Tình yêu vượt biên giới của vợ Triều Tiên và chồng người Việt: Chờ nhau 30 năm để được kết hôn
Cuộc tình của bà Ri Yong Hui và ông Phạm Ngọc Cảnh được người dân khu tập thể Thành Công gọi là kỳ tích, bởi theo họ, vượt qua chừng ấy thời gian yêu xa và biến điều không thể thành có thể thì ngoài ông bà, chẳng ai làm được. Yêu nhau trong bối cảnh pháp luật Triều Tiên ngăn cấm kết hôn với người ngoại quốc, bà Hui một lòng chờ đợi ông Cảnh ròng rã 30 năm để có ngày được chính phủ phê chuẩn cho nên vợ, thành chồng.
Trong căn nhà đã nhuốm màu thời gian, người phụ nữ Triều Tiên không biết tiếng bản địa, chẳng có bạn bè vẫn an yên tận hưởng cuộc sống. Bà bảo đôi lúc cô đơn và nhớ quê mẹ nhưng có động lực là tình yêu sắt son, chung thủy của chồng nên mạnh mẽ vượt qua.
Nàng dâu Triều Tiên ở Hà Nội
Bà Ri Yong Hui trở thành cô dâu ở tuổi 55, bẽn lẽn bên chồng trong tiệc cưới tổ chức năm 2002 ở trụ sở đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng. Trước lúc lên đường sang nước bạn cưới vợ, ông Cảnh ra chợ đặt may một bộ vest nữ, sắm chiếc mũ và đôi giầy cho bà Hui. Bà bảo đó là món hồi môn duy nhất trong hành lý khi theo chồng về Việt Nam làm dâu. Sau đó bạn bè ông Cảnh mỗi người tặng bà vài bộ quần áo là đủ cho thời gian đầu làm quen với cuộc sống ở Hà Nội.
Nhịp sinh hoạt của người Việt khác xa quê hương bà Hui, khiến bà đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác. Bà ngạc nhiên khi thấy mọi người dùng bữa sáng ngoài đường phố hay những vật nuôi được ăn cơm trắng với thức ăn ngon. Văn hóa ẩm thực của của Việt Nam và Triều Tiên, theo bà Hui, có nhiều điểm giống nhau. Bởi thế bà không mất thời gian làm quen với thịt rang, cá kho… thậm chí thấy vui vì được ăn uống thoải mái.
Lúc mới cưới, ông Cảnh đang công tác tại Liên đoàn xe đạp – motor Hà Nội nên thường xuyên đi công tác xa. Ông tranh thủ đưa vợ theo để bà được thăm thú nhiều địa danh trong và ngoài nước. Bà Hui kể đã ghé chơi hầu hết các tỉnh miền Nam, Bắc và từng du lịch Lào. “Mùa xuân, hoa ở Hà Giang nở rất đẹp”, bà Hui bảo.
Không biết tiếng Việt, mọi giao tiếp của bà Hui phải thông qua ông Cảnh. Mỗi lần đi chợ, bà chỉ chỏ rồi ra dấu chứ không biết mặc cả. Thời gian đầu, ông Cảnh xung phong dạy tiếng Việt cho vợ nhưng sau đó vì quá… khó hiểu nên bà Hui tự học. Bà có thể ngồi học tiếng Việt, tiếng Anh qua YouTube và đọc sách cả ngày trong phòng mà không thấy chán hay mệt mỏi.
Khi chồng đi vắng, người bạn của bà Hui là chiếc máy tính. Bà lên Internet xem các video dạy ngoại ngữ, phim truyền hình và thời sự tiếng Triều. Mỗi ngày, người vợ Triều Tiên quanh quẩn với việc dọn dẹp, nấu cơm và chăm sóc những chậu hoa cảnh ngoài cửa. Hỏi bà có buồn không, bà bảo: “Tất nhiên, nhưng đã quen rồi, nên không sao cả”.
