Trung Quốc hy vọng Việt Nam tôn trọng chủ quyền của mình trên biển Đông
Sau hàng loạt thông tin về việc lực lượng hải giám 2 bên đối đầu nhau hơn một tuần qua. Mới đây, Trung Quốc đã chính thức thừa nhận rằng đã xảy ra sự cố trên Biển Đông và “hy vọng Việt Nam tôn trọng chủ quyền biển của Trung Quốc”.
Trong tuyên bố 16/7, bà Lê Thị Thu Hằng – Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam không hề nhắc đến Trung Quốc mà chỉ cho biết, đang có vụ việc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Theo đó, các tàu của Việt Nam đã dùng những biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đồng thời đấu tranh để khẳng định chủ quyền vùng biển của nước nhà.
“Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.
Tuy nhiên, vào ngày 17/7 mới đây, khi trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về thông tin đối đầu với Việt Nam trên Biển Đông, người phát ngôn Cảnh Sảng đã thừa nhận vụ việc trên và nói:
“Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam có thể nghiêm túc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng biển liên quan và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình”.
Theo nguồn tin của phóng viên, các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam và Trung Quốc đã vướng vào một vụ đối đầu căng thẳng kéo dài 12 ngày trước đó tại một lô dầu mỏ ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Lô dầu mỏ này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Cuối cùng căng thẳng đã kết thúc khi tàu Trung Quốc rút về nước và không xảy ra xung đột.
Cụ thể là vào ngày 3/7, tàu thăm dò địa chất số 8 của Trung Quốc đã đi vào khu vực nhiều dầu khí gần Bãi Tư Chính (thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ở quần đảo Trường Sa hiện do Việt Nam kiểm soát, với sự hộ tống của một số tàu bảo vệ bờ biển, để tiến hành nghiên cứu địa chấn. Đáp lại động thái này, Việt Nam đã gửi tàu của mình đến hiện trường và đối đầu với các tàu Trung Quốc trong hơn một tuần qua.
Nhận định sự việc này, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales cho biết, chính phủ Việt Nam nên ‘nên công bố chi tiết’ và đừng ‘hạn chế báo chí’ về vụ bãi Tư Chính….
Video: VN cáo buộc tàu TQ ‘xâm phạm chủ quyền’ Hoàng Sa. (Nguồn: VOA Tiếng Việt)
Lên tiếng đồng ý ‘cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển’
Trước căng thẳng trên Biển Đông, ngày 11/7, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc gặp người đồng cấp ông Lật Chiến Thư tại Bắc Kinh.
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, liên thông mậu dịch giao thương trên tinh thần cầu thị, linh hoạt. Cả hai nhà lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, Trung Quốc đều đã đồng ý “cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển”.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, Trung Quốc vẫn không ngừng thực hiện các cuộc khảo sát những lô dầu mỏ tại Trường Sa (Biển Đông) thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm trụ sở của Cảnh sát biển Việt Nam tại Hà Nội và nói với các thủy thủ hãy “cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu”, cẩn trọng trước “những biến động chưa từng có”.
Philippines kêu gọi Mỹ cử tàu chiến đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông
Nhận định về tình hình căng thẳng ở biển Đông, ngày 16/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump cử Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ tới Biển Đông để đối đầu với Trung Quốc trong khu vực. Ông cho biết sẽ đích thân lên tàu và cùng chiến đấu với hạm đội này.
“Giờ tôi đang kêu gọi Hoa Kỳ. Tôi đang viện dẫn Hiệp ước (phòng thủ chung) Philippines-Mỹ và tôi muốn Hoa Kỳ tập hợp toàn bộ Hạm đội thứ bảy của họ ra trước mặt Trung Quốc”, ông Duterte phát biểu trong một chương trình truyền hình do một mục sư Cơ Đốc giáo chủ trì.
TQ nhắc nhở Anh ‘chớ thiên vị, hãy tôn trọng chủ quyền ở Biển Đông’
Vào cuối tháng 6, Bắc Kinh đã nói nước Anh có hành động ‘khiêu khích’ khi một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh tiến gần tới các đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Đồng thời cảnh báo rằng các hoạt động hải quân như vậy có nguy cơ phương hại tới mối quan hệ song phương và hy vọng nước Anh giữ vững quan điểm của mình là không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Vũ Tuấn (t/h)