Tàu Hải Dương của TQ rời khỏi Bãi Tư Chính sau hơn 3 tháng xâm phạm
Sau hơn 3 tháng xâm phạm vùng biển Việt Nam và gây ra cuộc đối đầu căng thẳng với lực lượng tuần duyên Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, Tàu Hải Dương Địa Chất 8, con tàu khảo sát thăm dò dầu khí cùng ít nhất hai tàu khác của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam.
Sáng 24/10, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng ít nhất 2 tàu hộ tống của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web uy tín chuyên theo dõi tàu thuyền quốc tế.
Được biết, Tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng các tàu hộ tống có vũ trang trên đã tiến vào khu vực Bãi Tư chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7, gây ra cuộc đối đầu căng thẳng với lực lượng tuần duyên Việt Nam.
Tại Bãi Tư Chính, hàng chục con tàu Trung Quốc liên tục quấy phá, cản trở hoạt động của giàn khoan Hakuryu do Việt Nam hợp tác với Nga ở Lô 06-1…
Theo Wionenews, sau vụ xâm phạm đầu tiên của Trung Quốc, phía Việt Nam đã tiến hành giao thiệp 30 lần với nước này và nhiều lần yêu cầu Trung Quốc lập tức chấm dứt mọi hành động trái với luật pháp quốc tế và khẩn trương rút toàn bộ các nhóm tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Sau khi Trung Quốc lần thứ 2 xâm phạm vùng biển Việt Nam thì đến ngày 24/8, Việt Nam cũng đã giao thiệp với phía Trung Quốc 7 lần.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại phát biểu, khẳng định những con tàu trên chỉ đang hoạt động trong khu vực chủ quyền của Trung Quốc, và tố cáo ngược lại rằng các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở khu vực này đã động chạm tới lợi ích của Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh ngày càng leo thang khi Trung Quốc tiếp tục cho tàu đi thăm dò, tiến sát vào bờ biển Việt Nam. Theo dữ liệu theo dõi tàu biển của trang Marine Traffic, sáng sớm ngày 1/9, tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến vào bờ biển Việt Nam và chỉ cách bờ biển tỉnh Ninh Thuận, miền trung Việt Nam khoảng 155km.
Trước vụ việc, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuần trước kêu gọi sự kiềm chế ở Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam “không bao giờ thỏa hiệp” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Được biết, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên cả vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Năm ngoái, Tập đoàn dầu khí Việt Nam Petro Vietnam cũng phải dừng một dự án khai thác dầu khí hợp tác với công ty Tây Ban Nha Repsol sau khi chịu áp lực từ Trung Quốc.
Vũ Tuấn (t/h)