Từ người khó gần, Phật Pháp đã thay đổi nữ sinh thành người vui vẻ hòa đồng
Cô bé Dương Thị Bích Loan sinh năm 2004, học sinh của trường THPT Lý Thái Tổ, Từ Sơn, Bắc Ninh, chia sẻ rằng, chỉ nhờ một cuốn sách mà bản thân đã thay đổi thành một con người hoàn toàn khác.
Cô nữ sinh lầm lì khó gần
Loan kể, trước khi đọc được cuốn sách này, mọi người xung quanh, gia đình và bạn bè thường nhận xét em là ba gai, hay cãi; mặt lúc nào cũng lầm lầm lì lì, ít cười; nhìn người gầy gầy ốm yếu trông rất khổ; lại còn bảo thủ, cứng nhắc, bướng bỉnh. Loan với bố mẹ không được gần gũi sẻ chia; với em trai thì hay ganh ghét, cãi nhau; bạn bè thì cảm thấy Loan rất khó gần.
Riêng với bản thân, về tính cách Loan cảm thấy em luôn ép chính mình vào một cái khung; tự thu mình lại. Em luôn tự đặt áp lực cho chính mình về chuyện học hành; luôn suy nghĩ rất tiêu cực, nhìn mọi chuyện đơn giản thành phức tạp; tự bản thân luôn làm khổ mình về ngoại hình; Loan suy dinh dưỡng, gầy gò, da đen sạm; mặt lúc nào cũng khó ở, cáu gắt.
Gặp người chị trong câu lạc bộ sách
Trong một lần tham gia một sự kiện của câu lạc bộ sách, Loan quen một người chị tên là Nguyễn Ánh. Sau buổi gặp gỡ về nhà Loan có nhắn tin với chị qua mạng.
“Thật sự là con ít khi chủ động nhắn tin với người khác lắm. Nhưng lúc ở câu lạc bộ con được bạn thân của chị giới thiệu là ‘bạn chị nó đọc nhiều sách cổ, kinh dịch của Trung Quốc lắm’, con lại là một người thích sách; cộng thêm lúc đó con cũng có nói chuyện qua với chị thì thấy chị hơn con có 1 tuổi mà chị trưởng thành, hiểu biết và toát ra cái khí chất cuốn hút con.
Một thời gian sau, hai chị em rủ nhau đi uống nước; nói chuyện một lúc con thấy trên bàn chị để 1 cuốn sách chữ Trung Quốc màu cam; con tò mò và có hỏi thì chị bảo ‘Nếu em muốn tìm hiểu về những điều kì lạ và vũ trụ hay mục đích mà con người tồn tại thì nên đọc cuốn sách này’. Con thấy thích và muốn mượn để đọc thì chị nói là có sách bản tiếng Việt”, Loan kể.
Bước vào tu luyện
Một tuần sau, Loan có ghé cửa hàng nhà chị Ánh chơi; nói chuyện một lúc, nhớ đến cuốn sách. Loan bảo “Chị ơi, chị quên cho em mượn sách”; vậy là chị vào trong cửa hàng lấy ra một cuốn sách màu xanh có tên “Chuyển Pháp Luân” tác giả Lý Hồng Chí đưa cho Loan.
“Buổi tối con cũng đắn đo không biết có nên đọc hay không; vì con mới lớn nên sợ bị lừa; tự dưng đang đâu có người tốt bụng tặng con sách. Tối hôm đó, chị có nhắn tin cho con, chị bảo ‘Ngày mai chủ nhật, nếu em rảnh thì đi cùng chị đến đây’.
Sau đó con được chị đưa đến lớp của các tiểu Đệ Tử; con ngạc nhiên vì thấy các em nhỏ ngồi thiền đáng yêu lắm, ngoan ngoãn, lễ phép. Ngày thường con toàn tránh xa trẻ con ra vì chúng nghịch ngợm lắm; nhưng hôm đó con lại thấy chúng như thiên thần vậy.
Hôm đó lớp tiểu Đệ Tử học bài giảng thứ tư trong sách Chuyển Pháp Luân phần ‘Đề cao tâm tính’ lại đúng với tâm trạng con lúc đó. Sư Phụ giảng rằng: ‘Tôi nói rằng chư vị đang vọng tưởng; chư vị không thể chi phối cuộc đời người khác được, không thể thao túng vận mệnh người khác được, kể cả vận mệnh vợ con, cha mẹ, anh em; chư vị có quyết định được những việc ấy không?’”, Loan kể và chia sẻ rằng lời giảng của Sư Phụ đã tác động đến tâm của em…
Loan kể rằng từ trước em đã luôn muốn bố mẹ hiểu mình; muốn em trai không chơi điện tử, bớt cãi bố mẹ hơn. Lúc đó em tự hỏi, mình đã hiểu cho sự vất vả của bố mẹ chưa? Mình đã nghe lời bố mẹ hơn chưa hay vẫn hay cãi? Mình đã nhẹ nhàng nhắc nhở em chưa? Câu trả lời của em khi ấy là ‘chưa’.
Lời của Sư Phụ giảng đã giúp em nhận ra được rằng khi em thay đổi cách cư xử, tính cách và thái độ với bố mẹ, em trai và mọi người thì họ cũng sẽ tự thay đổi cách cư xử với em. Lúc đó em đã tin vào Pháp và bước vào con đường tu luyện.
