. Khi có người khuyên ông cứ mặc kệ đi đừng quản nữa, Vạn Toàn nói: “Hồ Nguyên Khê chỉ có một đứa con trai, ngoại trừ tôi ra, không một ai có thể trị khỏi căn bệnh này cho đứa bé. Sau khi tôi đi, ông ta sẽ không mời tôi nữa, như vậy thì đứa bé này sẽ nguy mất, tuy không phải là tôi đã hại nó, nhưng cũng là có lỗi của tôi, do vậy tôi cần ở đây một thời gian. Đã như vậy, tôi sẽ ở lại xem đơn thuốc của Vạn Thiệu có ổn không. Nếu có vấn đề, tôi sẽ ngăn cản, còn nếu cảm thấy ổn hơn thì lúc ấy rời đi cũng chưa muộn”.
Sau khi xem đơn thuốc của Vạn Thiệu, Vạn Toàn cho rằng đơn thuốc được kê không đúng với bệnh tình của đứa bé, uống thuốc này vào ắt gặp nguy hiểm ngay. Vì vậy mà Vạn Toàn thành khẩn khuyên ngăn: “Phổi đứa bé này lên cao không xuống, phổi tản ra không thu vào, phòng phong, bách bộ (2 vị thuốc Đông y) làm sao mà dùng được?”
Vạn Thiệu không chịu nghe mà còn cãi chày cãi cối: “Phòng phong, Bách bộ là thần dược trị ho khan.” Hồ Nguyên Khê đứng kế bên mà a dua theo: “Đây là bài thuốc bí truyền của ông ta đấy.” Vạn Toàn hết sức nghiêm túc mà nói: “Tôi vì lo lắng cho con ông nên mới nói thế, tuyệt không mang tâm tranh đấu với các ông làm gì.”
Vạn Toàn không đành lòng thấy chết mà không cứu, khi sắp rời đi, ông còn hỏi thăm sức khỏe của đứa bé, vỗ về mà nói: “Ăn uống ít thôi, lỡ bệnh lại tái phát thì làm sao bây giờ?” Nói xong, không lời từ biệt mà rời đi. Quả nhiên không ngoài dự đoán của Vạn Toàn, sau khi uống một ít thuốc của Vạn Thiệu, bệnh tình lại tái phát nghiêm trọng. Ho khan lại xuất hiện, hơi thở bắt đầu yếu dần, bệnh trở lại giống như lúc đầu, mũi miệng đều bị chảy máu. Đứa trẻ đau đớn khóc than: “Con uống thuốc của Vạn Toàn tiên sinh mà sức khỏe tốt hơn nhiều, phụ thân mời ông này đến, đúng là muốn đầu độc con mà!”
Lúc này, bệnh chuyển biến đột ngột, mạng sống của đứa bé như ngàn cân treo sợi tóc, Thê tử của Hồ Nguyên Khê nhìn thấy cảnh tình của con mà thống khổ vô cùng. Lúc này bản thân Hồ Nguyên Khê bắt đầu thấy hối hận. Ngay lúc con ông đang đứng giữa ranh giới sống chết, Hồ Nguyên Khê đành phải áy náy mà đi mời Vạn Toàn một lần nữa.
Vạn Toàn cũng chẳng để tâm những chuyện trước kia mà chỉ tận tụy khuyên bảo: “Sớm nghe lời của tôi, thì giờ cũng không lưu lại hối hận. Muốn tôi chữa, thì ông nhất định phải vứt bỏ hiềm nghi trong tâm mình, và giao cho tôi quản việc này trong một tháng.” Kết quả chỉ mới có 17 ngày mà sức khỏe của đứa bé đã hồi phục hẳn lại.
Tấm lòng bao dung rộng lượng của Vạn Toàn thật là đáng khen ngợi trong thế giới ngày nay, ông xứng đáng là một tấm gương y đức của ngành y.
Sinh Toàn (Theo Soundofhope)