Trưởng đặc khu Hong Kong từng đề nghị rút dự luật dẫn độ nhưng Bắc Kinh từ chối
Reuters hôm 30/8 đưa tin, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng đề nghị Trung Quốc rút dự luật dẫn độ, nhưng chính quyền nước này đã từ chối và yêu cầu bà không nhượng bộ người biểu tình.
Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, một ngày trước khi chính quyền Hồng Kông tuyên bố đình chỉ dự luật dẫn độ hôm 17/6, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đệ trình một báo cáo lên Văn phòng điều phối trung ương về các vấn đề Hồng Kông và Macao (HKMAO).
Nội dung kiến nghị nhận định rằng rút dự luật dẫn độ có thể xoa dịu các cuộc biểu tình ở đặc khu. Trong đó, bà Lâm phân tích và xem xét kỹ lại tính khả thi của 5 yêu cầu mà người biểu tình đưa ra.
Ngoài yêu cầu về rút dự luật dẫn độ, 4 yêu cầu còn lại gồm: một cuộc điều tra độc lập về hành động bạo lực của cảnh sát, loại bỏ thuật ngữ “nổi loạn, bạo loạn” khi mô tả các cuộc biểu tình, thả những người biểu tình bị bắt và tiến hành bầu cử dân chủ toàn diện.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của bà Lâm cũng như 5 điều kiện được nêu trong báo cáo, đồng thời yêu cầu bà không được phép nhượng bộ bất kỳ yêu cầu nào của người biểu tình tại thời điểm đó. Chính quyền Trung Quốc cũng muốn bộ máy của bà Lâm chủ động hơn trong việc kiểm soát tình hình.
Reuters chỉ ra, việc chính quyền Bắc Kinh đứng sau chính phủ Hồng Kông chỉ đạo làm thế nào để xử lý hoạt động biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đã được ngoại giới nhận định từ lâu.
Những chi tiết lần này mà Reuters nhận được cũng đã chứng minh việc chính phủ Hồng Kông cần hồi đáp lại hoạt động kháng nghị như thế nào, thực ra đều do Bắc Kinh quyết định.
Bên cạnh đó theo tiết lộ của ông Quách Văn Quý, doanh nhân người Hoa hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, từ ngày 9/6, cả 4 người bao gồm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ông Trương Kiến Tông, Tổng thư ký hành chính; ông Trần Mậu Ba, người đứng đầu cơ quan Tài chính Hồng Kông; bà Trịnh Nhược Hoa, người đứng đầu cơ quan Tư pháp Hồng Kông đều đã bị quân đội đồn trú tại Hồng Kông của đảng Cộng sản Trung Quốc và bộ đội đặc chủng được Bắc Kinh phái tới “bảo vệ”, “cũng tức là bị giam giữ! Vậy còn gì để nói đây!”.
Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau từ chối bình luận về thông tin trên.
Dự luật dẫn độ cho phép Bắc Kinh đưa đào phạm sang Trung Quốc xét xử là nguồn cơn dẫn tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong gần 3 tháng qua. Hàng triệu người đã xuống đường phản đối chính quyền, yêu cầu rút dự luật và bà Lâm phải từ chức.
Những người biểu tình lo ngại nếu dự luật được thông qua, cư dân Hong Kong cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này có nguy cơ bị đưa sang đại lục xét xử theo hệ thống luật pháp thiếu minh bạch của nước này.
Thùy Linh (t/h)