Cuốn sách thay đổi con người
Loan kể, từ khi bước vào Pháp, thế giới quan của em đã dần thay đổi; em bắt đầu học cách nghĩ cho người khác; nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn; lấy thiện đãi người, dù là họ có ghét em.
Trước giờ Loan cũng luôn tự hỏi tiêu chuẩn để nhận định người tốt xấu là gì nhỉ? Tại sao không ai nói với mình? Loan thấy mọi người xung quanh và bản thân luôn tự dùng tiêu chuẩn riêng của mình để nhận định điều đó. Cho đến khi, em đọc ba chữ ‘Chân – Thiện – Nhẫn’ thì mới hiểu đây chính là tiêu chuẩn mà mình cần tìm.
“Con hiểu được rằng ‘Chân’ là phải chân thật, chân thành không giả dối; ‘Thiện’ là con phải luôn đối xử tốt thiện lương với mọi người, nghĩ cho người khác trước, sau cùng mới là mình. Nhiều người bảo như vậy là thiệt thòi, sao phải khổ vậy. Nhưng con không nghĩ thế, khi mà ta luôn luôn thiện với mọi người; nghĩa là luôn giữ cho mình cái tâm an nhiên tự tại; thì ngay cả những người tưởng chừng như không thể làm người tốt, ta cũng có thể cảm hóa được họ.
Chữ ‘Nhẫn’ là con phải bao dung, vị tha, và mở lòng mình ra đón nhận mọi thứ một cách tích cực dù là đau khổ hay vui sướng. Khi có xung đột con biết cách Nhẫn lại để Tĩnh; khi đó con thấy hóa ra mọi chuyện cũng không có gì để chúng ta phải tức giận, cãi nhau. Làm người tốt sướng như vậy, hạnh phúc như vậy, cớ sao ta không làm?”, Loan tâm sự.
Loan cũng cho biết, cuốn sách ‘Chuyển Pháp Luân’ rất đặc biệt, bản thân em phải mất hơn 2 tháng mới đọc xong; trong khi những cuốn sách khác em đọc rất nhanh chỉ 3 – 4 ngày.
Mỗi tối khi học bài xong thì em hay lấy sách ra để đọc; nhưng bố mẹ hay tắt điện lúc 23h30 để các con ngủ sớm còn dậy đi học; bởi vậy em hay lấy đèn pin soi để đọc; dù chỉ đọc đi đọc lại cuốn sách này nhưng mỗi một lần đọc là một lần hiểu, một lần phát hiện ra điều mới mẻ.
Sáng sớm thì em hay dậy lúc 4h30 để luyện công và em vẫn cố gắng duy trì việc này đều đặn hơn.
Từ người lầm lì khó gần, cô bé đã dần hòa đồng và vui vẻ hơn
Từ sau khi đọc sách và áp dụng những gì mình hiểu được vào cuộc sống, những người xung quanh hay hỏi em “Loan dạo này nhìn cứ lạ lạ, xinh xinh thế nào í; da dẻ cũng trắng hơn, nhìn khuôn mặt càng ngày càng sáng”. Mọi người trong nhà cũng yêu quý em hơn vì dạo này thấy em đang thay đổi; bạn bè cũng hòa đồng với em hơn.
Với bản thân, Loan tự cảm thấy về tính cách mình đã phá bỏ giới hạn mà bản thân đặt ra cho mình; trở nên cởi mở hơn và chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn; em đã ít cãi và thương bố mẹ nhiều hơn. Về việc học hành, em không còn quá đặt nặng vào đó mà vẫn học tốt.
“Thật ra con nghĩ rằng, ai cũng có tài năng riêng; chỉ cần làm việc đó, đặt ba chữ ‘Chân – Thiện – Nhẫn’ vào là thành công rồi; không nhất thiết phải học thầy này, cô kia hay cứ phải nặng tâm về nó. Khi bản thân mình tốt lên, cả thế giới sẽ trở nên rất đáng yêu”, Loan chia sẻ.
Cô bé cũng tâm sự rằng, nhờ có Pháp mà em hiểu được những câu hỏi mà mình thắc mắc lúc nhỏ như ‘Tại sao con người phải chịu khổ? Tại sao con người phải sinh ra và rồi chết đi?’ Em cũng hiểu được tại sao lại có những mâu thuẫn, đau khổ xảy ra trong cuộc đời mình.
Không chỉ vậy, em còn được quen và có rất nhiều bạn tốt; một người chị gái tốt luôn luôn bảo ban giúp đỡ mình; và còn có các bạn tiểu đệ tử đáng yêu cũng như các đồng tu luôn coi em như là người nhà vậy.
Loan nói khi kể câu chuyện này ra thì chắc sẽ có nhiều người băn khoăn tại sao em còn trẻ vậy lại đi tu luyện như mấy người già. Em muốn nói rằng em cảm thấy rất may mắn được biết đến và tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Và “dù mọi người tin hay không thì hãy thử một lần trải nghiệm; vì cơ duyên lớn đến thế biết đến bao giờ mới gặp lại.”
Theo Nguyện Ước