Bà Hui rụt rè với người lạ nhưng khi quen rất thích tâm sự. Bà thường thêm vào những câu tiếng Việt ngọng nghịu vài hành động để người nghe dễ hiểu. Thỉnh thoảng, vợ ông Cảnh xấu hổ lấy tay che mặt. Có lúc lại nghiêng đầu lắc lư hay bưng má nũng nịu như một thiếu nữ mới lớn.
Bà Hui thích kể chuyện về bản thân, về ông Cảnh nhưng không muốn nói nhiều đến cảnh khổ ở quê hương. Bà bảo từ nhỏ sống khép kín bởi “người Triều Tiên là thế” và vốn mang lý lịch có cha lánh nạn ở miền nam nên thêm phần tự ti. Lúc có ít người, bà Hui vui vẻ tán chuyện, bình luận đẹp – xấu và đưa ra quan điểm. Nhưng đứng trước máy ảnh, bà bỗng rụt rè và liên tục nhìn ông Cảnh như để có thêm sự hỗ trợ.
Kết hôn khi đã ở nửa bên kia của cuộc đời, bà Hui không dám mơ được làm mẹ bởi hiểu rằng sức khỏe không cho phép. Bà diễn tả bằng giọng tiếng Việt ngọng nghịu: “Chúng tôi chết đi, không ai nuôi con, thương lắm”. Rồi bà bảo có nhiều điều “rất muốn” nhưng phải chấp nhận bởi “không thể làm được”. Bà chỉ mong khỏe mạnh để chăm sóc ông, ông Cảnh dạo gần đây hay đau đầu, ngủ không ngon giấc.
Tình yêu xuyên biên giới
Để có được cuộc sống hạnh phúc bên nhau, bà Ri Yong Hui và ông Phạm Ngọc Cảnh từng trải qua bao sóng gió: 2 năm yêu trong sự cấm đoán, 30 năm chờ đợi và không ít lần đau đớn vì bặt tin nhau.
Bà Ri Yong Hui là con gái lớn trong gia đình nghèo ở vùng biển thuộc thành phố Hàm Hưng, Triều Tiên. Năm 1950, vì lo sợ chiến tranh, cha của Hui lánh nạn sang miền Nam, để lại vợ cùng hai con nhỏ. Cô bé Hui lúc nhỏ học giỏi nhưng không có điều kiện học đại học, hết phổ thông thì về làm tại nhà máy Phân đạm Hưng Nam. Khi thực hiện công việc phân tích mẫu thí nghiệm trên tầng hai, cô phát hiện chàng thanh niên có gương mặt khôi ngô đứng dưới sân dõi nhìn.
Chàng trai Phạm Ngọc Cảnh sang Triều Tiên năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi. Sau mấy năm học tập tại Đại học Hóa học Công nghiệp Hàm Hưng, anh tới nhà máy nơi Hui làm việc để thực tập. Đem lòng yêu cô cán bộ hơn anh một tuổi có nước da trắng, Cảnh tìm mọi cách tiếp cận. Hui kể rằng mỗi lần cô đi lại trên sân đều gặp anh bước ngược chiều mỉm cười dù không thể nán lại nói chuyện.
Mối tình của đôi trẻ gặp nhiều chướng ngại bởi chính phủ Triều Tiên không cho phép công dân kết hôn với người ngoại quốc. Để được gặp Hui, Cảnh phải cải trang thành người bản địa với áo măng tô và chiếc mũ lông buộc xếch hai tai, đi bộ quãng đường 2 km từ nhà máy tới nơi cô sống. Cảnh gọi mỗi lần hẹn hò là “đánh du kích” bởi luôn phấp phỏng lo âu sẽ bị phát hiện. Nếu mọi chuyện vỡ lở, có thể anh sẽ bị trục xuất về nước còn Hui ở lại với muôn vàn khó khăn.
