Hong Kong: Một cảnh sát rời bỏ sự nghiệp để đứng cùng hàng ngũ với những người biểu tình
Chứng kiến hình ảnh những cảnh sát đồng nghiệp dùng bạo lực, dùi cui, lựu đạn hơi cay… để trấn áp người dân quê hương mong muốn được tự do dân chủ, một cảnh sát Hong Kong đã bị dằn vặt không yên. Cuối cùng anh quyết định rời bỏ sự nghiệp cảnh sát, hòa vào dòng người biểu tình vì không muốn Hong Kong trở thành Trung Quốc đại lục.
Người cảnh sát ấy là Ricky Chui Yat Sing, 38 tuổi. Anh bắt đầu công tác tại trụ sở cảnh sát Hong Kong vào tháng 6/2018 trong vị trí trưởng phòng cảnh sát.
Chia sẻ với Vice News, anh cho biết sau khi cảnh sát bắt đầu dùng bạo lực, lựu đạn, hơi cay và công khai dùng dùi cui cùng các biện pháp nghiệp vụ để trấn áp những người biểu tình vào ngày 12/06/2019, kết thúc ca làm việc đêm hôm ấy, anh về nhà vào 10 giờ sáng hôm sau nhưng không tài nào ngủ được.
Những hình ảnh bạo lực mà các đồng nghiệp anh được chỉ đạo nhắm vào nhân dân đã khiến anh bị ám ảnh và dằn vặt. Ngay hôm sau, anh đã quyết định rời bỏ lực lượng cảnh sát Hồng Kông để tham gia các cuộc biểu tình và chấp nhận đối mặt với những đồng nghiệp cũ.
Anh muốn trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập cho Hong Kong cùng với người dân của mình.
Video Ricky Chui Yat Sing tuần hành cùng người biểu tình Hong Kong
Lý do quan trọng nhất mà Ricky đưa ra khi quyết định rời bỏ vĩnh viễn hàng ngũ cảnh sát Hong Kong là: “Tôi không thể phục vụ lực lượng cảnh sát nữa! Tôi muốn con gái tôi lớn lên và sống ở một nơi an toàn và tự do hơn. Tôi không muốn Hong Kong trở thành đại lục!”
Trong một video ghi lại cuộc tuần hành cùng dòng người biểu tình hồi tháng 6, anh nói: “Tôi có 2 yêu cầu muốn gửi đến chính phủ. Đầu tiên là không được tùy ý buộc tội sinh viên gây bạo loạn. Thứ hai là rút lại dự luật dẫn độ hà khắc”.
“Đình chỉ có nghĩa là luật dẫn độ vẫn có thể bị đưa ra trở lại. Chúng tôi muốn thứ luật khắc nghiệt đó không bao giờ xuất hiện lại nữa”.
Dự luật dẫn độ do chính phủ Hong Kong đề xuất sẽ cho phép Bắc Kinh đưa đào phạm từ Hong Kong sang đại lục xét xử theo hệ thống pháp luật không rõ ràng của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng quyền tự do dân chủ của người Hong Kong sẽ ngày càng bị xói mòn và chính phủ có thể sử dụng luật này để bịt miệng những người phản đối sự cai trị của Bắc Kinh.
Vì thế kể từ đầu tháng 6, các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đã bùng lên và ngày càng lan rộng để phản đối hành động bạo lực của cảnh sát.
Trong thời gian diễn ra biểu tình, lực lượng cảnh sát Hong Kong đã bị lên án sử dụng các biện pháp bạo lực để giải tán đám đông như dùng hơi cay, dùi cui, đạn cao su, tấn công bừa bãi người biểu tình ôn hòa, nhà báo và thường dân, gây thương tích nghiêm trọng, đồng thời tùy tiện bắt bớ và khép tội bạo loạn cho người biểu tình.
Trước đó, chính quyền Hong Kong cũng bị nghi ngờ có mối liên hệ với các nhóm côn đồ mặc áo trắng, đeo mặt nạ đã tấn công những người biểu tình và hành khách tại ga tàu ở Nguyên Lãng hôm 21/7.
Không lâu sau, một nhóm cảnh sát Hong Kong thậm chí còn viết thư công khai tiết lộ phó giám đốc Lực lượng cảnh sát Hong Kong đã thông đồng với băng đảng xã hội đen nhằm âm mưu tấn công người biểu tình tại ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng.
Mặc dù Trưởng Đặc khu Carrie Lam khẳng định chính quyền hiện đã đình chỉ dự luật dẫn độ, nhưng những người biểu tình muốn nó phải được rút bỏ hoàn toàn.
Thùy Linh (t/h)