Tập Cận Bình thúc đẩy “hợp tác hóa nông nghiệp”, khủng hoảng lương thực đang đe dọa TQ?
Tình hình lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc vẫn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, tuy nhiên, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại di chuyển về phía Bắc đến thành phố Tứ Bình ở Cát Lâm. Ông nhấn mạnh rằng, “giang sơn đỏ thắm mãi trường tồn.” Ngoài ra, ông cũng tập trung khảo sát các khu vực sản xuất ngũ cốc và đột nhiên nhấn mạnh vấn đề “hợp tác hóa nông nghiệp”.
Vào ngày 22/7, Tập Cận Bình đã đi khảo sát Hợp tác xã chuyên nghiệp nông dân nông cơ Lô Vĩ ở huyện Lê Thụ, thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm. Trong một đoạn video do chính phủ cung cấp cho thấy, ông Tập Cận Bình đứng bên cánh đồng ngô và nói với dân làng rằng, vùng Đông Bắc là một vùng rất trọng yếu, nó là “Nền tảng vững chắc để củng cố Cách mạng ĐCSTQ” trong những năm tháng chiến tranh. Ông còn nói Đông Bắc có địa thế bằng phẳng, có nhiều đất canh tác, và đất đen, chiếm lợi thế cao trong nông nghiệp.
Cùng ngày, Tập Cận Bình cũng đã đến khảo sát cơ sở sản xuất nguyên liệu thực phẩm xanh rộng hàng triệu mẫu của huyện.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã trích dẫn phân tích nói rằng, lũ lụt nhiều nơi ở miền Nam Trung Quốc năm nay chắc chắn sẽ làm giảm sản lượng ngũ cốc. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Cát Lâm lần này có thể là để quan sát tình hình sản xuất ngũ cốc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc trong nửa năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo dẫn lời một nông dân ở thành phố Thiết Lĩnh tiết lộ rằng, năm nay đa số khu vực ở Đông Bắc đều bị hạn hán, khiến nhiều cánh đồng ngô không có thu hoạch. “Tập Cận Bình tới đây quan tâm một chút, bắp ngô liền xuất hiện sao?”
Ngoài ra, Tập Cận Bình cũng đã tìm hiểu qua về cơ giới hóa nông nghiệp và tình hình kinh doanh quy mô hóa tại hợp tác xã nông dân nông cơ địa phương, ông nói rằng, khu vực địa phương “đã đưa ra một con đường hợp tác hóa nông nghiệp phù hợp với điều kiện của tỉnh và quận”, cũng nói rằng, cần phải “đi tốt con đường hợp tác hóa nông nghiệp”; “Thực hiện con đường hợp tác hóa nông nghiệp khác nhau ở các vùng khác nhau của đất nước”.
Các tuyên bố và hành động công khai của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ thường mang theo yếu tố về chính trị. Tập Cận Bình đã đến thăm Hợp tác xã nông dân và ủng hộ “hợp tác hóa nông nghiệp”, dường như điều này đang gửi một tín hiệu chính trị nào đó. Cùng ngày, chủ đề “Áp dụng phù hợp con đường hợp tác hóa nông nghiệp” đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của các báo cáo trên các kênh truyền thông lớn của Đảng.
Phong trào “hợp tác hóa nông nghiệp” của ĐCSTQ diễn ra lần cuối cùng trong thời Mao Trạch Đông những năm 1950. Cũng qua phong trào này, ĐCSTQ đã thu lại đất đai tư nhân vừa được giao cho nông dân để sung vào “sở hữu quốc gia”, mở đường cho việc thực hiện cái gọi là “kinh tế có kế hoạch”.
Trong những năm gần đây, mặc dù một số khu vực nông thôn ở Trung Quốc đã thử nghiệm mô thức hợp tác cơ giới hóa canh tác, tuy nhiên chính phủ gần như chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “hợp tác hóa nông nghiệp” này.
Hiện tại, ĐCSTQ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có và nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ. Nhiều nhà bình luận tin rằng, ĐCSTQ có thể tăng cường kiểm soát xã hội bằng cách quay trở lại “kinh tế có kế hoạch” để duy trì quyền lực.
Vào chiều ngày 22/7, Tập Cận Bình cũng đã đến thăm “Nhà tưởng niệm chiến dịch Tứ Bình” để kỷ niệm cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và ĐCSTQ, ông tuyên bố rằng, “sự nghiệp xã hội chủ nghĩa” của ĐCSTQ phải được “bảo vệ” và “truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Minh Huy (Theo NTDTV)