Vụ chiếm đoạt sim điện thoại, lấy 5,3 tỷ đồng: Nhà mạng không còn dữ liệu camera thời điểm cấp đổi sim
Bà T. phát hiện sim điện thoại bị khóa do đã được cấp lại cho người khác, ngay sau đó số tiền hơn 5,3 tỷ đồng của bà trong tài khoản tại 3 ngân hàng cũng đồng loạt bốc hơi; bà T. thắc mắc tại sao nhà mạng Viettel lại cấp sim điện thoại mới cho người khác mà không nhận dạng có đúng người hay không.
Liên quan vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, kẻ lạ chiếm đoạt sim điện thoại để sau đó rút hơn 5,3 tỷ đồng, nạn nhân là bà N.H.T.T (39 tuổi, ngụ Đồng Nai) có yêu cầu nhà mạng cung cấp dữ liệu camera tại thời điểm cấp đổi sim nhưng phía nhà mạng cho biết ‘không còn dữ liệu’.
Trước đó, theo Thanh Niên, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), công an TP.HCM, đã có quyết định khởi tố vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ liên quan hành vi chiếm đoạt sim điện thoại để chiếm đoạt hơn 5,3 tỷ đồng của bà N.H.T.T.
Theo PC02, cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.HCM tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà N.H.T.T, tố cáo đối tượng (không rõ lai lịch) đã làm giả chứng minh nhân dân (CMND) của bà. Sau đó, kẻ này giả danh bà T. đổi sim điện thoại mà bà đang sử dụng nhằm đăng ký nhận mã OTP khi thực hiện giao dịch internet banking tại các ngân hàng.
Đối tượng sử dụng số điện thoại này đăng nhập 3 tài khoản ngân hàng của bà T. rồi chiếm đoạt hơn 5,3 tỷ đồng.
Thực hiện 25 lần giao dịch để chuyển 5,3 tỷ đồng
Theo báo Dân Trí, trong đơn tố giác, bà T. cho biết vào sáng 01/12/2021, bà phát hiện điện thoại bị mất sóng nên gọi lên tổng đài Viettel thì được nhân viên cho biết sim điện thoại của bà bị khóa do đã cấp lại sim. Cửa hàng thực hiện việc cấp lại sim là tại một địa chỉ trên đường Lạc Long Quân (P.5, Q.11).
Tuy nhiên, theo bà T., bà không phải là người yêu cầu cấp lại sim và thời điểm đó bà vẫn luôn giữ giữ bản chính giấy CMND bên mình.
Sau đó, bà T. hoảng loạn vì phát hiện toàn bộ số tiền hơn 5,3 tỷ đồng dành dụm bấy lâu trong tài khoản của mình tại 3 ngân hàng đã bị chuyển cho các tài khoản lạ dưới hình thức chuyển khoản trực tuyến.
Bà T. vội gọi điện đến ngân hàng thì được thông báo rằng các lệnh chuyển khoản do chính bà xác lập và đã được xác thực bằng mã OTP gửi qua tin nhắn điện thoại.
“Tôi gọi điện đến ngân hàng thì không được giải quyết vì phía ngân hàng cho rằng các lệnh chuyển khoản do chính tôi xác lập và đã được xác thực bằng mã OTP gửi qua tin nhắn điện thoại.
Tôi nghi ngờ kẻ gian đã dùng số điện thoại đã xin cấp lại của tôi và dùng chức năng quên mật khẩu để yêu cầu các ngân hàng cung cấp lại mật khẩu internet banking, hoặc đối tượng đã dùng số điện thoại của tôi cũng chính là số điện thoại nhận OTP đã đăng ký với ngân hàng để gọi lên ngân hàng yêu cầu gửi lại mật khẩu về tin nhắn SMS, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản mà tôi có”, bà T. trình báo với PC02.
Sau đó, theo hướng dẫn của nhân viên tổng đài, bà T. đến cửa hàng viễn thông Viettel tại địa chỉ trên đường Lạc Long Quân để thắc mắc về việc cấp lại sim không đúng người, yêu cầu được trích xuất camera ngày cấp lại sim để làm rõ.
Tuy nhiên nhân viên cửa hàng trả lời vòng vo, không cung cấp hình ảnh và đưa ra lý do không lưu lại camera vì lý do bảo mật.
Bà T. làm thủ tục cấp lại sim lần nữa thì nhân viên yêu cầu cung cấp CMND, chụp ảnh và thực hiện các thủ tục đầy đủ.
“Tôi không thể lý giải được tại sao trước đó có thể cấp lại sim cho người khác mà không xem kỹ CMND hay nhận dạng có đúng người hay không”, bà T. trình bày.
Đến ngày 2/12/2021, bà T. đến các ngân hàng để yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản vì 3 tài khoản của bà T. ở 3 ngân hàng bị kẻ gian thực hiện 25 lần giao dịch chuyển tiền trực tuyến tổng cộng hơn 5,3 tỷ đồng qua tài khoản tên Tran Minh Toan và Nguyen Thanh Phong.
Nhà mạng nói ‘làm đúng quy trình‘
Theo bà T., sau khi đề nghị Viettel hỗ trợ cung cấp thông tin người yêu cầu cấp lại sim nhưng không được giải quyết, bà T. đã đề nghị các ngân hàng cung cấp lịch sử giao dịch tài khoản internet banking của mình nhưng chỉ có một ngân hàng cung cấp thông tin.
Theo đó, kẻ gian đã thực hiện rất nhiều yêu cầu như: Đăng nhập, xác thực khi đăng nhập sai mật khẩu nhiều lần, lấy lịch sử tài khoản, lấy danh sách tài khoản, nạp tiền điện thoại… bằng thiết bị iPhone.
Ngay sau đó, bà T. gửi đơn trình báo đến PC02 công an TP.HCM.
Ngoài ra, bà cũng gửi đơn đề nghị cung cấp thông tin cấp đổi sim đến công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post).
Khoảng 11 tháng sau kể từ lúc xảy ra vụ việc, ngày 11/10/2022, Viettel Post có văn bản trả lời bà T. rằng, nhân viên thực hiện cấp đổi sim tại cửa hàng Viettel trên đường Lạc Long Quân, quá trình thực hiện thủ tục cấp đổi sim mới, người yêu cầu đã cung cấp được giấy tờ tùy thân phù hợp với thông tin người đăng ký thuê bao.
Hệ thống của Viettel nhận diện trùng khớp thông tin của người yêu cầu cấp đổi sim, nên nhân viên thực hiện việc cấp đổi sim theo đúng quy định. Hồ sơ thực hiện việc cấp đổi sim gồm: CMND 2 mặt, chụp ảnh chân dung khách hàng, phiếu yêu cầu thay đổi dịch vụ trả trước.
Về dữ liệu camera mà bà T. yêu cầu cung cấp, Viettel Post trả lời Viettel Post không còn lưu dữ liệu camera tại thời điểm cấp đổi sim của bà T. Vì vậy không thể cung cấp theo yêu cầu.
Xuân Hạ (t/h)