Tàu Trung Quốc tiến sát bờ biển Quảng Ngãi của Việt Nam, chỉ cách bờ 90km
Tàu Lan Jing (Lam Kình), tàu cẩu lớn nhất thế giới của Trung Quốc mới đây đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 90 km.
Theo Marine Traffic, một trang web chuyên theo dõi chuyển động của các tàu thuyền trên thế giới thì tàu Lan Jing (Trung Quốc), tàu cần cẩu lớn nhất thế giới, đã rời thành phố ven biển Trạm Giang ở phía nam tỉnh Quảng Đông vào đầu tháng 8 và tới khu vực ngoài khơi của tỉnh Quảng Ngãi vào tối thứ Ba (3/9).
Tàu Lan Jing chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 90km
Các nhà quan sát khu vực cho biết sự hiện diện của con tàu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 90km cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đối đầu với Việt Nam ở Biển Đông.
Trang South China News, một kênh truyền thông tiếng Anh uy tín tại Hồng Kông đã dự đoán rằng, có thể Bắc Kinh đang chuẩn bị đưa một giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. Hiện các lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam vẫn đang theo dõi động thái của con tàu này.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở ở Singapore đã xác nhận thông tin trên.
“Đi kèm theo nó là mấy tàu vận tải khác, nhưng người ta thấy các tàu vận tải đó không có các khung nhà giàn hay khung giàn khoan cố định nào. Và kèm theo nó còn có hàng chục tàu cảnh sát biển Trung Quốc đi hộ tống. Cảnh sát biển của Việt Nam cũng đi theo”, ông Hợp chia sẻ.
Sự xuất hiện của tàu Lan Jing là do thời tiết xấu?
Mặc dù đưa ra giả thuyết về khả năng thời tiết xấu vào đêm 3/9 và sáng 4/9 khiến tàu Lam Jing có thể phải di chuyển xuống khu vực bên dưới, đối chiếu với đất liền là khoảng Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng theo TS. Hà Hoàng Hợp không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể từ một mũi khác kéo giàn khoan vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.
Đang tham dự một hội nghị an ninh ở Singapore với sự có mặt của các nước Trung Quốc, Nhật, Australia, Ấn Độ…, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết các bên đang rất quan ngại về tình hình ở Biển Đông, với cảnh báo rằng ‘không còn ranh giới nào giữa hòa bình và chiến tranh trên biển nữa’ trước những hành vi hung hăng và khó lường trước của Trung Quốc.
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, hiện Việt Nam và các quốc gia liên quan đã ‘chuẩn bị sẵn sàng’ cho tình huống xấu nhất, tức là khả năng xảy ra đối đầu quân sự.
Việt Nam tập trận gần Biển Đông với Philippines và Brunei
Ở một diễn biến khác, cùng ngày (3/9), hải quân Việt Nam đã tiến hành các cuộc tập trận cùng với Philippines và Brunei ở vùng biển sát Biển Đông, trong khi đang trên đường đến địa điểm diễn tập hàng hải lần đầu tiên giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) và Hoa Kỳ.
Theo Inquirer, một tờ báo tiếng Anh nổi tiếng ở Philippines thì tàu chiến BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines đã gặp tàu KDB Darulaman của Hải quân Hoàng gia Brunei vào thứ Hai tuần trước (26/8) ở gần Bãi Đinh (Kingston Shoal) thuộc quần đảo Trường Sa, sau đó gặp tàu chiến HQ-18 của Việt Nam ở vùng biển gần Hòn Khoai, ở vị trí cực nam của quốc gia hình chữ S.
Ba tàu hải quân hình thành một nhóm đặc nhiệm, tiến hành các cuộc diễn tập trong khi lên đường tới địa điểm tập trận của ASEAN và Hoa Kỳ.
Các nước thành viên Asean và Hoa Kỳ đã khởi động cuộc tập trận chung khai mạc tại một căn cứ của Hải quân Hoàng gia Thái Lan ở Sattahip, Thái Lan hôm thứ Hai (2/9). Tám tàu chiến, bốn máy bay và hơn 1000 quân nhân Mỹ cùng các nước Đông Nam Á tham gia cuộc tập trận.
Đây là lần đầu tiên ASEAN, với tư cách là một khối, tổ chức một cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ. Năm ngoái, Asean đã tiến hành các cuộc tập trận hàng hải với Trung Quốc, mặc dù có những xung đột lợi ích với bốn quốc gia Đông Nam Á về chủ quyền ở Biển Đông.
Lan Jing thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (Cnooc), được trang bị một cần cẩu công suất 7.500 tấn, một cần cẩu bổ sung với công suất 4.000 tấn và móc phụ 1.600 tấn. Con tàu treo cờ Hồng Kông, từng được triển khai trong một số dự án lắp đặt các giàn khoan dầu lớn và các cấu trúc ngoài khơi khác của Trung Quốc ở Biển Đông.
Được biết, trước khi tàu Lan Jing của Trung Quốc tiến sát vào bờ biển Việt Nam thì tàu thuyền của cả hai nước đã phải đối mặt nhau khi tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đến gần rạn san hô bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa vào tháng 7. Vào thời điểm cao trào, có tới 20 tàu vũ trang từ cả hai phía đã có mặt tại hiện trường.
Chuyên gia cho biết sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc ở Bãi Tư Chính là nhằm ngăn chặn Việt Nam thúc đẩy lợi ích của mình trong khu vực trước khi đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Và những gì Trung Quốc đang làm có thể kích động một phản ứng nội địa dữ dội hơn từ Việt Nam, buộc giới chính trị Việt Nam phải hành động.
Vũ Tuấn (t/h)