Thói quen trả lại của rơi và sự nổi tiếng của người Nhật
Tokyo được mệnh danh là “thành phố thật thà” nhất thế giới. Vì sao vậy? Theo cảnh sát Nhật Bản, chỉ riêng trong năm 2016, tổng giá trị tài sản thất lạc được người dân thành phố Tokyo nộp lại đã tăng kỷ lục lên đến 3,67 tỷ Yên, tương đương 32 triệu USD.
Ngoài chìa khóa, kính mắt và những vật dụng thường bị mất khác, số tiền hàng triệu USD mỗi năm vẫn được nộp lại cho bộ phận xử lý tài sản thất lạc thuộc lực lượng cảnh sát thành phố Tokyo, Nhật Bản.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Sở Cảnh sát Tokyo cho biết, trong năm 2016, người dân thành phố đã nộp lại số tiền kỷ lục 3,67 tỷ Yên, tương đương 32 triệu USD, mà họ nhặt được. Khoảng 3/4 số tiền này sau đó đã tìm lại được đúng chủ nhân.
Thực tế này phản ánh hai điều: người Nhật rất thích sử dụng tiền mặt và có thói quen “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”.
Trong năm 2015, tổng lượng tiền mặt trong lưu thông ở Nhật là 103 ngàn tỷ Yên, tương đương khoảng 19% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của nước này. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 18 quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển được Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) khảo sát trong một báo cáo công bố hồi tháng 2/2017.
Việc giữ tiền mặt ở Nhật hầu như không ẩn chứa rủi ro. Nước này đã chật vật chống lại giảm phát trong hơn một thập kỷ, khiến việc nắm giữ tiền mặt nhiều khi là một cách đầu tư mang lại lợi nhuận. Thậm chí hiện nay, sau 4 năm BoJ theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng (QE) với quy mô lớn, lãi suất ở Nhật vẫn chỉ ở ngưỡng khoảng 0%.
Ngoài ra, tội phạm hầu như không có và người Nhật gần như không lo bị cướp. Ở Tokyo, một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, không khó để bắt gặp cảnh ai đó “giữ” chỗ trong quán cà phê bằng cách đặt chiếc điện thoại iPhone mới trên bàn trong khi đi tới quầy để gọi đồ uống.
Thậm chí, ngay cả những vật dụng cá nhân tưởng như vô giá trị bị bỏ quên cũng được chủ cửa hàng giữ lại phòng khi người sở hữu một ngày nào đó quay lại tìm.
Có một số ý kiến cho rằng những điều này xuất phát từ văn hóa và cách giáo dục đạo đức của người Nhật. Theo Toshinari Nishioka, một cựu cảnh sát và hiện là giáo sư tại đại học Kansai, sự thật thà của người dân nơi đây là kết quả của một nền văn hóa và hệ thống giáo dục đề cao nhân phẩm.
“Nhiều trường học tại Nhật Bản tổ chức các lớp dạy về lối sống và đạo đức, giúp học sinh hiểu được cảm giác của người bị mất đồ hoặc tiền bạc. Do đó, nếu bạn thấy một em bé dù mới 10 tuổi đã biết đem một đồng xu chỉ đáng giá 10 yên đến trình báo với cảnh sát thì đó là chuyện rất bình thường”, Bloomberg dẫn lời Toshinari nói.
Nhật Bản cũng có những quy định rõ ràng về việc hoàn trả đồ thất lạc. Theo đó, bất cứ người nào nhặt được tiền đều phải nộp cho cảnh sát. Họ sẽ được hưởng từ 5 đến 20% số tiền này nếu có người đến nhận lại. Nếu không, toàn bộ tài sản sẽ được giao lại cho người nhặt được sau 3 tháng.
TinhHoa tổng hợp