Người che chở cho đôi trẻ trong những ngày vượt khó yêu nhau là mẹ của Hui. Một lần, khi Cảnh đang ghé chơi nhà người yêu thì vị khách người Triều Tiên bất ngờ tới. Trong lúc Cảnh bối rối, mẹ bạn gái vội chạy ra nói khó tiễn người khách về để anh được vô sự. Nhưng vì lo cho con gái, bà nhiều lần nói Hui hãy nhắn anh đừng tới nữa và sớm quên mối tình không lối thoát ấy đi.
Hui tâm sự rằng cô yêu Cảnh bởi anh đẹp trai, tử tế và hay tặng quà. Mỗi lần đến nhà Hui, anh mang cho người yêu mảnh vải, chiếc bấm móng tay hay ít lương thực. Cuộc sống ở Triều Tiên thiếu thốn, những đồ dùng nho nhỏ là “báu vật” mà mỗi thiếu nữ đều muốn có được. Vừa có sinh hoạt phí do chính phủ cấp, vừa chịu khó mua đồng hồ từ Việt Nam sang bán thêm nên so với Hui, Cảnh có nguồn tài chính rủng rỉnh.
Cảnh nói với Hui rằng không lý giải nổi tại sao yêu cô đến vậy. Chỉ biết từ phút đầu gặp nhau, chàng trai Việt đã tự nhủ “nhất định sẽ cưới cô gái này”. Bên nhau đến năm 1973, Cảnh đến thời hạn về nước. Trong những ngày xa cách, anh đau đáu mong tin Hui và không ngừng viết cho cô những lá thư thông qua tên và địa chỉ của mẹ.
Sợi dây liên lạc giữa Hui và Cảnh đôi lần bị đứt đoạn bởi tình hình chính trị Triều Tiên. Những khi ấy, cô mong nhớ đến kiệt quệ còn anh hoảng loạn tìm tin tức người yêu. Chứng kiến con gái gầy guộc, đổ bệnh vì đau khổ, mẹ Hui xót xa nhưng chưa một lần giục cô đi lấy chồng. Về phía Cảnh, gia đình anh không thúc ép con trai quên người cũ mà để anh kiên trì theo đuổi tình yêu của mình.
Gần 30 năm kể từ lần cuối cùng gặp Hui tại Triều Tiên, Cảnh chưa một ngày ngừng ý định thuyết phục quốc gia này “gả vợ” cho anh. Chàng trai Việt nỗ lực xây dựng các tổ chức hữu nghị giữa hai nước, tìm cách sang công tác rồi kêu gọi quyên góp ủng hộ nước bạn. Cuối năm 1990, Phạm Ngọc Cảnh vận động bạn bè chung tay gửi 7 tấn gạo sang Triều Tiên đúng dịp nạn đói nghiêm trọng. Sau nhiều cố gắng, hạnh phúc đã mỉm cười khi phía Bình Nhưỡng gửi thư thông báo cho phép Ri Yong Hui kết hôn với Cảnh.
Hiện thu nhập chính của hai vợ chồng bà Hui là lương hưu của ông và tiền cho thuê nửa căn nhà tập thể. Chi tiêu cho ăn uống và sinh hoạt không tốn kém nhưng họ vẫn tiết kiệm bởi muốn dành dụm tiền về thăm quê. Ông Cảnh cho hay, mỗi chuyến đi Triều Tiên tốn khoảng 20.000-30.000$ (khoảng 460 – 690 triệu đồng) bao gồm vé máy bay; chi phí đường thủy, đường bộ; tiền ủng hộ nhân dân; tiền quà cáp… Ông Cảnh mới đưa vợ về thăm quê được 2 lần từ khi kết hôn (lần gần nhất là năm 2017), và vẫn muốn giúp bà về thăm quê nhiều hơn để bù đắp nỗi niềm ly hương của vợ.
Theo Ngôi sao
Xem thêm: