Ông chủ quán hải sản quên mình cứu nhiều người bị sóng cuốn ở biển Cửa Việt
Phát hiện 4 thanh niên bị sóng cuốn ra xa, ông Nghĩa (45 tuổi, chủ quán Tình Biển) không kịp suy nghĩ, vội chạy ra lao xuống biển cứu người. Trong 4 người được ông Nghĩa ứng cứu có 3 người đã khỏe lại, riêng một người không may đã qua đời.
Sự việc xảy ra vào khoảng 16 giờ chiều ngày 27/03 tại biển Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
‘Giá mà có cái áo phao ngay từ đầu…’
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nghĩa cho hay, thời điểm ấy ông đang ở trên bãi biển để bắt ruốc (tép biển) thì nghe có tiếng kêu cứu ở phía bãi tắm. Chạy về phía có tiếng hô hoán, ông thấy 4 thanh niên tắm biển bị cuốn ra xa, đang vật lộn với con sóng dữ.
Ông Nghĩa không kịp nghĩ, liền lao xuống biển. “Lúc đó, tôi không có gì trong tay, áo phao không, đồ bảo hộ không mà đồng đội hỗ trợ cũng không nốt. Nhưng giữa cái sống cái chết cận kề của người ta, tôi không có thời gian suy nghĩ nữa, chỉ kịp cởi cái áo ngoài và lao ra biển”, ông Nghĩa nhớ lại.
Bốn người bị sóng biển cuốn ra xa thì có một người tự bơi được vào bờ, một người ông Nghĩa kéo giúp một đoạn rồi tự bơi vào được bờ. Sau đó ông bơi ra cứu hai thanh niên còn lại.
Thấy 2 người thanh niên càng lúc càng mất hút dưới lớp sóng. Ông nghĩa nói “Sợ thì cũng có sợ. Nhưng thấy chết không thể không cứu”. Khi bơi ra phía người thứ ba cách bờ hơn trăm mét, sóng quật liên tục khiến người đàn ông này cũng rã rời. Nhưng ông Nghĩa vẫn cố tiếp cận gần người này. Khi níu được người đuối nước này, ông liền làm ‘công tác tâm lý’ để nạn nhân bớt hoảng loạn, rồi từ từ dìu người này vào bờ.
Khi ngoảnh lại, thấy người còn lại bắt đầu chìm dần, dù thấm mệt nhưng ông không chịu bỏ cuộc, chạy đi kiếm một chiếc áo phao để mặc vào người rồi lại tiếp tục lao ra.
“Tôi bơi rất nhiều vòng nhưng tìm không ra người đó nữa”, ông Nghĩa nói và tâm sự rằng điều ông tiếc nuối nhất chính là việc ngay lúc thấy còn lại đuối nước thì ông lại không có áo phao, nên mất thời gian đi tìm, trôi qua khoảnh khắc vàng. Nếu có áo phao từ đầu, hẳn ông đã cứu được cả 2 người còn lại.
“Thế là một người đã ra đi, rất thương nhưng cũng đã làm hết sức của mình rồi”, ông Nghĩa có ý tự trách mình, vẫn còn buồn bã và tiếc nuối vì đã không cứu được người còn lại…
‘Gặp sự cố tương tự thì tôi vẫn cứu người bằng hết khả năng của mình’
Theo báo Tuổi Trẻ, những người ở vùng biển Cửa Việt không còn lạ với việc cứu người của ông Nghĩa. Mở quán bán hải sản ngay sát bờ biển, nên với ông cứu người đuối nước như một cái duyên.
Khoảng chục năm trở lại đây, ông Nghĩa đã 5 lần giành giật mạng sống của du khách thành công trước lưỡi hái tử thần. “Biển Cửa Việt ‘hiền lành’, nhưng nếu du khách không biết tránh những vị trí nguy hiểm thì sẽ rất dễ gặp nạn”, ông Nghĩa nói.
Ông đã được UBND huyện Gio Linh và UBND Thị Trấn Cửa Việt nhiều lần tuyên dương, tặng bằng khen vì hành động dũng cảm… “Tôi buôn bán ở đây đã nhiều năm, cứ thấy du khách về tắm biển tôi đều nhắc nhở người ta nên tắm ở khu vực nào an toàn, khi nào nên tránh xa vì có luồng nước xoáy, bất kể họ là khách của ai chứ không riêng của quán tôi”, ông Nghĩa nói.
Có một người chồng ‘nổi tiếng’ bơi lặn giỏi và nghĩa hiệp, nhưng vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Thương cũng có nỗi lo toan. Bởi là dân biển chính gốc, hơn ai hết bà hiểu về lời nguyền ‘cứu người thì đền mạng’ mà dân gian hay nói. “Là tôi lo cho anh ấy vậy thôi, chứ làm sao ngăn được! Cứ nghe tiếng kêu cứu ở dưới biển là anh bỏ quán xá, chạy ra cứu”, bà Thương nói.
Chia sẻ thật lòng, ông Nghĩa nói rằng lúc cứu người thường ông không sợ gì, nhưng khi về nghĩ lại cũng có lúc thấy… hơi rợn tóc gáy. Bởi theo ông thì việc cứu người trên biển không dễ, nếu không có kỹ năng, người cứu có thể… gặp nạn khi bị nạn nhân hoảng loạn ôm chặt. “Lo thì lo, nhưng nếu gặp sự cố tương tự thì tôi vẫn cứu người bằng hết khả năng của mình. Thời điểm người ta lâm nạn, sao ngó lơ được?”, ông Nghĩa khẳng khái nói.
Xuân Hạ (t/h)